Cao su giống rớt giá!

Thứ tư, ngày 05/09/2012

Trái ngược với cùng thời điểm này của năm ngoái, năm nay cây cao su (CS) giống đang trong tình trạng “ế hàng”, mặc dù đây là thời điểm nông dân xuống giống CS. Làm giống nhưng không bán được đồng nghĩa với việc các chủ vườn giống bị thua lỗ, khó thu hồi được vốn. Nguyên nhân CS giống rớt giá là do mủ CS xuống giá, nhiều chủ vườn tạm dừng mở rộng diện tích vườn cây...

 Giá cây cao su giống xuống thấp, khiến nhiều chủ vườn giống gặp khó khăn

Năm ngoái, lúc cao điểm CS giống stum trần có giá từ 6.000 - 8.000 đồng/cây; stum bầu có giá từ 15.000 - 18.000 đồng/cây. Mức giá này so với thời gian trước đó tuy không cao, nhưng các chủ vườn đều có lãi. Theo nhiều chủ vườn CS giống tại các huyện Phú Giáo, Bến Cát, Tân Uyên... hiện giá CS giống stum trần chỉ còn 2.500 - 3.000 đồng/cây và stum bầu từ 5.000 - 6.000 đồng/cây. Như vậy, giá CS giống hiện nay chỉ bằng 30-40% so với thời điểm năm 2011. Trong khi đó các khoản đầu tư như hạt giống, vật tư, nhân công lại không giảm mà ngược lại đều tăng, nên các chủ vườn cầm chắc thua lỗ.

Anh Nguyễn Đức Thuận, ngụ tại xã Phước Sang, huyện Phú Giáo là một trong những người có thâm niên làm CS giống. Năm ngoái anh Thuận canh tác khoảng 1 ha CS giống, với số lượng dao động khoảng 60.000 - 70.000 cây, cùng với cây lấy mắc tháp. Với số lượng cây giống nói trên, thời điểm cao giá anh Thuận cho biết có thể thu về hơn 100 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, năm nay mọi tính toán của anh đều không thành khi giá CS giống xuống quá nhanh. “Năm nay tôi tưởng có thể thu về một khoản tiền kha khá từ vườn cây giống, ai dè giá cây giống lại xuống quá nhanh. Kiểu sản xuất nhỏ lẻ, không có các hợp đồng lớn như chúng tôi khi giá cả thay đổi là kể như lỗ. Số tiền bỏ ra đầu tư cho vườn giống năm nay không biết đến bao giờ mới có thể thu hồi lại được”, anh Thuận than thở!

Không riêng anh Thuận, nhiều người làm CS giống hiện nay đều đang trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”. Nhiều người chọn nghề làm giống CS là nghề chính, vì vậy khi CS giống không bán được thì cuộc sống bị đảo lộn. Anh Trọng, ngụ tại xã Tân Hưng, huyện Bến Cát, bộc bạch: “Vẫn biết giá cả như vậy là quá thấp nhưng chúng tôi buộc phải bán vì cây giống không để lâu được. Đó là chưa kể vườn cây cần được tưới tắm hàng ngày lại tốn thêm chi phí điện, nước, nhân công, vật tư... Chúng tôi chỉ mong giá nhích lên một chút để lấy lại vốn chứ không mơ có lãi như mọi năm”.

Về nguyên nhân, do hầu hết diện tích vườn cây trong tỉnh đều đang trong tình trạng khá ổn định, khả năng tăng diện tích trồng mới hay tái canh là không nhiều, vì vậy nhu cầu về cây giống không còn mạnh như trước. Kế đến là do giá mủ CS đang xuống thấp, nên nhiều chủ vườn không mặn mà mở rộng diện tích vườn cây. Các tỉnh có trồng CS như Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai... trước đây tiêu thụ cây giống khá mạnh thì nay đã có phong trào làm giống tại chỗ. Một số chủ vườn mặc dù đã có sự liên kết để tạo ra nguồn giống lớn nhằm cung ứng cho các hợp đồng trồng CS tại Lào và Campuchia, nhưng với tình hình giá cả như hiện nay thì họ cũng bị vạ lây.

ĐÀ BÌNH