Cảnh sát PC&CC tỉnh Bình Dương - Đại học quốc gia TP.HCM: Tăng cường phối hợp phòng cháy và chữa cháy

Thứ tư, ngày 02/05/2018

(BDO) Cảnh sát Phòng cháy (PC) và Chữa cháy (CC) tỉnh và Đại học Quốc gia TP.HCM vừa tổ chức Hội nghị sơ kết công tác thực hiện quy chế phối hợp và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2018. Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác phối hợp tuyên truyền, triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn PCCC, hội nghị cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, tồn tại có thể dẫn đến nguy cơ mất an toàn về PCCC, từ đó tập trung tháo gỡ, bảo đảm an toàn PCCC.

 Nơi an toàn, có khi còn nguy hiểm  

Đây là nhận định, cũng là nỗi lo của đại diện các trường khi phát biểu ý kiến tại Hội nghị sơ kết công tác thực hiện quy chế phối hợp và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2018 do Cảnh sát PC&CC tỉnh phối hợp với Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức vừa qua. Đại diện trường Đại học Bách khoa chia sẻ, hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng về PCCC tại trường Đại học Bách khoa nói riêng và Đại học Quốc gia TP.HCM nói chung được đầu tư đúng tiêu chuẩn thiết kế, bảo đảm an toàn về PCCC. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, do đặc điểm sinh hoạt, tính hiếu kỳ, sôi nổi của sinh viên nên có khi nơi an toàn trở thành nơi nguy hiểm.

Cảnh sát PC&CC tỉnh tiến hành kiểm tra thực tế công tác an toàn PCCC tại Ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM. Ảnh: DUY CHÍ

Có thể dẫn chứng một vài trường hợp như sinh viên khi vào phòng thí nghiệm, rồi vào lớp, về ký túc xá đã mang theo cả hóa chất, vật dụng thí nghiệm để tiếp tục nghiên cứu, học tập. Nhìn ở góc độ giáo dục, việc làm này là tốt, nhưng nhìn ở góc độ an toàn thì đây chính là nguy cơ dẫn đến cháy nổ. Bởi vì giảng đường, phòng thí nghiệm, ký túc xá, nơi các em lưu trú, sinh hoạt đều có nội quy riêng, nhưng nếu chúng ta chưa đánh giá đúng bản chất, kiểm soát, quản lý chặt chẽ thì việc học tập, thí nghiệm, ứng dụng khoa học không đúng nơi, không đúng lúc sẽ trở thành nguy cơ mất an toàn. “Chúng tôi đã nhiều lần phát hiện sinh viên dùng CO2 để ướp lạnh nước ngọt, nước giải khát, nước lọc và đã tịch thu toàn bộ phương tiện vật dụng”, đại diện trường Đại học Bách khoa nói.

Lãnh đạo Phòng Quản lý tài sản, Đại học Quốc gia TP.HCM nêu ý kiến, sau mỗi lần sinh hoạt, học tập trên giảng đường lớn và các lớp học, ban quản lý tài sản nhà trường rất vất vả khi dọn dẹp vệ sinh, bảo trì bảo dưỡng hệ thống hạ tầng nói chung, trong đó có hệ thống PCCC của nhà trường. Vì trong các hộp đựng thiết bị chữa cháy, các vòi chữa cháy… cán bộ, nhân viên ban quản lý thường xuyên lấy ra đủ loại, từ bao ni-lông, bao thuốc lá đến thức ăn... Từ thực tế này, trong công tác tuyên truyền hướng dẫn an toàn PCCC, rất mong các đơn vị chức năng lưu tâm nhắc nhở và có bài tuyên truyền sát thực tế để góp phần làm thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức về PCCC cho các bạn trẻ, sinh viên đang theo học tại trường.

Sân trường và không gian sư phạm

Đại học Quốc gia TP.HCM có diện tích trên 500 ha, với trên 10 trường đại học, cơ sở đào tạo trực thuộc đang hoạt động, cùng trên 30.000 sinh viên theo học. Ký túc xá nhà trường có 19 block nhà cao tầng, từ 6 đến trên 10 tầng, với trên 10.000 sinh viên đang lưu trú. Bên cạnh Đội PCCC cơ sở, nhà trường còn có Đội tự quản, Đội an ninh trật tự hoạt động cùng với Ban Quản lý khu đô thị, Ban Quản lý ký túc xá sinh viên.

Hệ thống PCCC của ký túc xá nói chung và các trường thành viên thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM được đầu tư hoàn thiện, bảo đảm đúng thiết kế, đã được thẩm duyệt. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế tại các đơn vị trực thuộc cho thấy nhiều hệ thống, thiết bị PCCC không hoạt động hoặc hoạt động nhưng không bảo đảm yêu cầu, nếu xảy ra cháy, nổ, sự cố, hệ thống sẽ không phát huy tác dụng.

