Cấp giấy phép đầu tư dự án sản xuất công nghiệp ngoài các khu, cụm công nghiệp: Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước
Thực hiện những nội dung kiến nghị sau giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh về tình hình cấp giấy phép đầu tư dự án sản xuất công nghiệp ngoài các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thời gian qua UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, giải quyết kiến nghị của các đơn vị chịu giám sát, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đến đầu tư, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
(BDO)
Dây chuyền sản xuất gỗ tại Công ty TNHH Hoang Yun (TX.Tân Uyên). Ảnh: PHƯƠNG LÊ
Vẫn còn hạn chế, khó khăn
Theo ghi nhận, hiện nay trên địa bàn tỉnh có một số dự án xin chủ trương thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh nằm trong khu dân cư không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phân khu chức năng đã được phê duyệt; một số chủ đầu tư xây dựng nhà xưởng và cho thuê khi chưa bảo đảm điều kiện hạ tầng kỹ thuật; một số chủ đầu tư thuê lại nhà xưởng sản xuất không bảo đảm các điều kiện sản xuất, khi thua lỗ thì bỏ trốn, để lại hậu quả cho Nhà nước giải quyết.
Bên cạnh đó, một số khu đất nằm ngoài khu, cụm công nghiệp đa phần thuộc quyền sử dụng của các cá nhân thực hiện cho thuê đất, tuy nhiên việc xác định chính chủ để thực hiện tuyên truyền cũng như yêu cầu chuyển đổi sang hình thức thương mại của cơ quan chức năng còn gặp rất nhiều khó khăn, bất cập. Cùng với đó, giá cho thuê đất và chi phí sử dụng cơ sở hạ tầng trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa phù hợp tình hình thực tế, vẫn còn ở mức cao nhưng không có cơ chế giám sát khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn khi di dời...
Ông Phú Hữu Minh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, cho biết theo quy định của Luật Doanh nghiệp 68/2014/ QH13 ngày 26-11-2014, doanh nghiệp được tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm; được chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh, chủ động điều chỉnh quy mô và ngành nghề kinh doanh. Doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi kinh doanh ngành nghề không bị cấm, có tên được đặt đúng quy định, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hợp lệ và nộp đủ phí, lệ phí theo quy định. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp đăng ký ngành nghề sản xuất nằm ngoài khu công nghiệp (trừ các ngành nghề thuộc danh mục 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện ban hành kèm theo luật số 03/2016/QH14 sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư) không thuộc về ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định tại luật số 03/2016/QH14, sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư.
Ông Minh cho biết thêm, giấy phép thành lập hộ kinh doanh thuộc thẩm quyền của các cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện, do đó cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện, thị, thành phố có trách nhiệm xem xét quyết định đối với các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh thuộc thẩm quyền quyết định hoặc thuộc thẩm quyền cấp đăng ký kinh doanh của UBND huyện, thị, thành phố theo dự thảo quyết định sửa đổi Quyết định số 49/2011/QĐ-UBND ngày 21- 11-2011 về việc quy định bố trí các dự án sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đối với việc quản lý cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh sau khi thành lập, UBND cấp huyện phân công các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ sở sản xuất, kinh doanh và đề nghị UBND cấp huyện tham khảo Quyết định số 10/2018/QĐ-UBND của UBND tỉnh ngày 27-4-2018 về việc ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập.
Cần bổ sung chính sách, cơ chế phù hợp
Theo đánh giá của UBND tỉnh, hiện công tác hậu kiểm sau khi đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư đối với các doanh nghiệp, dự án vẫn còn nhiều bất cập. Nguyên nhân là do trong giai đoạn 2012-2016, các cơ quan liên quan chưa có sự điều phối của một cơ quan đầu mối dẫn đến có nhiều cơ quan quản lý hoạt động doanh nghiệp nhưng không có sự thống nhất. Bên cạnh đó, giá cho thuê đất và chi phí sử dụng cơ sở hạ tầng trong các khu, cụm công nghiệp chưa phù hợp tình hình thực tế...
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ngày 25-5-2018 của Chính phủ yêu cầu tiếp tục rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ thuộc thẩm quyền của Sở Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan chức năng của tỉnh đã có nhiều cố gắng. Tuy nhiên, nguồn nhân lực hiện tại của cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan đăng ký đầu tư chưa đáp ứng được khối lượng hồ sơ phải giải quyết khiến việc giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn.
Theo UBND tỉnh, tỉnh đã đề nghị các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, bổ sung chính sách, cơ chế phù hợp để bảo đảm nhân lực cho cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan đăng ký đầu tư hoàn thành nhiệm vụ giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, bảo đảm thời gian quy định và có điều kiện nâng cao chất lượng phục vụ.
Tại buổi giám sát của HĐND tỉnh vừa qua, ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết UBND tỉnh đã giải quyết các kiến nghị cụ thể liên quan đến công tác đăng ký kinh doanh, bố trí ngành nghề sản xuất công nghiệp, quy định những ngành nghề sản xuất ngoài khu, cụm công nghiệp và bảo đảm về quy hoạch chung, không gây ô nhiễm môi trường. Ông cũng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục kiểm tra các cơ sở, doanh nghiệp đang hoạt động ngoài khu, cụm công nghiệp; xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường; các sở, ngành liên quan tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách tạo thuận lợi trong việc vận động, di dời các dự án sản xuất công nghiệp vào các khu, cụm công nghiệp.
PHƯƠNG LÊ