Cảnh sát hình sự Công an Bình Dương: Những chặng đường trưởng thành

Thứ năm, ngày 25/04/2019

(BDO) Trong những ngày tháng 4 lịch sử này, hòa cùng không khí cả nước hân hoan chào mừng 44 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, lực lượng Cảnh sát hình sự (CSHS) - Công an nhân dân cũng vui mừng kỷ niệm 73 năm ngày truyền thống (18.4.1946 - 18.4.2019). Mỗi chặng đường phát triển của lực lượng CSHS Công an Bình Dương luôn gắn liền với những chiến công, xứng đáng là lực lượng chủ lực xung kích trên mặt trận phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm, góp phần to lớn vào sự phát triển bền vững tỉnh nhà.

Vai trò của lực lượng CSHS

Ngày 18-4-1946, Bộ Nội vụ, nay là Bộ Công an ban hành Nghị định số 121/NĐ về tổ chức bộ máy Công an vụ ở Trung ương, gọi là Nha Công an Việt Nam. Dưới Nha Công an có Công an kỳ gồm: Bắc, Trung, Nam đặt dưới quyền điều khiển của một Giám đốc Công an kỳ. Nhiệm vụ của Công an kỳ là giữ gìn trật tự trong địa hạt, đề phòng những hoạt động trái phép, điều tra truy tìm thủ phạm những hành vi trái phép giao tòa án trừng trị. Từ đó, CSHS bắt đầu được hình thành để thực hiện nhiệm vụ trên.

Lực lượng CSHS ban đầu có các tên gọi là Đội trinh sát địa bàn, Đội hình cảnh trong các ban gọi là Ban trị an hành chính, Ban trị an dân cảnh có nhiệm vụ hướng dẫn, đấu tranh trấn áp các tội phạm về trật tự xã hội, các đối tượng lưu manh chuyên nghiệp và các tệ nạn xã hội… giữ gìn trật tự xã hội.

Ngày 22-2-1973, Hội đồng Chính phủ ra Nghị định số 32/ CP sửa đổi tổ chức bộ máy công an và Cục CSHS được thành lập đầy đủ, chính quy ở tất cả các công an các tỉnh, thành phố miền Bắc. Sau ngày 30-4-1975, các phòng CSHS lần lượt được thành lập ở tất cả các tỉnh, thành trong cả nước.

Cảnh sát hình sự Công an Bình Dương đánh sập đường dây “rút ruột” container

Do những đặc điểm lịch sử nên đến đầu năm 1976, khi tỉnh Sông Bé được thành lập thì lực lượng CSHS tỉnh nhà mới được ra đời. Ngày 8-12-2008, Bộ Công an đã ký Quyết định số 2148/QĐ-BCA lấy ngày 18-4 là ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (hay còn gọi là CSHS).

Trải qua 43 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng CSHS Công an tỉnh Sông Bé trước đây và nay là Công an tỉnh Bình Dương trong mỗi giai đoạn đều có những khó khăn thử thách riêng, có những nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách riêng. Nhưng dù trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn và thử thách nào thì các thế hệ lực lượng CSHS cũng đều kiên cường, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn gian khổ để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao phó, xứng đáng là lực lượng chủ công, là quả đấm thép của lực lượng Công an tỉnh trên lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm về trật tự xã hội.

Liên tiếp lập công

Trước khi chưa tách tỉnh, Sông Bé có diện tích 9.500km2, có đường biên giới Việt Nam - Capuchia dài 240km và khoảng trên 300.000 người di cư tự do. Với một địa bàn rộng lớn, tình hình an ninh trật tự (ANTT) diễn biến phức tạp, nhưng từ kinh nghiệm thực tiễn cộng với bản lĩnh và tinh thần quyết tâm cao, sự mưu trí, sáng tạo trong công tác, lực lượng CSHS đã thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, đạt được những kết quả quan trọng, góp phần giữ vững ANTT. Với những thành tích giai đoạn đầu sau giải phóng, lực lượng CSHS vinh dự được Chủtịch nước Tôn Đức Thắng gửi tặng lẵng hoa chúc mừng.

