Cao quý thay nghề dạy học!
Tháng 11 là tháng tri ân thầy cô. Đây còn là dịp để xã hội tôn vinh người thầy, những người đã đóng góp công sức vì sự nghiệp trăm năm trồng người và sự phồn vinh của đất nước.
(BDO)
Tận tâm với nghề
Dạy học là một nghề đặc biệt, đối tượng của người thầy là con người. Vì vậy, khi đã chọn nghiệp làm thầy, các nhà giáo đã dốc hết tâm huyết, công sức để đào tạo ra những con người có tài, có đức, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh. Với sứ mệnh cao cả ấy, đội ngũ nhà giáo tỉnh nhà đã thể hiện sự tận tâm, tận tụy vì học sinh (HS) thân yêu. Thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, từng người thầy đã tích cực đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Cô Đặng Vũ Hoài An, giáo viên dạy sử trường THCS Tương Bình Hiệp (TP. Thủ Dầu Một) là một trường hợp cụ thể. Để cho những tiết dạy thêm sinh động, cô tích cực làm đồ dùng dạy học tự làm. Cô còn sử dụng một số phần mềm hỗ trợ như làm video clip, giúp cho tiết dạy thêm phong phú, thu hút HS. Ngoài dạy cho HS những kiến thức trọng tâm, cô còn liên hệ thêm kiến thức bên ngoài để HS khắc sâu được kiến thức.
Giáo viên trường THCS Chu Văn An (TP.TDM) tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy
Người thầy có tâm còn tích cực phát hiện HS giỏi và thắp lên niềm đam mê học tập cho các học trò. Với thầy Lê Thiết Nghĩa, nguyên là giáo viên dạy sử trường THPT Trịnh Hoài Đức (TX.Thuận An), tuy đã về hưu nhưng thầy vẫn tham gia làm cố vấn, bồi dưỡng những HS yêu thích môn sử. Vừa qua, đội tuyển HS giỏi sử của trường đã đạt giải nhất tại cuộc thi “Cùng non sông cất cánh”, do Sở GD-ĐT TP.Hồ Chí Minh tổ chức. Thành quả này có sự góp sức không nhỏ của thầy Nghĩa.
Lòng yêu nghề đã tạo thành sức mạnh để các nhà giáo vượt qua mọi khó khăn vì nghề. Đó là cô Chương Lai Ngọc, quê ở An Linh, huyện Phú Giáo, hiện là giáo viên trường Mầm non Lê Thị Trung (TP.Thủ Dầu Một). Trước đây, có lúc mỗi ngày cô vượt từ 60 - 70km đến trường, vất vả là vậy nhưng tình yêu thương con trẻ đã giúp cô vượt qua mọi trở ngại, giữ vững nghề đã chọn. Sự tận tụy của người thầy không thể cân đo được. Do đặc thù công việc, giáo viên mầm non khá vất vả, buổi trưa khi các cháu say nồng giấc ngủ thì các cô tranh thủ soạn giáo án, làm thêm đồ dùng dạy học. Với giáo viên các cấp học khác, ban ngày thầy cô miệt mài trên bục giảng, khi đêm về tiếp tục soạn giáo án. Thực hiện dạy học theo hướng phát huy tính sáng tạo của HS, hầu hết giáo viên các cấp soạn giảng bằng công nghệ thông tin, đồng thời kết hợp với các phương pháp giảng dạy hiện đại khác.
Cái tâm của người thầy còn thể hiện ở tình yêu thương học trò. Thầy cô không chỉ dạy chữ, mà còn dạy HS về đạo đức, rèn nhân cách để các em trở thành những người có đức, có tài. Với tình thương yêu học trò vô bờ, các thầy cô còn gần gũi, tìm hiểu tâm tư, tình cảm, hoàn cảnh của học trò để có hướng giúp đỡ kịp thời, giúp các em vững tin đến trường.
Tiếp tục rèn giũa
Từ sự tận tâm, tận tụy của đội ngũ nhà giáo, chất lượng giáo dục đã được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ HS khá giỏi tăng, tỷ lệ HS yếu kém giảm, chất lượng các kỳ thi HS giỏi năm sau cao hơn năm trước. Chỉ tính trong năm học 2016-2017, có 15 HS đạt giải tại kỳ thi HS giỏi quốc gia; kỳ thi THPT quốc gia có 99,88% HS đỗ tốt nghiệp; số HS trúng tuyển vào các trường đại học chiếm tỷ lệ 75,84%...
Bà Nguyễn Hồng Sáng, Giám đốc Sở GD-ĐT nhìn nhận, trải qua mấy mươi năm, các thế hệ nhà giáo đã kiên trì đeo bám, yêu ngành, yêu nghề, tận tâm, tận lực với HS, đưa sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà tiến lên. Ngành GD-ĐT xin ghi nhận và trân trọng tri ân sâu sắc những đóng góp vô cùng to lớn đó của các thế hệ nhà giáo. Nhìn lại chặng đường đã qua, vượt bao khó khăn và thử thách, ngành GD-ĐT hiện nay có những điều kiện thuận lợi hơn nhiều, cơ sở vật chất ngày càng khang trang, hiện đại đáp ứng được nhu cầu học tập của con em. Song trước những yêu cầu ngày càng cao của xã hội, đòi hỏi toàn ngành mà đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên phải nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn nghiệp vụ, giữ gìn phẩm chất đạo đức nhà giáo, hết lòng vì HS thân yêu.
H.THÁI