Cảnh giác lừa đảo bằng cách kêu gọi làm từ thiện

Thứ năm, ngày 09/05/2024

(BDO) Gần đây, trong các hội, nhóm trên mạng xã hội xuất hiện nhiều bài viết, hình ảnh về các “hoàn cảnh thương tâm” nhằm kêu gọi chuyển tiền ủng hộ. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của P.V, được biết những nội dung này được tạo dựng từ thông tin không có thật, hoặc sử dụng hình ảnh không liên quan kêu gọi chuyển tiền ủng hộ nhằm chiếm đoạt.



Hai bài viết cùng nội dung kêu gọi quyên góp ủng hộ cho một trẻ bị bệnh hiểm nghèo đăng tải trên mạng xã hội có dấu hiệu lừa đảo, vì người được cho là mẹ (chủ tài khoản ngân hàng) đứng ra nhận quyên góp là khác nhau

Lợi dụng lòng tốt để trục lợi

Qua tìm hiểu, nhiều hội, nhóm trên mạng xã hội Facebook có gắn địa chỉ “Bình Dương”, P.V ghi nhận có nhiều bài viết về những hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn và kêu gọi cộng đồng chuyển tiền ủng hộ vào tài khoản ngân hàng có dấu hiệu lợi dụng lòng hảo tâm để lừa đảo.

Cụ thể vào ngày 14-4, tài khoản Facebook “Thu Quế Lê” đã đăng bài viết trên nhóm công khai “Hội gia sư dạy kèm Bình Dương” có gần 7.000 thành viên với nội dung “cầu cứu” mọi người quyên góp ủng hộ cho một trẻ sơ sinh gặp bệnh hiểm nghèo nhưng không rõ địa chỉ. Trong bài viết, tác giả để số tài khoản ngân hàng của Vũ Thị Ngọc Anh (26 tuổi, được cho là mẹ bé) để nhận quyên góp.

Thông qua công cụ tìm kiếm bằng hình ảnh trên internet, P.V phát hiện một bài viết có nội dung, hình ảnh tương tự được đăng tải trong nhóm Facebook “Hiệp hội xà lan Việt Nam” được đăng cùng ngày. Tuy nhiên trong bài viết này, người được cho là mẹ bé lại có tên là Nguyễn Thị Bích Thanh (26 tuổi) và số tài khoản ngân hàng để nhận quyên góp cũng mang tên Nguyễn Thị Bích Thanh.

Tương tự gần đây, một nhóm khác trên Facebook cũng đăng tải bài viết, hình ảnh về một trẻ sơ sinh có vết thương kéo dài theo cột sống lưng (ảnh không được làm mờ) với nội dung kêu gọi giúp đỡ, chuyển tiền ủng hộ vào tài khoản ngân hàng. Qua tìm kiếm trên internet, P.V biết được vào năm 2022, nhiều tài khoản cá nhân, hội, nhóm Facebook, instagram bằng tiếng nước ngoài đã đăng tải, chia sẻ hình ảnh trẻ sơ sinh trên nhưng không phải vì mục đích kêu gọi giúp đỡ, chuyển tiền ủng hộ.

Theo cơ quan chức năng, lừa đảo bằng thủ đoạn kêu gọi ủng hộ một trường hợp khó khăn, hoạn nạn trên mạng xã hội đã xuất hiện từ lâu. Theo đó, đối tượng đăng bài về các cá nhân khác nhau có hoàn cảnh thương tâm, khó khăn, hoạn nạn, bệnh tật... nhưng số tài khoản và tên chủ tài khoản ngân hàng nhận tiền ủng hộ của nhà hảo tâm thì cùng một người.

Một phương thức khác là đối tượng đăng tải, chia sẻ bài viết cùng nội dung về một hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn, bệnh tật... nhưng tên người thân (chủ tài khoản ngân hàng) đứng ra nhận tiền ủng hộ lại khác nhau. Với thủ đoạn này, không ít người bị đối tượng lừa đảo lợi dụng lòng hảo tâm để trục lợi.

“Hỗ trợ hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh là việc nên làm, nhưng người dân cần nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn kêu gọi ủng hộ từ thiện trên mạng xã hội. Trước khi ủng hộ, mỗi người nên thận trọng tìm hiểu, kiểm chứng kỹ thông tin đăng tải. Các cá nhân hảo tâm hãy liên hệ với chính quyền địa phương kiểm chứng thêm thông tin trước khi quyết định ủng hộ, giúp đỡ để tránh bị lừa đảo”, luật sư Mai Tiến Luật cho biết.

Có thể bị xử lý hình sự

Luật sư Mai Tiến Luật, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hãng luật Bigboss Law (Đoàn Luật sư Bình Dương), cho biết việc sử dụng thông tin, hình ảnh cá nhân với mục đích giúp đỡ thuộc trường hợp cần xin phép. Cụ thể theo quy định tại khoản 1, Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015, quy định cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình, như sau: Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Như vậy khi sử dụng thông tin, hình ảnh cá nhân của người khác với mục đích giúp đỡ thì người sử dụng những thông tin, hình ảnh cá nhân đó phải được sự đồng ý của người được giúp đỡ.

Không những thế, đối với hành vi sử dụng thông tin, hình ảnh của người khác để kêu gọi giúp đỡ trên mạng xã hội với mục đích lừa đảo còn bị xử lý hình sự. Về vấn đề này, luật sư Mai Tiến Luật cho biết thực tế hiện nay không ít đối tượng lợi dụng lòng thương cảm để kêu gọi quyên góp tiền từ thiện với mục đích trục lợi cá nhân, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đây được xem là tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo quy định, tội danh này có khung hình phạt tù từ 3 năm đến chung thân, nhưng nếu lợi dụng kêu gọi từ thiện để phạm tội sẽ tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 - 50 triệu đồng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Việc vận động, tiếp nhận nguồn đóng góp tự nguyện đã được quy định rõ trong Nghị định số 93/2021/NĐ-CP ngày 27-10- 2021 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo (gọi tắt là Nghị định 93).

Nghị định 93 quy định, khi vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh, sự cố, cá nhân có trách nhiệm thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật), thời gian cam kết phân phối và gửi bằng văn bản đến UBND cấp xã nơi cư trú.

Cá nhân mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện, bố trí địa điểm phù hợp để tiếp nhận, quản lý, bảo quản hiện vật đóng góp tự nguyện trong thời gian tiếp nhận; có biên nhận các khoản đóng góp tự nguyện bằng tiền mặt, hiện vật tiếp nhận được khi tổ chức, cá nhân đóng góp yêu cầu.

NGUYỄN HẬU