Cảnh giác tai nạn đuối nước trẻ em
(BDO) Trong số những tai nạn thương tích xảy ra ở trẻ em (TE) thì tai nạn đuối nước gây tử vong cao, vượt xa những nguyên nhân tử vong khác. Để phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ nhất là trong dịp hè, các bậc phụ huynh, người chăm sóc trẻ cần quan tâm đúng mức, giám sát chặt chẽ và một trong những giải pháp lâu dài là dạy bơi cho trẻ để giúp trẻ có kỹ năng bơi lội.
Những vụ đuối nước thương tâm
Điển hình, gần đây nhất do sự lơ là thiếu quan tâm của người lớn đã để xảy ra tai nạn đuối nước thương tâm cho bé Võ Văn B. (4 tuổi). Cháu B., ở trọ cùng gia đình tại phường Thuận Giao, TX.Thuận An. Do điều kiện công việc phải đi vắng nhà thường xuyên nên mẹ cháu B., có nhờ người quen ở cùng dãy trọ trông cháu. Vào khoảng 15 giờ 20 phút ngày 21-3-2016, sau khi cho cháu B., ăn uống xong, người trông coi dặn cháu B., ở trong phòng trọ chơi không được đi ra ngoài, người trông nhờ cháu B., chạy về phòng trọ của đứa cháu mình nấu đồ ăn, đến khoảng 17 giờ thì không tìm thấy cháu B. Gia đình đã trình báo với UBND phường Thuận Giao và thông báo với những người ở trọ xung quanh cùng tìm phụ gia đình. Đến khoảng 19 giờ cùng ngày, một người ở cùng dãy trọ đi tìm đã phát hiện thi thể cháu B., nằm dưới hố nước thải nhà trọ.
Trường hợp trên là một trong những vụ việc điển hình cho thấy sự thờ ơ, thiếu quan tâm của người lớn đã để dẫn đến những tai nạn đuối nước đau lòng cho trẻ.
Theo số liệu thống kê của các huyện, thị, thành phố về tình hình tai nạn thương tích TE từ năm 2013-2015, toàn tỉnh có 7.761 trường hợp TE bị tai nạn thương tích xảy ra làm 43 TE bị tử vong; trong đó có 30 trường hợp TE tử vong thương tâm do đuối nước.
Bà Trịnh Thị Huyền, Phó Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết, mặc dù công tác tuyên truyền về phòng chống tai nạn thương tích TE, đặc biệt là phòng chống đuối nước cho TE được tuyên truyền thường xuyên nhưng sự quan tâm của các bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ còn thờ ơ, chưa quan tâm đúng mức đến TE nên đã để xảy ra một số vụ đuối nước thương tâm đối với TE.
Huấn luyện viên hướng dẫn các em HS động tác thở nước. Trong ảnh: HS học bơi tại hồ bơi Mỹ Phước, TX.Bến Cát
Tăng cường dạy bơi cho học sinh
Theo số liệu của Sở LĐ-TB&XH, trong 3 năm qua (2013-2015), ngành LĐ-TB&XH tỉnh đã tổ chức dạy bơi miễn phí cho hơn 4.000 TE có hoàn cảnh đặc biệt, TE thuộc hộ nghèo, TE lang thang, TE mồ côi, TE bị xâm hại tình dục trong độ tuổi từ 8 - 11 tuổi. Mặc dù việc tổ chức dạy bơi cho TE vẫn được Sở LĐ-TB&XH tỉnh triển khai hàng năm, tuy nhiên việc triển khai dạy bơi cho học sinh (HS) trong nhà trường vẫn còn hạn chế.
Theo chúng tôi được biết, trong năm học 2015-2016, Phòng Giáo dục - Đào tạo TX.Bến Cát đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án Phổ cập bơi, phòng chống đuối nước cho HS trên địa bàn TX.Bến Cát theo lộ trình thực hiện từ năm 2015 đến năm 2020. Theo đó, hiện tại các trường công lập trên địa bàn TX.Bến Cát hầu hết chưa được đầu tư xây dựng bể bơi để dạy bơi cho HS nên Phòng Giáo dục thị xã đã phối hợp với Câu lạc bộ Thể dục thể thao Hoàng Minh - Hồ bơi Mỹ Phước (hiện trú đóng trên địa bàn khu phố 4, phường Mỹ Phước, TX.Bến Cát), nơi có cơ sở vật chất tốt, đội ngũ huấn luyện viên chuyên nghiệp, uy tín trong việc huấn luyện bơi cho HS, phương án bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh tại hồ bơi và trên đường di chuyển từ trường học đến hồ bơi bằng ô tô.
Theo đề án này, hiện có khoảng 1.500 HS tiểu học và THCS đang được dạy bơi và trong năm học 2015-2016, Câu lạc bộ Thể dục thể thao Hoàng Minh - Hồ bơi Mỹ Phước đã dạy cho gần 2.000 HS trên địa bàn TX.Bến Cát biết bơi. Nếu thực hiện đúng các giải pháp nêu trong đề án thì đến năm 2020, tất cả HS từ lớp 5 trở lên đều biết bơi; hoàn thành Đề án “Phổ cập bơi, phòng chống đuối nước cho HS” hạn chế đến mức thấp nhất do đuối nước gây ra cho TE và HS trên địa bàn TX.Bến Cát.
Việc xây dựng và triển khai thực hiện đề án phổ cập bơi của Phòng Giáo dục - Đào tạo TX.Bến Cát là việc làm căn cơ nhằm trang bị kỹ năng bơi lội cho HS trong các trường học để phòng chống tai nạn đuối nước cho các em HS. Thiết nghĩ đây là việc làm thiết thực, hiệu quả cần được nhân rộng ở các trường học trong toàn tỉnh.
ĐỨC LÊ