Đại tá Nguyễn Văn Thơm, Trưởng phòng CSHS Công an tỉnh, cho rằng thời gian tới, trước tình hình tội phạm ngày càng phức tạp, phát huy truyền thống, lực lượng CSHS Công an Bình Dương càng phải quyết tâm hơn, làm tốt công tác giáo dục tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ, nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị, vững vàng để vượt qua mọi khó khăn và đương đầu với những nguy hiểm, thử thách của bọn tội phạm hình sự để hoàn thành nhiệm vụ.

Xác định rõ công tác phòng ngừa đóng vai trò quan trọng trong việc giữ vững ANTT, nên từ 1986- 1996 lực lượng CSHS Công an tỉnh Bình Dương đã tích cực phát động quần chúng tham gia phòng ngừa, tố giác tội phạm; thực hiện tốt công tác quản lý địa bàn, quản lý đối tượng. Nhờđó trong giai đoạn này, lực lượng CSHS Công an tỉnh đã chủ động khám phá hàng ngàn vụ án hình sự các loại, bắt trên 5.000 đối tượng, trong đó có trên 500 vụ có tính chất rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng; khám phá gần 100 chuyên án, triệt phá trên 200 băng nhóm, thu giữ số lượng lớn tang vật là vũ khí, hung khí các loại, cùng nhiều tài sản trị giá trên 13 tỷ đồng.

Đã có một thời gian tên cướp Nguyễn Hữu Thành, tức Phước 8 ngón, là nỗi khiếp sợ đối với người dân. Đây là đối tượng vô cùng nguy hiểm, bản tính tàn bạo, liều lĩnh, dùng súng giết người cướp xe máy, liên tục gây án trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Sông Bé. Đặc biệt Phước 8 ngón còn là tên cướp đã thoát khỏi trại giam Chí Hòa và tiếp tục gây án trong thời gian lẩn trốn. Việc 2 lần bắt được tên cướp khét tiếng Phước 8 ngón đã chứng tỏ bản lĩnh và năng lực trình độ của lực lượng CSHS tỉnh Sông Bé. Khám phá chuyên án bắt băng cướp có vũ khí do tên Hoàng Bá Tú cầm đầu cũng là một vụ án điểm. Kết thúc chuyên án, Tổng cục Cảnh sát đã tổ chức rút kinh nghiệm tại Sông Bé với sự tham gia của 4 tỉnh Tây Ninh, TP.Hồ Chí Minh, Long An và Đồng Nai. Lực lượng CSHS tỉnh Sông Bé đã được Nhà nước tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công hạng ba cho một tập thể và một cá nhân.

Thiếu tướng Võ Thành Đức, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, cho rằng qua chuyên án này đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm. Trước hết là về quản lý địa bàn, quản lý đối tượng. Còn một kinh nghiệm nữa là trong quá trình khai thác đối tượng, các điều tra, trinh sát đã vận dụng rất tốt các yếu tố nghiệp vụ công an, giữa tâm lý tội phạm, nghiệp vụ xét hỏi và sau đó vận dụng kết hợp giữa điều tra xét hỏi và công tác thu thập chứng cứ, kết hợp giữa trinh sát và điều tra trong thời gian ngắn chúng ta đã làm rõ vụ án này.

Ngày 1-1-1997, tỉnh Bình Dương được tái lập. Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Dương là tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, với nhiều khu, cụm công nghiệp, thu hút nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước, số lao động từ các nước và các địa phương khác đến sinh sống và làm việc ngày càng đông. Sự phát triển ấy đã đặt ra rất nhiều thử thách trong công tác giữ gìn trật tự xã hội. Hoạt động của các loại tội phạm diễn biến phức tạp và gia tăng, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, tính chất ngày càng nguy hiểm.

