Cảnh giác trước mọi nguy cơ bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ

Thứ sáu, ngày 27/05/2022

(BDO)

Bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ được điều trị tại trung tâm y tế ở Lobaya, Cộng hòa Trung Phi.

Chỉ trong vòng chưa đầy 3 tuần kể từ khi phát hiện trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ở Anh đến nay, thế giới đã ghi nhận hơn 200 ca nhiễm tại khoảng 20 quốc gia trên thế giới.

Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên chuỗi lây nhiễm này được ghi nhận tại châu Âu, vốn không có nhiều mối liên quan dịch tễ đến khu vực Tây hoặc Trung Phi, nơi đậu mùa khỉ là căn bệnh truyền nhiễm đặc hữu.

Dù nhận định ít khả năng xảy ra đại dịch giống như COVID-19 hiện nay, nhưng giới chuyên gia vẫn cảnh báo các nước cần cảnh giác và thận trọng theo dõi virus gây bệnh này.

Bệnh đậu mùa khỉ được biết đến từ hơn 40 năm trước, là một loại bệnh lây nhiễm từ động vật hoang dã sang người.

Bệnh được gọi là đậu mùa khỉ do lần đầu tiên được các chuyên gia của Đan Mạch phát hiện trên loài khỉ (macaques) từ năm 1958.

Khoảng 12 năm sau, những trường hợp đầu tiên trên người được phát hiện ở Cộng hòa Dân chủ Congo ở Tây Phi.

Các nhà khoa học cho rằng virus gây bệnh đậu mùa khỉ có thể lây sang người khi tiếp xúc gần với khỉ, chuột hoặc các loài gặm nhấm khác ở các khu rừng phía Nam sa mạc Sahara. Virus cũng có thể lây từ người sang người.

Trong đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ này, Anh là nước châu Âu đầu tiên ghi nhận ca mắc ngày 7/5.

Theo Cố vấn y tế của Cơ quan y tế Anh Susan Hopkins, Anh đã phát hiện các ca bệnh đậu mùa khỉ trong cộng đồng mà không có yếu tố liên quan đến khu vực Tây Phi, nơi được cho là nguồn gốc của căn bệnh này.

Tính đến ngày 26/5, số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ tại Anh đã tăng lên hơn 70 người.

Căn bệnh với biểu hiện ban đầu là sốt, nhức đầu, đau cơ, mệt mỏi hay sưng hạch bạch huyết này cũng đã lây lan ra nhiều nước khác ở châu Âu.

Tây Ban Nha là nước có số ca bệnh cao thứ hai ở châu lục này với hơn 50 bệnh nhân, tiếp đến là Bồ Đào Nha với hơn 35 bệnh nhân, trong khi các nước như Đức, Pháp, Italy, Bỉ, Phần Lan, Séc, Slovenia... cũng đã ghi nhận những ca bệnh đầu tiên.

Loại virus có thể xâm nhập qua vết thương ngoài da, đường hô hấp, mắt, mũi hoặc miệng này còn xuất hiện ở khu vực châu Mỹ và Trung Đông.

Tính đến ngày 26/5, Mỹ đã ghi nhận 9 ca bệnh, trong khi Canada có 15 ca. Bolivia ngày 26/5 xác nhận ca mắc đầu tiên.

Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Israel ở khu vực Trung Đông cũng đã phát hiện những ca đầu tiên. Trong khi đó, Australia đã ban hành cảnh báo nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ bùng phát mạnh sau khi ghi nhận những người đầu tiên mắc bệnh.

Theo nhận định của WHO, trong thời gian tới nhiều khả năng sẽ phát hiện thêm nhiều ca bệnh đậu mùa khỉ nữa tại những quốc gia thường không ghi nhận các ca mắc bệnh này, nhất là khi người dân quay trở lại cuộc sống bình thường và các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 được dỡ bỏ.

Một số chuyên gia y tế lưu ý việc có sự lây lan trong cộng đồng cho thấy các ca được xác nhận mắc mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm.”

Dù đánh giá đợt bùng phát lần này là bất thường khi bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện ở những nước mà virus thường không có xu hướng lây lan, nhưng WHO cho rằng tình hình vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

Tiến sỹ Rosamund Lewis, người đứng đầu Văn phòng chuyên về bệnh đậu mùa thuộc Chương trình Khẩn cấp của WHO, khẳng định không có bằng chứng nào cho thấy virus đậu mùa khỉ đã biến đổi, đồng thời nhấn mạnh căn bệnh truyền nhiễm này không có xu hướng đột biến.

Mặc dù vậy, WHO vẫn đưa ra những khuyến nghị hỗ trợ các nước đối phó với đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ hiện nay.

WHO cũng cho rằng chưa cần tiêm đại trà vaccine để ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ.

Hơn nữa, thông tin hiện có cho thấy đậu mùa khỉ lây từ người sang người qua tiếp xúc cơ thể lâu dài và gần gũi với người hoặc động vật bị mắc bệnh, hầu hết các ca mắc là nam giới trẻ, tự nhận có quan hệ tình dục đồng giới.

Do đó, việc rửa tay thường xuyên, giữ vệ sinh tốt và tình dục an toàn có thể khống chế được sự lây lan của bệnh.

Tiến sỹ Boghuma Kabisen Titanji, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và virus tại Đại học Emory ở Atlanta (Mỹ), nhận định cách tốt nhất để đối phó với căn bệnh này là cách ly người bệnh và truy vết tiếp xúc bởi thời kỳ ủ bệnh từ lúc nhiễm tới lúc xuất hiện triệu chứng là từ 5-21 ngày.