Đại diện trường Đại học Môi trường và Tài nguyên cho biết, do diện tích khuôn viên của trường rộng, được thiết kế như khu đô thị nên không có hàng rào che chắn, nên trong sân trường thường xuyên có người ngoài vào vui chơi, sinh hoạt, nấu ăn, ca hát, đốt lửa và đã từng xảy ra cháy rừng tràm phía trước cổng trường. Do vậy, đại diện trường đề nghị Ban Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, Cảnh sát PC&CC tỉnh Bình Dương có biện pháp hành chính xử lý những trường hợp vi phạm quy định, vì nhà trường không có chức năng xử lý những trường hợp nói trên.

Qua thực tế kiểm tra, Thượng tá Nguyễn Thế Phương, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PC&CC số 2, Cảnh sát PC&CC tỉnh, nói: “Lo lắng nhất của chúng tôi là khu ký túc xá với 19 bolck nhà cao tầng, có trên 10.000 sinh viên đang lưu trú. Tuy Ban Quản lý ký túc xá cấm đun nấu trong ký túc xá nhưng nguồn nhiệt, việc sử dụng nguồn nhiệt, các điểm phát sinh nguồn nhiệt ở khu vực này vẫn diễn ra phổ biến, như hút thuốc lá, thiết bị sử dụng điện; đáng lưu ý là tầng hầm với hàng ngàn xe máy. Nhìn lại sự cố cháy chung cư Carina vừa qua cho thấy, ngoài thiết bị điện, nguồn nhiệt, các xe máy do lỗi kỹ thuật cũng có thể tự phát cháy”.

Có thể thấy, để bảo đảm an toàn không để xảy ra cháy, hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động trong các trường phải được đầu tư, bảo trì, bảo dưỡng đúng quy định và bảo đảm hoạt động hiệu quả. Rút kinh nghiệm từ những sự cố nói trên, hệ thống camera quan sát cũng phải bảo đảm hoạt động kết nối tốt với bảo vệ làm công tác thường trực, để khi phát hiện sự cố thì bảo vệ tuần tra dùng phương tiện xách tay tại chỗ xử lý ngay. Thực hiện tốt nhiệm vụ này, cơ quan chức năng, nhà trường cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huấn luyện kiến thức, kỹ năng PCCC cho đội bảo vệ và sinh viên, thầy cô giáo.

Theo Thiếu tá Nguyễn Văn Tùng, Phó Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy, Cảnh sát PC&CC tỉnh, hệ thống cửa thoát nạn, thang thoát nạn được thiết kế riêng với ron kín, bảo đảm áp suất nhằm chống ngạt khói khi xảy ra sự cố, nên cửa chỉ được mở ra chứ không thể đẩy vào. Nhưng khi kiểm tra, lực lượng của đơn vị vẫn thường xuyên phát hiện vật chèn cửa để ai đó từ trong phòng bước ra ngoài hóng gió, hút thuốc... Nếu xảy ra sự cố, khói từ dưới bốc lên, người trong nhà chạy ra cửa thoát nạn không những không thoát được mà còn bị ngạt khói rất nguy hiểm. Vì vậy, trong công tác phối hợp trong thời gian tới, bên cạnh việc huấn luyện, hướng dẫn, kiểm tra, cần tăng cường giáo dục nâng cao ý thức về an toàn PCCC để mọi người có đủ bình tĩnh, đủ khả năng xử lý tình huống khi sự cố vừa mới xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ), cũng như phát hiện kịp thời những trường hợp làm ảnh hưởng đến hệ thống PCCC...

*  Phó Giáo sư - Tiến sĩ Vũ Anh Quân, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM: Tăng cường công tác PCCC

Nhà trường luôn quan tâm đến công tác bảo đảm an toàn, trong đó có an toàn về PCCC, vì “sinh mạng con người là trên hết”. Vì vậy, những kiến nghị, ý kiến góp ý của các đại biểu phải được các bộ phận chức năng nghiên cứu, chủ động đề xuất, trang bị phương tiện PCCC; đồng thời phối hợp huấn luyện, tuyên truyền, diễn tập phương án PCCC nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các hoạt động chung của nhà trường.

* Đại tá Nguyễn Văn Hòa, Phó Giám đốc Cảnh sát PC&CC tỉnh: Cấm đốt lửa, sinh hoạt tự phát trong khuôn viên Đại học Quốc gia TP.HCM

Đại học Quốc gia TP.HCM được thiết kế, xây dựng rất đẹp, với nhiều cảnh quan thiên nhiên thân thiện môi trường. Thời gian qua, dù chính quyền địa phương đã ban hành lệnh cấm, thực hiện rào kín các ao hồ, hầm đá trong khuôn viên Đại học Quốc gia nhưng vẫn có nhiều người không chấp hành lệnh cấm, khu vực cấm dẫn đến đuối nước, chết người. Gần đây, tình trạng người ngoài tự phát cùng vào đây ăn chơi, đốt lửa, ca hát, tạo tiếng ồn làm ảnh hưởng đến việc học tập, nghiên cứu của giảng viên, sinh viên. Vì vậy, trong thời gian tới cần có biện pháp xử lý bằng việc cấm đốt lửa, sinh hoạt tự phát làm ảnh hưởng đến môi trường văn hóa, môi trường sư phạm trong khuôn viên nhà trường.

 

DUY CHÍ