Từng chặng đường phát triển của lực lượng CSHS tỉnh Bình Dương là từng bước trưởng thành về bản lĩnh nghiệp vụ. Đơn vị đã thực sự là lực lượng chủ lực tấn công các loại tội phạm về trật tự xã hội trong tình hình mới. Từ sau tái lập tỉnh đến nay, lực lượng CSHS đã triệt phá rất nhiều vụ án trộm, cướp, giết người hết sức nghiêm trọng với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt.

Trong tiến trình hội nhập giao lưu phát triển, bên cạnh những thành tựu đạt được, tình hình tội phạm hình sự diễn biến rất phức tạp theo hướng có tổ chức, manh động, gây án tàn độc và theo kiểu xã hội đen, xuất hiện nhiều loại tội phạm mới như: Giết người, cố ý gây thương tích do nguyên nhân xã hội; lừa qua điện thoại, qua mạng xã hội; tín dụng đen… đó là những hành vi mà các chiến sĩ cảnh sát hình sự phải thường xuyên đối mặt trên trận tuyến bảo vệ ANTT trong tình hình hiện nay. Lửa thử vàng, gian nan thử sức, lực lượng CSHS đã chủ động tấn công quyết liệt các băng, ổ nhóm, tích cực điều tra khám phá án, tiếp tục lập nên những chiến công xuất sắc.

Năm 2018, lực lượng Công an tỉnh đã triệt phát 30 băng, nhóm tội phạm, bắt giữ 175 đối tượng để xử lý, trong đó có các băng nhóm hoạt động “tín dụng đen” núp bóng dưới dạng doanh nghiệp, 1 vụ đập kính xe ô tô trộm cắp tài sản, bắt 2 đối tượng đã gây ra hàng chục vụ trên địa bàn tỉnh với số thiệt hại tài sản lên đến hàng tỷ đồng. Và mới đây đã phối hợp với Bộ Công an triệt xóa thành công băng nhóm trộm tài sản của doanh nghiệp với thủ đoạn bẻ khóa container.

Từ những chiến công trong suốt chặng đường 43 năm xây dựng và trưởng thành, đơn vị được tặng thưởng nhiều huân chương cao quý của Nhà Nước, hàng trăm tập thể cá nhân được các cấp khen thưởng. Có được những thành tích xuất sắc này là nhờ sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi của Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh qua các thời kỳ, sự đoàn kết gắn bó trong nội bộ, sự tu dưỡng và rèn luyện của mỗi cán bộ, chiến sĩ. Bên cạnh đó là sự ủng hộ của các ngành, các cấp và sự giúp đỡ tận tình của quần chúng nhân dân, sự hiệp đồng tác chiến và phối hợp tốt với công an các đơn vị, sự gắn bó truyền thống với lực lượng CSHS các địa phương khác cũng như với Cục CSHS. Từ đó đã tạo được sức mạnh tổng hợp trong công tác đấu tranh chống tội phạm hình sự trên địa bàn.

Không được chủ quan trong bất kỳ tình huống nào

Ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - nguyên Giám đốc Công an tỉnh, nhắc nhở lực lượng CSHS không được đấu tranh hình thức, ngụy tạo, che chắn, bên ngoài là quyết liệt nhưng bên trong là làm ngơ. Về mặt quy luật của tội phạm mà nói, hiện nay trên địa bàn cả nước cũng như địa bàn Bình Dương lúc nào chúng ta cũng nghĩ tình hình ANTT phức tạp, đây là cuộc chiến đấu “không phải một ngày một bữa” mà nó xuyên suốt trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh chính trị. Vì thế xác định đầu tiên đây là cuộc chiến đấu dai dẳng, không để buông lỏng, không thể chủ quan trong bất kỳ tình huống nào.

 

KHẮC CHUNG