Cùng quan điểm này, Giáo sư y khoa của Trường Y Norwich thuộc Đại học East Anglia (Anh) Paul Hunter, một chuyên gia về kiểm soát bệnh truyền nhiễm, cũng cho rằng để có thể kiểm soát đợt bùng phát bệnh cần xác định nhanh nhất có thể các ca mắc và sau đó tiêm vaccine cho tất cả những ca tiếp xúc gần.

Trong bối cảnh thế giới hiện có rất ít phương pháp điều trị hay vaccine hiệu quả, giới chuyên gia đánh giá việc cắt đứt chuỗi lây nhiễm theo những cách này là hoàn toàn khả thi khi mới chỉ có ít trường hợp mắc bệnh, thay vì đợi số ca tăng theo cấp số nhân sẽ gây áp lực cho hệ thống y tế.

Trước sự lây lan nhanh chóng của bệnh, nhiều nước đã và đang triển khai các biện pháp phòng ngừa.

Bỉ và Đức đã quyết định áp dụng biện pháp cách ly 21 ngày đối với bệnh nhân đậu mùa khỉ và các trường hợp tiếp xúc trực tiếp với người bệnh.

Hiện chưa có vaccine dành riêng cho bệnh đậu mùa khỉ nhưng theo WHO, các dữ liệu cho thấy vaccine phòng bệnh đậu mùa có hiệu quả bảo vệ trước bệnh đậu mùa khỉ là 85%.

Anh đã bắt đầu tiêm vaccine đậu mùa cho các nhân viên y tế và những nhóm dễ bị phơi nhiễm bệnh đậu mùa khỉ. Pháp và Đức cũng dự định triển khai tiêm chủng cho những người có nguy cơ cao.

Để ngăn chặn bệnh đậu mùa khỉ bùng phát mạnh hơn, Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh (CDC) Mỹ đã ban hành cảnh báo mới liên quan tới căn bệnh. Theo đó, du khách nên tránh tiếp xúc gần với người bệnh cũng như động vật hoang dã đã chết hoặc còn sống như những loài động vật có vú nhỏ (loài gặm nhấm), loài động vật linh trưởng như khỉ và vượn.

Dù chưa ghi nhận ca bệnh nào nhưng Chính phủ Peru đã ban bố tình trạng cảnh báo y tế đối với căn bệnh này nhằm ngăn chặn các đợt bùng phát. Cuba, Cộng hòa Dominicana... đều nâng cao cảnh giác.

Tương tự, ở châu Á, khu vực cũng chưa phát hiện ca bệnh đậu mùa khỉ, Lào sẽ tiến hành kiểm tra thân nhiệt của du khách và yêu cầu khai báo lịch sử đi lại, theo đó những người từng đến các khu vực nguy cơ cao sẽ không được nhập cảnh nước này.

Bộ Y tế Campuchia đã kêu gọi người dân và giới chức y tế nâng cao cảnh giác, thực hiện biện pháp phòng ngừa để giữ an toàn.

Campuchia cũng sẽ tăng cường hệ thống giám sát đối với hành khách tới nước này mà có biểu hiện như sốt và nổi ban ngứa.

Việt Nam cũng đang tăng cường giám sát để kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống bệnh đậu mùa khỉ.

Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ ngay tại cửa khẩu, nhất là các trường hợp đi về từ các quốc gia đang lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ như Benin, Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Dân chủ Congo, Gabon, Ghana, Sierra Leone, Nam Sudan...

Cùng với đó là chủ động truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân về bệnh đậu mùa khỉ và các biện pháp phòng, chống theo khuyến cáo của cơ quan y tế.

Theo các nhà khoa học, bệnh đậu mùa khỉ thường nhẹ, hầu hết bệnh nhân sẽ hồi phục trong vòng vài tuần mà không cần điều trị.

Tuy nhiên, bệnh này vẫn có thể gây tử vong và trẻ em nếu mắc bệnh đậu mùa khỉ có nguy cơ bị nặng hơn.

Giới chuyên gia cho rằng hiện còn quá sớm để có thể khẳng định hiện tượng bất thường này sẽ bùng phát thành dịch, hay thế giới có thể kiểm soát tốt hơn số ca nhiễm.

Mặc dù vậy, Giám đốc Viện Y tế toàn cầu của Đại học Geneva (Thụy Sĩ), ông Antoine Flahault không loại trừ nguy cơ đậu mùa khỉ bùng phát thành đại dịch giống như COVID-19 khi các điều kiện để lây lan từ người sang người tăng lên, chẳng hạn như khả năng thích nghi của virus, mật độ di chuyển và mạng lưới các cộng đồng sinh sống gần nhau tăng lên.

Sự xuất hiện của đậu mùa khỉ bên ngoài châu Phi giống như một thông điệp cảnh báo, khiến thế giới cần cảnh giác và thận trọng.

Bên cạnh đó, sự bùng phát của virus SARS-CoV-2 và sự xuất hiện các ca bệnh đậu mùa khỉ ở châu Âu cũng cho thấy thế giới cần thực hiện tất cả những biện pháp giảm nguy cơ virus lây lan từ động vật sang người.

Các biện pháp này bao gồm ngăn chặn hoặc kiểm soát nghiêm ngặt hoạt động buôn bán động vật hoang dã, chấm dứt nạn chặt phá rừng, nâng cao sức khỏe cộng đồng tại các điểm nóng dịch bệnh, tăng cường dịch vụ chăm sóc thú y, an toàn sinh học trong chăn nuôi.../.

Theo TTXVN