Cảnh giác thủ đoạn dùng “sổ đỏ” giả vay tiền
(BDO) Gần đây, một số đối tượng lên mạng xã hội mua giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) giả để thế chấp vay tiền, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do đó, cơ quan chức năng khuyến cáo khi giao dịch liên quan đến bất động sản, người dân cần đến cơ quan chức năng xác minh thông tin, thực hiện hợp đồng chứng thực để tránh trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo.
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả được rao bán công khai trên không gian mạng
Công an TP.Thuận An cho biết đang tạm giữ đối tượng Bùi Vũ Linh để điều tra, làm rõ hành vi “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo thông tin ban đầu, Bùi Vũ Linh (SN 1995, quê Cà Mau) do làm ăn thua lỗ, thiếu nợ nhiều người nên từ khoảng tháng 7-2021 đến tháng 7-2022 có nhờ đối tượng Thắng (chưa rõ lai lịch) làm giả 3 GCNQSDĐ mang tên Bùi Vũ Linh và Nguyễn Thị Kim Dung. Sau đó, Linh đem 3 GCNQSDĐ giả trên đến gặp bà Nguyễn Thị Kim Nh. (SN 1971, ngụ Đồng Nai) để vay thế chấp với tổng số tiền 3,5 tỷ đồng, lãi suất mỗi tháng là 6%.
Đến ngày 17-4, do đã quá hạn đóng tiền lãi nhưng không thấy Linh trả nên bà Nh. yêu cầu Linh đến văn phòng công chứng làm hợp đồng chuyển nhượng cho bà Nh. căn nhà ở tại khu đô thị The Season (phường Lái Thiêu, TP.Thuận An). Khi làm thủ tục, công chứng viên phát hiện GCNQSDĐ số CV032298 mang tên Bùi Vũ Linh nghi vấn là giả nên trình báo cơ quan công an đến đưa Linh cùng tang vật về trụ sở làm việc.
Mới đây, Tòa án nhân dân TP.Dĩ An đã đưa ra xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Hà Thị Hoài (SN 1989, quê Đắk Lắk) về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả cơ quan, tổ chức”. Theo nội dung vụ án, Hoài và mẹ chồng là bà Phạm Thị Hà góp 500 triệu đồng mua đất tại phường Tân Định, TX.Bến Cát, nhưng sau khi đưa tiền cho người môi giới thì bị mất liên lạc. Đầu tháng 12-2022, bà Hà hỏi việc mua đất nhưng Hoài không dám cho mẹ chồng biết việc bị lừa tiền. Để mẹ yên tâm, Hoài lên mạng xã hội đặt mua 1 GCNQSDĐ và 1 giấy xác nhận tình trạng bất động sản với giá 6,5 triệu đồng. Khoảng 1 tuần sau, Hoài nhận được GCNQSDĐ và đơn xác nhận tình trạng bất động sản do UBND phường Tân Định cấp (phần thông tin cá nhân và nội dung xác nhận được để trống). Có được giấy tờ giả trên, Hoài đưa cho mẹ chồng để tạo sự tin tưởng. Ngày 15-12-2020, Hoài gặp anh Nguyễn Văn Bắc hỏi vay 80 triệu đồng và nói lấy 1 lô đất tại phường Tân Định, TX.Bến Cát do Hoài đứng tên để thế chấp, anh Bắc đồng ý. Hoài tự điền thông tin vào phần trống trong giấy xác nhận tình trạng bất động sản rồi đem số giấy tờ giả trên đến gặp anh Bắc để vay tiền nhưng anh Bắc yêu cầu phải có hợp đồng công chứng và chồng của Hoài phải ký tên. Hoài về nhà trọ chở chồng đến văn phòng công chứng thuộc phường Tân Đông Hiệp để ký hợp đồng vay tài sản với anh Bắc. Tại đây, nhân viên văn phòng công chứng phát hiện GCNQSDĐ và giấy xác nhận tình trạng bất động sản của Hoài có dấu hiệu làm giả nên báo cho Công an phường Tân Đông Hiệp để xử lý theo quy định.
Theo cơ quan chức năng, mặc dù thủ đoạn dùng GCNQSDĐ giả để thế chấp vay tiền không phải thủ đoạn mới nhưng ngày càng tinh vi, dẫn đến nhiều người dân “sập bẫy” lừa đảo. Đối tượng sử dụng GCNQSDĐ giả rất giống thật, từ màu sắc, cỡ chữ cho đến con dấu... Nếu người không có chuyên môn thì không thể phát hiện. Từ vụ việc trên, mỗi người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, không nhẹ dạ cả tin, không hám lợi, trong các giao dịch nói chung và giao dịch đất đai nói riêng. Khi tiếp nhận các giao dịch có liên quan đến các giấy tờ có giá trị như GCNQSDĐ thì cần có sự cảnh giác, kiểm tra kỹ, kiểm tra chéo qua các nguồn thông tin qua cơ quan chức năng…
NGUYỄN HẬU