Cảnh giác với hành vi lừa đảo bảo hiểm trên không gian mạng
(BDO) Thời gian gần đây, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh đã nhận được nhiều phản ánh về việc một số đối tượng gọi điện thoại yêu cầu cập nhật căn cước công dân (CCCD), địa chỉ email... vào ứng dụng VssID - BHXH số bằng đường link do sai thông tin; đồng thời yêu cầu người dân kết bạn Zalo trên điện thoại để hướng dẫn điều chỉnh, nhằm thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Người dân cần liên hệ trực tiếp với các cơ quan BHXH khi có nhu cầu tư vấn, giải quyết các hồ sơ, thủ tục, chế độ, chính sách bảo hiểm
Chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng
BHXH tỉnh vừa có thông báo rộng rãi đến tất cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn để cảnh giác vói các thủ đoạn lừa đảo trên. Theo BHXH tỉnh, hành vi thực hiện lừa đảo của các đối tượng là gọi điện thoại và tự giới thiệu bản thân đang công tác tại BHXH huyện, thành phố trực thuộc BHXH tỉnh. Qua đó, các đối tượng yêu cầu người dân cập nhật CCCD vào ứng dụng bằng cách vào đường link lạ có đuôi “.govvvn.com” trên thiết bị điện thoại di động và làm theo hướng dẫn. Tại đây, màn hình hiển thị giao diện giống với ứng dụng VssID - BHXH số của ngành BHXH Việt Nam.
Nếu người dân cho rằng đã cài đặt ứng dụng VssID - BHXH số rồi thì đối tượng thông báo là có 2 ứng dụng VssID - BHXH số, phải tải ứng dụng theo đường link mà đối tượng cung cấp mới điều chỉnh thông tin được. Ngoài ra, đối tượng còn yêu cầu người dân kết bạn Zalo vào số điện thoại: 0943.803.550 để hướng dẫn điều chỉnh thông tin nhằm mục đích khai thác thông tin cá nhân người dùng. Sau đó, đối tượng yêu cầu nhập số điện thoại và mật khẩu bất kỳ.
Trường hợp tương tự, sau khi người dân bấm vào link lạ để cài đặt ứng dụng VssID - BHXH số, làm theo đối tượng và cung cấp thông tin cá nhân, đối tượng cho số tài khoản và nói là số tài khoản của Kho bạc Nhà nước, đồng thời yêu cầu người dân bấm xác nhận mã trên link tốn phí 11.000 đồng để điều chỉnh thông tin trên ứng dụng. Sau khi bấm vào xác nhận, toàn bộ số tiền trong tài khoản của người dân bị mất sạch... BHXH tỉnh cho biết với “chiêu trò” lừa đảo trên, vừa qua, một người dân trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một đã “sập bẫy” nhóm lừa đảo và số tiền trong tài khoản bị mất gần 100 triệu đồng. Người này đã đến các cơ quan chức năng để trình báo, nhờ giúp đỡ.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Duy Hiểu, Phó Giám đốc BHXH tỉnh, cho biết: “Trước hành vi lừa đảo trên, BHXH tỉnh đã phát hành Văn bản số 855/BHXH-TT, ngày 8-5-2024 về hành vi lừa đảo, mạo danh cơ quan BHXH, yêu cầu người dân cập nhật CCCD, email… vào ứng dụng VssID - BHXH số để thông báo đến BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố phổ biến đến các đơn vị, người dân đề cao tinh thần cảnh giác: Không kết bạn Zalo số lạ, không bấm vào các đường link lạ hay cung cấp mã OTP, mật khẩu cá nhân, nhận diện khuôn mặt cho người lạ để tránh bị kẻ gian lợi dụng, lừa đảo”.
Hiện tại, BHXH tỉnh không có chủ trương điện thoại hay nhắn tin yêu cầu người dân cập nhật thông tin trên ứng dụng VssID - BHXH số. Người dân, người lao động khi cần cài đặt ứng dụng VssID - BHXH số hãy vào App Store, Google Play trên thiết bị điện thoại di động, không cài đặt bằng các đường link lạ.
Lập Facebook, hội nhóm để lừa đảo
Một chiêu trò khác mà nhóm lừa đảo thực hiện trong thời gian gần đây là lập các trang Facebook, các nhóm công khai liên quan đến việc tư vấn, giải quyết nhu cầu hưởng BHXH một lần và các chế độ, chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT). Mới đây, ngày 15-4, BHXH tỉnh ra Thông báo số 42/TB-BHXH để cảnh báo tới các đơn vị, người dân về việc có nhiều trang website, Zalo, Facebook, số điện thoại mạo danh cơ quan, mạo danh cán bộ BHXH tỉnh Bình Dương khi người dân có nhu cầu giải quyết công việc, tư vấn chính sách BHXH, BHTN, BHYT.
BHXH tỉnh đã có văn bản gửi Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị ngăn chặn và xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi mạo danh cơ quan BHXH nhưng các hoạt động này vẫn công khai và diễn ra liên tiếp. Theo BHXH tỉnh, khi truy cập trên trang Facebook cá nhân, tìm kiếm bằng từ khóa “BHXH Bình Dương” hoặc “Bảo hiểm xã hội Bình Dương”, dễ dàng thấy các trang Facebook cá nhân, nhóm công khai liên quan đến việc tư vấn, giải quyết nhu cầu hưởng BHXH một lần và các chế độ, chính sách BHXH, BHTN, BHYT hiện ra, có cả số điện thoại liên hệ trên trang Facebook, Zalo...
Ông Nguyễn Duy Hiểu cho biết nghiêm trọng hơn là các đối tượng lừa đảo còn mạo danh tài khoản cá nhân, viên chức BHXH tỉnh Bình Dương, làm ảnh hưởng đến uy tín và giảm sút niềm tin của nhân dân đối với cơ quan Nhà nước nói chung và ngành BHXH nói riêng. BHXH tỉnh cảnh báo đến các đơn vị, người dân đề cao tinh thần cảnh giác khi cần tư vấn, giải quyết các hồ sơ, thủ tục, chế độ chính sách BHXH, BHTN, BHYT; thường xuyên theo dõi các thông báo của cơ quan chức năng về phương thức, thủ đoạn phạm tội, lừa đảo trên các phương tiện thông tin đại chúng; nghiên cứu, kiểm tra kỹ trước khi thực hiện các giao dịch về BHXH trên các trang mạng xã hội.
QUANG TÁM