Cao su tiểu điền trước nguy cơ bệnh rụng lá do nấm Corynespora!
Trước diễn biến phức tạp của bệnh rụng lá cao su (CS) do nấm Corynespora gây ra trên địa bàn, nhiều người đã cho rằng cây CS, nhất là vườn cây cao su tiểu điền (CSTĐ) đang đứng trước nguy cơ bị “tiêu diệt”. Thực tế tại Bình Dương cho thấy người trồng CS đang đứng trước vô vàn khó khăn khi đối phó với loại bệnh này.
“Thảm họa” với cao su tiểu điền
Hiện diện tích CS trên địa bàn tỉnh là hơn 120.000 ha, trong đó CSTĐ chiếm hơn 50% diện tích. Thực tế cho thấy CSTĐ là mô hình kinh tế hiệu quả, mang lại thu nhập cao cho rất nhiều hộ nông dân, kinh tế - hạ tầng nông thôn cũng vì thế mà phát triển hơn. Với phong trào trồng CS trong thời gian qua và công tác tuyển chọn giống không được chú ý cũng như phương thức canh tác chưa bảo đảm, CSTĐ hiện nay đã bắt đầu phải đối diện với những nguy cơ bị “triệt hạ” khi nấm Corynespora đang gây ra những hậu quả nặng nề.
Dù đã tích cực phòng chống nhưng nhiều vườn cây vẫn chưa hết bệnh
Theo báo cáo của các cơ quan chuyên môn, bệnh CS rụng lá do nấm Corynespora gây ra trên CS xuất hiện tại nước ta vào năm 1999 và đến nay sau hơn 10 năm ủ bệnh loại nấm này đã phát tán mạnh với những nguy hại khó lường. Hiện loại bệnh này đã lây lan ra trên diện tích CS của khoảng 10 tỉnh thuộc khu vực Đông Nam bộ và Tây nguyên với diện tích trên 15.000 ha. Riêng tại Bình Dương tính đến ngày 10-9, tổng diện tích CS nhiễm bệnh là 5.375,7 ha. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã triển khai các biện pháp phòng chống nhưng đang gặp phải rất nhiều khó khăn, người trồng CS đang rất bị động đối phó. Tuy chưa có các đánh giá tổng thể về mức độ gây hại của bệnh nhưng khả năng người nông dân chịu thiệt hại nặng trong thời gian tới là rất dễ xảy ra, thậm chí là có thể mất trắng. Cái khó của người trồng CSTĐ khi đối phó với loại bệnh này là vẫn chưa có thuốc đặc trị, mặc dù có nhiều đơn vị quảng bá các sản phẩm của họ cho rằng có thể trị “tận gốc” loại bệnh này. Bên cạnh đó, phương tiện dùng để phun xịt thuốc hiện nay cũng rất hạn chế. Tất cả các máy phun xịt đều là do nông dân cải tiến từ máy phun rửa xe Honda. Nhiều dụng cụ không bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật nên không thể phun xịt tới độ cao cần thiết trong khi yêu cầu là phải phun đều trên toàn bộ tán lá của cây CS. Nhiều nông dân đang rất phân vân trong việc tiếp tục sử dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh đã áp dụng, bởi chi phí phun xịt đang tăng cao dần (trung bình 1 triệu đồng/1ha/1 lần phun) hoặc là chuyển đổi qua trồng các loại cây trồng khác. Ông Nguyễn Văn Lắm - ngụ tại xã Phước Sang (Phú Giáo) cho biết: “Chúng tôi cũng đã sử dụng đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh nhưng bệnh chỉ khựng lại chứ chưa thấy dứt hẳn. Nhiều nhà vườn xung quanh mặc dù đã phun xịt nhưng bệnh vẫn cứ tái phát. Nhiều người cũng đã tính toán đến khả năng chặt vườn cây để trồng các loại cây trồng khác”.Hiện nay, ngoài một số dòng CS vô tính nhiễm bệnh trước đây, dòng RRIV 4 đang là giống có diện tích nhiễm bệnh nhiều nhất. Điều đáng lo là loại giống CS này đang được trồng với diện tích rất lớn trong tổng diện tích CSTĐ. Theo Viện nghiên cứu CS Việt Nam, từ năm 2008 giống RRIV đã được loại ra khỏi bảng cơ cấu giống CS bởi cho năng suất mủ cao nhưng khả năng chống chọi với gió bão thấp và rất mẫn cảm với các loại bệnh. Trong việc phát tán bệnh rụng lá do nấm Corynespora gây ra cho thấy khâu tuyển chọn giống của người nông dân là không bảo đảm. Công tác phổ biến kiến thức cho nông dân trong việc lựa chọn giống còn hạn chế và hậu quả là người nông dân đang phải gánh chịu thiệt hại. Với năng suất mủ giảm từ 20 - 30% làm cho nhiều người trồng CS lao đao, nhất là với những nhà vườn vừa bước vào mùa cạo đầu tiên và với những nhà vườn đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản. Quả thực là nhiều nhà vườn đang đối mặt với một tương lai vô cùng khó khăn nếu vườn cây mất trắng!
