Cảnh giác với dịch lở mồm long móng trên đàn gia súc
Dịch lở mồm long móng (LMLM) trên đàn gia súc cả nước đang diễn biến hết sức phức tạp. Tại thị xã Thuận An cũng vừa phát hiện dịch tại một số hộ chăn nuôi. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, công tác tuyên truyền cũng như ý thức phòng bệnh của người chăn nuôi cần được tăng cường.
Dịch bệnh rất khó lường
Theo báo cáo nhanh của Cục Thú y Trung ương, tính đến ngày 6-3 trên địa bàn cả nước đã có 25 tỉnh có gia súc bị nhiễm LMLM chưa qua 21 ngày và tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Riêng tại Bình Dương cũng vừa phát hiện gia súc bị nhiễm bệnh đồng thời nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất cao khi mà Bình Dương là địa phương nằm trên tuyến đường vận chuyển gia súc từ các tỉnh khác vào TP.HCM. Tình hình thời tiết đang có những diễn biến thất thường cũng là điều kiện cho dịch bệnh lây lan.
Tuyên truyền sâu rộng để các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nâng cao ý thức phòng bệnh
Theo báo cáo của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Bình Dương thì cho đến cuối năm 2010, toàn tỉnh có hơn 35.000 con trâu, bò và hơn 385.000 con heo. Thực tế trong thời gian qua cho thấy, công tác tiêm phòng bệnh LMLM trên heo luôn đạt kết quả cao trong khi đó việc thực hiện công tác này trên đàn trâu, bò thì lại ngược lại. (trong năm 2010 là 97,34% so với 71,1%). Công tác tiêm phòng dịch LMLM tại các trang trại chăn nuôi trâu, bò, heo luôn đạt 100% diện tiêm. Riêng đối với hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, công tác tiêm phòng vắc-xin thực hiện được rất thấp, chủ yếu là do người dân tự mua về tiêm và cũng còn một số người chăn nuôi sợ phản ứng sau khi tiêm phòng đối với các trâu bò đang mang thai. Mặt khác hiện nay hình thức chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ giảm mạnh do không có lãi, diện tích đồng cỏ bị thu hẹp, đàn trâu, bò tập trung vào một số cơ sở chăn nuôi quy mô lớn ở các huyện phía Bắc. Theo quy định các hộ này phải tự mua vắc-xin để tiêm phòng, ngành thú y không thực hiện tiêm phòng cho các cơ sở này. Đây là những hạn chế cơ bản của công tác tiêm phòng LMLM trong thời gian qua và điều này lý giải vì sao tỷ lệ tiêm phòng LMLM trên trâu bò đạt tỷ lệ thấp.
Cần nâng cao ý thức phòng dịch
Trong thời gian qua, công tác phòng chống các loại dịch bệnh trên gia súc luôn được ngành chức năng quan tâm. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định, nhất là trong nhận thức của người chăn nuôi về các loại dịch bệnh cũng như thực hiện các biện pháp phòng chống. Trong năm 2010 vừa qua, dịch heo tai xanh đã gây ra nhiều thiệt hại cho người dân cũng như ngành chăn nuôi Bình Dương nói chung. Dịch heo tai xanh đã xuất hiện trên 80% xã, phường trên địa bàn tỉnh và số tiền hỗ trợ cho các hộ có heo chết do dịch bệnh cũng lên đến hơn 20 tỷ đồng. Chính vì vậy trong tình hình hiện tại khi mà dịch LMLM đang có những diễn biến phức tạp, có khả năng lây lan nhanh trong khi đó vẫn chưa có thuốc đặc trị loại bệnh này thì công tác tuyên truyền cũng như ý thức của người chăn nuôi cần phải được nâng cao. Ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng Dịch tễ, Chi cục Thú y Bình Dương cho biết: “Chi cục Thú y tỉnh sẽ tăng cường phối hợp với các chi cục bạn để nắm tình hình dịch bệnh. Tăng cường hoạt động của các chốt kiểm dịch ở các đầu mối giao thông; các chốt kiểm tra tại các đầu mối vận chuyển gia súc ra vào địa bàn tỉnh. Chúng tôi khuyến cáo các hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học như hạn chế người ra vào các cơ sở chăn nuôi, thực hiện đầy đủ các biện pháp tiêu độc khử trùng. Các cơ sở nào còn có đàn gia súc trong giai đoạn tiêm phòng cần thực hiện triệt để”.
Để có thể hạn chế thấp nhất các thiệt hại của dịch bệnh nếu dịch bệnh xảy ra thì người chăn nuôi cần thực hiện biện pháp 5 không: không giấu dịch; không buôn bán sản phẩm gia súc mắc bệnh; không bán chạy gia súc mắc bệnh; không thả rong, không tự vận chuyển gia súc bệnh ra khỏi vùng dịch; không vứt xác gia súc bệnh ra môi trường. Chỉ một khi ngành chức năng và người chăn nuôi phối hợp tốt trong công tác phòng chống dịch thì hiệu quả mới được như ý.
ĐÀ BÌNH