Cao su được giá - nhiều chủ vườn vẫn không vui!
Giá mủ cao su (CS) lại thiết lập một mốc kỷ lục mới nhưng người trồng CS vẫn chưa thật vui khi mà sản lượng mủ giảm mạnh do vườn cây bị nhiễm bệnh.
Giá cao kỷ lục
Hiện nay giá mua mủ CS tại các điểm thu mua mủ CS nhỏ lẻ khoảng 700 đồng/1 độ. Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay và cao hơn gần 1,5 lần so với mức giá kỷ lục của năm ngoái (khoảng hơn 500 đồng/1 độ). Có thể nói đây là một mức giá đã đem lại mức thu nhập lớn cho các nhà vườn. Người trồng CS trên địa bàn tỉnh chưa bao giờ gặp điều kiện thuận lợi về giá như trong năm nay khi mà giá mua mủ cứ tăng cao vùn vụt. Khởi đầu mùa cạo giá mua mủ đã đạt mức 500 đồng/1 độ, nhiều người trồng CS nhận định giá mua mủ sẽ tăng cao trong thời điểm cuối năm nên đã chú ý đầu tư cho vườn cây ngay từ đầu mùa cạo nên hiện nay họ đã bội thu. Anh Nguyễn Trung Hiếu - một người trồng CS ngụ tại xã Phước Sang, huyện Phú Giáo tâm sự: “Từ khi tham gia trồng CS đến nay, chưa bao giờ tôi thấy giá mua mủ CS cao như hiện nay. Nếu giá mua mủ CS cứ cao như vậy và duy trì cho đến hết cuối mùa thì chắc chắn đời sống của những người trồng CS như chúng tôi sẽ được thay đổi rất nhiều”. Niềm vui của anh Hiếu cũng là niềm vui chung của rất nhiều người trồng CS trên địa bàn tỉnh. Nếu như mùa cạo năm ngoái người trồng CS thu nhập ròng trên 100 triệu đồng/1 ha thì với giá mua mủ như hiện nay, mùa cạo năm nay người trồng CS sẽ còn đạt được lợi nhuận cao hơn nữa.
Nhiều người trồng cao su vẫn không vui mặc dù cao su được giá
Nhưng vui không trọn vẹn!
Với các vườn CS đã được khai thác trong thời gian dài thì niềm vui đã đến với họ nhưng với những vườn CS vừa mới khai thác hoặc mới mở miệng cạo có trồng các giống CS mẫn cảm với nấm Corynespora thì họ đang trong tình trạng dở khóc dở cười. Mặc dù giá mủ có lên cao nhưng bệnh rụng lá do nấm Corynespora gây ra đã làm sản lượng mủ giảm gần 50% nên thu nhập của những vườn cây này cũng không đáng kể. Anh Long ngụ tại thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo cho biết: “Gia đình tôi trồng được hơn 4 ha cao su giống RRIV4, năm nay là năm cạo thứ 2. Tưởng rằng giá mua mủ cao từ đầu năm sẽ làm cho thu nhập từ vườn cây sẽ tăng lên, ai dè căn bệnh rụng lá quái ác đã làm cho sản lượng mủ xuống thấp và vì vậy mà thu nhập của vườn cây cũng không tăng lên được”. Hoàn cảnh của gia đình anh Long cũng chưa “bi đát” bằng những gia đình có CS “mở miệng” trong năm nay. Sau một thời gian dài đầu tư chăm sóc, đến khi thu hoạch mặc dù được giá nhưng vườn cây lại nhiễm bệnh, không có thu nhập bù lại công sức đã bỏ ra; ngoài ra lại tốn thêm công sức, tiền bạc cho việc phun xịt thuốc trị bệnh rụng lá do nấm Corynespora gây ra nên họ tỏ ra hụt hẫng. Nhiều nhà vườn kiểu này đã tính đến việc có thể sẽ phải cưa bỏ vườn cây của mình để tái thiết vườn cây mới.
Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, diện tích CS nhiễm nấm Corynespo trên địa bàn tỉnh đã có phần giảm đi và tình hình dịch bệnh đang có chiều hướng dừng lại. Tuy nhiên dù bệnh đã hết nhưng sản lượng mủ của vườn cây không thể phục hồi ngay được nên thu nhập của chủ vườn cây cũng vì thế mà không thể tăng lên ngay mà cần có thời gian để phục hồi trong khi đó mùa cạo đang gần bước vào giai đoạn cuối.
Với những vườn cây không bị ảnh hưởng của bệnh do nấm Corynespora thì mặc dù bội thu nhưng người dân cũng nên chú ý đến việc thực hiện chế độ cạo cho hợp lý. Đừng vì thấy được giá mà khai thác theo kiểu “tận thu” vườn cây nhà mình sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiến trình phát triển sinh học của cây trong thời gian sau này và có thể làm cho vườn cây yếu đi, dễ nhiễm bệnh. Cần có sự phối hợp hợp lý giữa khai thác và đầu tư phân bón. Còn với những vườn CS nhiễm bệnh cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Những vườn cây đã hết bệnh cần có các phương án hồi phục năng suất vườn cây, không nên vội vàng chặt bỏ.
CAO SƠN