Liệu có tiếp tục chặt - trồng?
Khác với các giống cây trồng khác, cây CS một khi đã trồng được một thời gian là rất khó thay đổi vì giá trị đầu tư khá cao và thời gian kiến thiết là khá dài. Hậu quả tiềm tàng hiện nay là khả năng vườn cây chết hàng loạt có thể xảy ra bởi thực tế tại một số quốc gia đã xảy ra tình trạng đó. Ngoài việc khuyến cáo cho nông dân trong việc lựa chọn giống thì công việc cấp bách đó là hỗ trợ tích cực cho họ xử lý với những vườn CS bị nhiễm bệnh để người nông dân bớt hoang mang và không rơi vào quy luật trồng- chặt - trồng? Theo các chuyên gia của Viện Nghiên cứu CS Việt Nam, với những diện tích CS 4 - 5 năm tuổi và những vườn cây trong giai đoạn khai thác thì nên tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng chống bệnh. Còn với những vườn cây mới trồng nên tính toán đến khả năng ghép chồng đổi giống hoặc ghép tán các giống cây có khả năng kháng với loại bệnh này. Trong việc trồng các diện tích mới nên trồng một bộ giống chứ không nên độc canh một giống cây.
Nhiều nông dân đang rất trông chờ vào sự “ra tay” của các cơ quan chuyên môn nhằm cứu lấy những vườn cây đang nhiễm bệnh. Có thể thấy với những tính toán trong việc lựa chọn giống và công tác phòng chống bệnh hiệu quả, CS của doanh nghiệp ít bị bệnh hơn CSTĐ. Trong tình hình hiện tại, các công ty CS hãy chung tay giúp CSTĐ vượt qua nguy cơ bị “tiêu diệt” vì những lợi ích chung của cộng đồng là rất cần thiết. Hơn nữa nếu diệt trừ được bệnh ở CSTĐ cũng sẽ giảm nguy cơ cho vườn cây của các doanh nghiệp.
* Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng: Phải ngăn không cho dịch bệnh lan rộng
CS sau một thời gian dài phát triển ổn định nay đã xuất hiện những bất ổn, các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải thấy trách nhiệm của mình và cũng cần tính toán đến các chính sách hỗ trợ cho diện tích CSTĐ bị nhiễm bệnh. Cần phải thực hiện các biện pháp nhằm ngăn không cho dịch bệnh lây lan rộng, song song với đó là cần phải có các công trình nghiên cứu sâu rộng và đồng bộ để phòng trừ loại bệnh này hiệu quả hơn...
* Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Xuân Hồng: Đây là loại bệnh nguy hiểm nhất trên cây CS
Bệnh CS rụng lá do nấm Corynespora là loại bệnh nguy hiểm nhất trên cây CS vì nó có khả năng lây lan nhanh và gây thiệt hại nặng nề. Các cơ quan chuyên môn cần tuyên truyền cho nông dân nắm chắc về loại bệnh này để có các biện pháp phòng trừ hiệu quả. Cần tăng cường nghiên cứu về phương tiện phun xịt để khống chế dịch bệnh hiệu quả. Trong tình hình hiện tại, nông dân tạm thời sử dụng các loại thuốc đã được các viện nghiên cứu khảo nghiệm và công nhận. Trong thời gian tới, các viện nghiên cứu sẽ xây dựng quy trình tổng hợp để phòng trừ các loại bệnh khác nhau trên cây CS.
* Tiến sĩ Nguyễn Anh Nghĩa - Viện Nghiên cứu CS Việt Nam: Chưa vội vàng chặt bỏ CS bị bệnh
Để có thể phòng trừ hiệu quả loại bệnh này, nông dân cần thực hiện phương pháp phun thuốc theo tiêu chuẩn 4 đúng là đúng thuốc, đúng cách, đúng nồng độ, đúng thời điểm và pha thêm chất bám dính để tăng hiệu quả của thuốc và hạn chế khả năng phát tán của bào tử nấm. Hiện nay không nên vội vàng chặt bỏ các diện tích CS bị nhiễm bệnh vì chưa có các đánh giá toàn diện về mức độ gây hại của loại bệnh này và người nông dân cần tính toán chính xác các mặt lợi, hại về thu nhập, chi phí, thời gian để có các quyết định chính xác.