Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo làm nhiệm vụ online để hưởng “hoa hồng” trên mạng xã hội
(BDO) Một trong những thủ đoạn lừa đảo phổ biến hiện nay là tuyển cộng tác viên online làm nhiệm vụ online để hưởng “hoa hồng”. Mặc dù thủ đoạn lừa đảo này không mới và được cơ quan chức năng cảnh báo nhiều nhưng vẫn có người “sập bẫy”!
“Sập bẫy” lừa đảo việc làm online
Các đối tượng lừa đảo thường tìm kiếm “con mồi” là những người rảnh rỗi muốn kiếm thêm thu nhập nhưng không đòi hỏi nhiều về trình độ, sức khỏe. Khi tiếp cận nạn nhân, đối tượng tự xưng là nhân viên của các sàn thương mại điện tử và yêu cầu cộng tác viên chuyển số tiền tương ứng với giá trị của sản phẩm đó, đồng thời hứa hẹn mỗi nhiệm vụ hoàn thành sẽ được trả tiền gốc và nhận tiền “hoa hồng” từ 10-50%.
Em N. bị lừa gần 100 triệu đồng khi làm nhiệm vụ “chốt đơn hàng” trên trang web này
Ban đầu, khi nạn nhân hoàn thành nhiệm vụ với các đơn hàng có giá trị nhỏ, đối tượng trả lại toàn bộ số tiền mua hàng và chi trả “hoa hồng” đều đặn như đã hứa hẹn. Sau khi tạo được lòng tin, chúng hướng dẫn, dụ dỗ nạn nhân chốt nhiều đơn hàng với số tiền lớn ở những lần tiếp theo để hưởng “hoa hồng” cao hơn, đồng thời đưa ra nhiều lý do để không hoàn tiền và thanh toán “hoa hồng”, như: Cú pháp soạn tin bị sai, hệ thống bị lỗi, gặp sự cố về đơn hàng… Đồng thời, đối tượng lừa đảo yêu cầu nạn nhân phải chuyển khoản thêm tiền để xác minh đơn hàng, bảo lưu tài khoản và cam kết sẽ hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã chuyển khi hoàn thành nhiệm vụ. Nếu không chuyển tiền nhanh thì nhiệm vụ sẽ không hoàn thành, tài khoản sẽ bị khóa và sẽ bị mất toàn bộ số tiền đã chuyển. Với tâm lý muốn lấy lại tiền, nhiều người đã tin theo và liên tục chuyển khoản cho các đối tượng lừa đảo. Sau khi nạn nhân hết tiền để chuyển khoản hoặc phát hiện bị lừa, các đối tượng sẽ chặn toàn bộ liên lạc với nạn nhân. Mặc dù thủ đoạn này không mới nhưng gần đây trên địa bàn tỉnh vẫn có một số người “sập bẫy” với số tiền bị chiếm đoạt không hề nhỏ.
Trường hợp em N.T.B.N (SN 2009, quê Thanh Hóa, tạm trú tại TP.Thuận An) vì muốn kiếm việc làm thêm tại nhà trong thời gian nghỉ hè mà đã bị lừa gần 100 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng của mẹ. Theo đó vào sáng 28-7, em N. truy cập mạng xã hội Telegram để tìm việc thì thấy trang “Beams Group” đăng tuyển nhân sự làm việc trực tuyến với công việc là chốt đơn mua hàng các sản phẩm được đăng trên trang mạng có địa chỉ đường liên kết là “dominic-prize.org” nên đã liên hệ để ứng tuyển. Em N. được tài khoản Telegram có tên “Hỗ Trợ Khách Hàng 24/7” nhắn tin hướng dẫn về công việc làm nhiệm vụ chốt đơn mua hàng và được hưởng tiền “hoa hồng”. Theo đó, mỗi đơn hàng em N. chuyển tiền để chốt đơn thì sẽ được nhận lại tiền gốc đã chuyển và được hưởng tiền hoa hồng từ 30-50% tiền gốc.
Tưởng dễ kiếm tiền, em N. đã sử dụng tài khoản ngân hàng của mẹ là bà Đ.T.Ng. (SN 1988) thực hiện 3 lần chuyển khoản với số tiền gần 83 triệu đồng đến tài khoản ngân hàng mang tên “CTY TNHH XNK Nong san Linh Trang”. Đến tối cùng ngày, bà Ng. phát hiện tài khoản ngân hàng của mình bị mất số tiền nêu trên nên hỏi lại thì em N. kể lại sự việc. Lúc này, bà Ng. mới tá hỏa phát hiện con gái bị lừa nên trình báo sự việc cho cơ quan công an.
Công an TP.Thuận An tuyên truyền, vận động người dân cảnh giác với tội phạm lừa đảo qua mạng xã hội
Cảnh giác khi tìm kiếm việc làm trên mạng xã hội
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 138) tỉnh, hình thức lừa đảo tuyển cộng tác viên làm việc online như trên là một trong 11 phương thức lừa đảo diễn ra rất phổ biến trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây.
Trước thực trạng tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn vô cùng tinh vi như hiện nay, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh khuyến cáo người dân nêu cao tinh thần cảnh giác khi tham gia hoạt động trên không gian mạng, nhất là mạng xã hội Zalo, Facebook, Telegram... Người dân cần chủ động cập nhật, nâng cao kiến thức thông qua các phương tiện truyền thông về các phương thức, thủ đoạn phạm tội mới; chú ý cảnh giác với các trang web, Facebook giả mạo các sàn thương mại điện tử tuyển nhân viên làm cộng tác viên và gửi thông tin cá nhân kết bạn qua mạng xã hội để tư vấn bỏ tiền ra mua hàng, nhận đơn hàng, hưởng mức “hoa hồng” cao…
Đặc biệt, người dân không cài đặt những ứng dụng không rõ nguồn gốc hoặc truy cập vào website lạ, tên miền không rõ ràng. Nếu có nhu cầu tìm việc làm thì người dân phải tìm hiểu kỹ thông tin tuyển dụng, nhất là các bài đăng tuyển việc làm trên mạng xã hội và cảnh giác trước những lời mời chào hấp dẫn, hứa hẹn tham gia làm cộng tác viên bán hàng, chốt đơn với chiết khấu cao, thu nhập cao mà không đòi hỏi kinh nghiệm hay kỹ năng... Nếu phát hiện trường hợp lừa đảo hoặc nhận được thông tin liên quan đến vi phạm pháp luật, người dân cần thông báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo 138 tỉnh, trong 2 năm 2022-2023, công an các cấp trong tỉnh đã tiếp nhận 215 tin báo, tố giác tội phạm liên quan đến sử dụng công nghệ cao chiếm đoạt tài sản; đã khởi tố 67 vụ, 9 đối tượng. Mặc dù loại tội phạm này chỉ chiếm khoảng 2,67% trong cơ cấu tội phạm hình sự, nhưng lại gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, với tổng số tiền chiếm đoạt gần 329 tỷ đồng. Đáng chú ý, một số vụ có số lượng nạn nhân lớn hoặc một người bị chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng trong thời gian ngắn. |
NGUYỄN HẬU