Cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo mới
(BDO) Thời gian gần đây, trên không gian mạng xôn xao về một số thủ đoạn lừa đảo mới như giả nhân viên ngân hàng liên hệ để “hỗ trợ” cài đặt sinh trắc học; treo các thẻ nhựa có mệnh giá tiền trên xe gắn máy, trước cửa nhà dân để dẫn dụ nhằm chiếm đoạt tài sản. Đây là hai trong số thủ đoạn mới nổi mà người dân cần cảnh giác…
Theo ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh Bình Dương, từ ngày 1-7, người dân chuyển tiền qua tài khoản trực tuyến hoặc nạp tiền vào ví điện tử hơn 10 triệu đồng phải được xác thực sinh trắc học. Để tránh bị đối tượng xấu lợi dụng để lừa đảo, người dân nên cảnh giác, không truy cập các đường link lạ qua Facebook, Zalo, SMS hoặc email gửi đến điện thoại để tránh nguy cơ bị lừa đảo, đánh cắp thông tin.
Những ngày qua, trên không gian mạng xôn xao tình trạng một số nạn nhân bị đối tượng lừa đảo giả danh nhân viên ngân hàng liên hệ để “hỗ trợ” cài đặt sinh trắc học nhằm thực hiện chiếm đoạt tài sản, thông tin của khách hàng. Theo đó, đối tượng liên hệ khách hàng bằng các hình thức như gọi điện, nhắn tin, kết bạn qua các mạng xã hội (Zalo, Facebook…) để hướng dẫn thu thập thông tin sinh trắc học. Tiếp đó đối tượng yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, hình ảnh CCCD, hình ảnh khuôn mặt để được hỗ trợ. Đối tượng còn yêu cầu cuộc gọi video để thu thập thêm giọng nói, cử chỉ.
Chưa dừng lại, đối tượng còn đề nghị người dân truy cập vào đường link lạ để tải và cài đặt ứng dụng hỗ trợ thu thập sinh trắc học trên điện thoại. Sau khi lấy được thông tin của nạn nhân, chúng chiếm đoạt tiền trong các tài khoản ngân hàng và sử dụng thông tin của khách hàng vào các mục đích xấu.
Thủ đoạn giả danh cán bộ ngân hàng lừa đảo hướng dẫn cài đặt sinh trắc còn chưa hết “nóng” thì lại xôn xao thông tin cảnh giác với thủ đoạn mới qua hình thức quét mã QR code trên thẻ để nhận tiền. Cụ thể là mạng xã hội chia sẻ thông tin các thẻ nhựa có mệnh giá tiền được “ai đó” treo xe máy của người dân. Trên thẻ có mã QR code và hướng dẫn quét thẻ để nhận tiền. Khi người dân quét mã QR code thì điện thoại sẽ bị xâm nhập và chiếm quyền điều khiển, thực hiện lấy tiền trong tài khoản ngân hàng, điện thoại.
Được biết các thẻ nhựa có mệnh giá tiền từ 30.000, 50.000, 100.000 đồng được “vô tình” treo trên xe máy, trước của nhà của người dân, rồi lôi kéo bằng cách ghi trên số thẻ mật khẩu bị che mờ phải cạo ra mới biết thông tin. Trên thẻ còn hướng dẫn các bước quét mã QR code để liên hệ với bộ phận chăm sóc khách hàng, cung cấp mật khẩu thẻ rồi nhận số tiền tương ứng ghi trên thẻ. Khi người dân quét mã QR code, điện thoại sẽ bị xâm nhập, bị chiếm quyền điều khiển và các đối tượng lừa đảo dễ dàng lấy tiền trong tài khoản ngân hàng.
Theo Công an tỉnh Bình Dương, trên địa bàn tỉnh chưa có trường hợp nào phản ánh liên quan đến hình thức lừa đảo trên. Tuy nhiên, để phòng ngừa “sập bẫy” thủ đoạn này, người dân cần phải nêu cao tinh thần cảnh giác. Thượng tá Trần Minh Nhựt, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh, khẳng định không bao giờ có chuyện cán bộ Công an tỉnh liên hệ hướng dẫn người dân cài đặt các ứng dụng hoặc giao dịch yêu cầu chuyển khoản qua điện thoại và mạng xã hội. Vì vậy, người dân tuyệt đối không cung cấp OTP, mật khẩu ngân hàng... cho bất kỳ cán bộ công an nào, kể cả nhân viên ngân hàng.
TÂM TRANG