Cảnh sát PC&CC Bình Dương: Phát huy truyền thống “Vì nước quên thân vì dân phục vụ”

Thứ sáu, ngày 16/10/2015

Thành lập từ ngày 26-8- 2011, sau 4 năm đi vào hoạt động, được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Cảnh sát PC&CC Bình Dương đã từng bước lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Phát huy truyền thống Công an Nhân dân vì nước quên thân vì dân phục vụ, Cảnh sát PC&CC tỉnh Bình Dương đã lập nhiều thành tích quan trọng, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn PC&CC trên địa bàn.

Học và chiến đấu

(BDO) Quyết định số 44/2012/QĐ-TTg, của Thủ tướng Chính phủ quy định về công tác cứu nạn cứu hộ của lực lượng PC&CC với một số nhiệm vụ mới xảy ra trong ngày như: Cứu người bị nạn do đuối nước, chìm ghe tàu, rớt xuống giếng sâu, mắc kẹt trong các công trình bị sập, tai nạn giao thông… Để làm tốt nhiệm vụ được giao, Cảnh sát PC&CC tỉnh đã tổ chức ngay nhiều lớp học “bổ túc” nhằm bổ sung kiến thức về cứu nạn cứu hộ trong các điều kiện: Dưới nước, trên cao, tại các công trình đổ sập, tai nạn giao thông…

Có một chuyện đáng nhớ là khi lớp học về cứu nạn cứu hộ dưới nước vừa khai giảng ngày 20-8-2013 thì chiều tối ngày 21-8 tại hồ nước phía sau KCN Mỹ Phước III xảy ra vụ đuối nước. Do mặt hồ quá rộng, mực nước sâu và lạnh, dưới lòng hồ có nhiều chướng ngại vật nguy hiểm nên người nhà nạn nhân đã thuê thợ lặn đến tìm kiếm nhưng không có kết quả vì khu vực xảy ra tai nạn quá nguy hiểm.

 Diễn tập phương án PC&CC và cứu hộ, cứu nạn tại Công ty Gỗ Kaiser Việt Nam- KCN Mỹ Phước, TX.Bến Cát

Đại tá Vũ Thanh Tâm, Trưởng phòng hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy, người trực tiếp chỉ huy cứu nạn, cho biết: Nhận được tin báo, chúng tôi đến ngay hiện trường khi trời bắt đầu tối và phải băng qua cánh rừng tràm ngập nước. Được biết sau khi nhậu trên bờ hồ, các nạn nhân đã tổ chức “bơi đua” từ bờ này sang bờ kia. Tốp đầu có 2 người trở về đúng vị trí xuất phát, tốp sau bơi về gần đến bờ thì bị đuối nước. Người còn lại cũng không xác định được vị trí nạn nhân bị đuối vì mặt hồ quá rộng. Để sớm tìm được nạn nhân, tổ lặn tiến hành định vị vị trí rồi mở rộng ra xung quanh bằng đội hình lặn “rẽ quạt”. Sau khoảng 1 giờ tìm kiếm, chúng tôi đã tìm được và bàn giao nạn nhân cho địa phương, gia đình lo hậu sự.

Còn rất nhiều vụ việc mà lực lượng PCCC tỉnh bất chấp nguy hiểm lao vào với mong muốn giành lại sự sống cho nạn nhân mà quên hết những hiểm nguy với bản thân mình. Tuy những phép màu giành lại sự sống cho các nạn nhân có khi không đến, nhưng những nỗ lực, những cố gắng của các anh được người dân ghi nhận và đánh giá cao và họ càng thêm tin tưởng vào các anh.

Quên thân cứu nạn

Lãnh đạo Cảnh sát PC&CC tỉnh thường nhắc nhở cán bộ chiến sĩ trong công tác là: “Khi kinh tế - xã hội phát triển thì tai nạn, sự cố cháy nổ càng diễn biến phức tạp với mức độ nguy hiểm cao, vì vậy phải đẩy mạnh tuyên truyền và làm tốt công tác phòng ngừa”.

Vì sự an toàn của người dân, doanh nghiệp mà ngay khi nhận được tin báo lập tức cán bộ, chiến sĩ cảnh sát PC&CC lập tức lên đường, bất kể ngày đêm. Ngoài ra, để chống “giặc lửa”, ngoài việc thường xuyên tuyên truyền nâng cao ý thức PC&CC cho người dân, chủ doanh nghiệp thì công tác phối hợp tác chiến cũng được coi trọng. Gần đây, một sự cố cháy công ty hóa chất tại một khu công nghiệp đóng trên địa bàn TX.Thuận An, do chất cháy là hóa chất nguy hiểm với khối lượng lớn, Cảnh sát PC&CC tỉnh Bình Dương phải kêu gọi chi viện từ TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai... Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị mà ngọn lửa nhanh chóng bị khống chế, giúp hạn chế thiệt hại, tạo an tâm cho nhà đầu tư, người lao động về công tác chống “giặc lửa” ở Bình Dương.

Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Cảnh sát PC&CC luôn căn dặn cán bộ chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ cứu nạn cứu hộ là “Tai nạn, sự cố không vụ nào giống vụ nào, nên chúng ta phải đặt mình vào tình huống “học một biết mười”. Bài học trên lớp chỉ cho ta kiến thức cơ bản, kỹ năng cần thiết cùng với cách sử dụng thiết bị khí tài có hiệu quả. Chúng ta phải không ngừng học tập, rèn luyện và tham khảo kinh nghiệm đồng nghiệp. Để làm tốt nhiệm vụ trong điều kiện khó khăn vất vả, yếu tố quan trọng nhất giúp chúng ta thành công, hoàn thành nhiệm vụ là tình yêu thương đồng chí, đồng đội”.

 Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Cảnh sát PC&CC luôn căn dặn cán bộ chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ cứu nạn cứu hộ là “Tai nạn, sự cố không vụ nào giống vụ nào, nên chúng ta phải đặt mình vào tình huống “học một biết mười”. Bài học trên lớp chỉ cho ta kiến thức cơ bản, kỹ năng cần thiết cùng với cách sử dụng thiết bị khí tài có hiệu quả. Chúng ta phải không ngừng học tập, rèn luyện và tham khảo kinh nghiệm đồng nghiệp. Để làm tốt nhiệm vụ trong điều kiện khó khăn vất vả, yếu tố quan trọng nhất giúp chúng ta thành công, hoàn thành nhiệm vụ là tình yêu thương đồng chí, đồng đội”.

DUY CHÍ

 

Từ khóa: