Cảnh giác: Dùng sổ đỏ giả “qua mặt” công chứng

Thứ tư, ngày 03/02/2021

(BDO) Trước việc một số đối tượng làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (còn gọi là sổ đỏ) để qua mặt công chứng nhằm lừa chiếm đoạt tài sản, các cơ quan chức năng đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp để phát hiện kịp thời, tránh gây thiệt hại cho người dân khi tham gia mua bán bất động sản


Hai bị cáo liên quan đến đường dây làm sổ đỏ giả qua mặt công chứng bị đưa ra xét xử. Ảnh: TÂM TRANG

Thủ đoạn tinh vi

Trước đây, trong đơn gửi đến Báo Bình Dương, ông Huỳnh Văn L. (ngụ phường Hiệp An, TP.Thủ Dầu Một) cho biết mình bị lừa mất 600 triệu đồng vì giao dịch nhằm sổ đỏ giả.

Theo ông L., thấy giá của mảnh đất mà người bán rao “mềm” hơn giá thị trường nên ông đồng ý mua và cùng bên bán đến Văn phòng công chứng S. làm các thủ tục công chứng. Tuy nhiên khi sự việc đổ bể, ông phát hiện sổ đỏ mảnh đất trên là giả, đối tượng đã dàn cảnh chiếm đoạt của ông 600 triệu đồng.

Ông L. cho biết ông có thỏa thuận với bà Ngô Thùy Trang (sinh năm 1976, ngụ phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một) nhận chuyển nhượng quyền sử dụng mảnh đất tại phường Tân An, TP.Thủ Dầu Một với giá 600 triệu đồng. Hợp đồng này được lập tại Văn phòng công chứng S. và được công chứng viên chứng thực. Tuy nhiên, sau đó ông L. đến Văn phòng Đăng ký đất đai TP.Thủ Dầu Một liên hệ trích lục hồ sơ địa chính để lập thủ tục chuyển nhượng mảnh đất trên, qua rà soát hồ sơ, cơ quan này cho biết không có hồ sơ gốc lưu trữ. Vụ việc sau đó được chuyển đến cơ quan Công an TP.Thủ Dầu Một.

Sau đó ông L. đến UBND phường Tân An liên hệ thì được biết Văn phòng công chứng S. không xác minh tình trạng đất tại địa phương cũng như niêm yết công khai hồ sơ mảnh đất, gây thiệt hại cho người mua. Ông L. cho rằng trong vụ việc này ông là người bị thiệt và yêu cầu Văn phòng công chứng S. có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho ông.

Liên quan đến vụ việc này, sau khi cơ quan công an vào cuộc đã xác định ông L. không phải là nạn nhân duy nhất. Cũng với thủ đoạn dùng sổ đỏ giả lừa bán đất, Ngô Thùy Trang đã khiến nhiều người “sập bẫy”. Trang là người đứng ra dàn dựng tất cả các phi vụ và lấy tiền chia cho đồng bọn. Nạn nhân của các đối tượng này phần lớn là những người cho vay và nhận thế chấp quyền sử dụng đất. Liên quan đến vụ án, ngoài Trang còn có Nguyễn Thị Diệu (sinh năm 1969, ngụ phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một).

Hồ sơ vụ án thể hiện chỉ trong vòng 2 tháng, Trang và Diệu đã dùng sổ đỏ giả thực hiện 7 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, một mình Trang còn thực hiện thêm 3 vụ khác. Trong quá trình điều tra, đối tượng này không thừa nhận cùng đồng bọn sử dụng sổ đỏ giả để thực hiện hành vi lừa đảo. Có vụ Trang khai do Diệu vay mượn tiền của mình và có thế chấp bản chính các sổ đỏ nên khi Diệu chuyển nhượng cho người khác, Trang đến văn phòng công chứng để đưa sổ đỏ làm hợp đồng và lấy tiền cấn trừ nợ từ Diệu. Số tiền mà Diệu chiếm đoạt sau đó đưa cho Trang, Trang đã trả nợ và tiêu xài hết.

Với hành vi trên, Nguyễn Thị Diệu bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 13 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 4 năm tù về tội “Sử dụng tài liệu, con dấu giả của cơ quan, tổ chức”. Tổng hợp hình phạt của bị cáo Diệu là 17 năm tù. Hội đồng xét xử (HĐXX) cũng tuyên phạt bị cáo Ngô Thùy Trang 12 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 3 năm tù về tội “Sử dụng tài liệu, con dấu giả của cơ quan, tổ chức”. Tổng hợp hình phạt là 15 năm tù.

Người dân cần cảnh giác trước thủ đoạn mới

Bà Nguyễn Anh Hoa, Giám đốc Sở Tư pháp cho biết nhằm chấn chỉnh tình trạng dùng sổ đỏ giả qua mặt hoạt động công chứng, ngày 25-5-2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chỉ thị đã nêu thực trạng tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; chỉ rõ nguyên nhân của thực trạng và đưa ra các giải pháp để phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bảo đảm an ninh trật tự.

Trên cơ sở Chỉ thị số 21, Công văn số 2726/BTP-BTTP ngày 28-7-2020 của Bộ Tư pháp và Kế hoạch số 4152/KH-UBND ngày 25-8-2020 của UBND tỉnh Bình Dương, Sở Tư pháp đã ban hành công văn chỉ đạo các phòng tư pháp các huyện, thị, thành phố; hội công chứng viên tỉnh, trưởng các tổ chức hành nghề công chứng, trưởng các Văn phòng Thừa phát lại nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 21 về tăng cường phòng ngừa vi phạm pháp luật trong hoạt động công chứng, chứng thực, thừa phát lại.

Đối với tổ chức hành nghề công chứng, trưởng các tổ chức hành nghề công chứng, cần trang bị cơ sở vật chất phục vụ nghiệp vụ công chứng. Tích cực tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu”. Yêu cầu các công chứng viên, người lao động tại tổ chức hành nghề công chứng phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, Luật Công chứng và các quy định pháp luật có liên quan. Có nghĩa vụ tuân thủ nguyên tắc hành nghề, thực hiện đúng thẩm quyền và trách nhiệm theo quy định pháp luật. Chủ động, tích cực phối hợp với cơ quan công an khi phát hiện thông tin, tài liệu hoặc vụ việc, hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực công chứng, chứng thực theo quy chế phối hợp giữa Sở Tư pháp và Công an tỉnh về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về công chứng, chứng thực trên địa bàn tỉnh.

Đối với Văn phòng Thừa phát lại, trưởng văn phòng nghiêm túc thực hiện các quy định pháp luật có liên quan đến thừa phát lại; đặc biệt, trong hoạt động lập vi bằng, nhắc nhở thừa phát lại lưu ý: Không lập vi bằng đối với các nội dung yêu cầu ghi nhận hành vi đặt cọc, giao nhận tiền để thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức: Phân lô trái phép, đất không đủ cơ sở pháp lý để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hợp đồng mua bán đất bằng giấy viết tay...

Đối với phòng tư pháp các huyện, thị, thành phố, thường xuyên nhắc nhở, quán triệt cán bộ, công chức làm công tác chứng thực lưu ý thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; cử người tham gia đầy đủ các lớp tập huấn nghiệp vụ chứng thực khi được mời. Chủ động, tích cực phối hợp với cơ quan công an khi phát hiện có thông tin, tài liệu hoặc vụ việc, hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực chứng thực theo Quy chế phối hợp giữa Sở Tư pháp và Công an tỉnh.

Theo bà Nguyễn Anh Hoa, đối với Hội Công chứng viên tỉnh, Sở Tư pháp yêu cầu chú trọng tổ chức tập huấn nghiệp vụ nhận dạng hồ sơ giấy tờ giả, chia sẻ các kinh nghiệm thực tiễn trong phát hiện xử lý việc giả chủ thể, giả giấy tờ pháp lý trong hoạt động công chứng, chứng thực cho đội ngũ công chứng viên, nhân viên, người lao động đang làm việc tại các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh. Theo dõi, nắm bắt thông tin về việc công chứng hợp đồng, giao dịch có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, kịp thời phản ánh, báo cáo Sở Tư pháp hoặc cơ quan có thẩm quyền để xem xét, xử lý theo quy định pháp luật. Sở Tư pháp còn đăng tin, bài trên Báo Bình Dương, trên trang thông tin điện tử của sở để tuyên truyền rộng rãi đến các cán bộ, công chức, các tầng lớp nhân dân biết và thực hiện.

“Nhằm kịp thời phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm liên quan đến công chứng, chứng thực, Sở Tư pháp và Công an tỉnh đã ký kết Quy chế phối hợp số 427/ QCPH/STP-CAT về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về công chứng, chứng thực trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Việc ban hành Quy chế phối hợp có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần tạo ra sự thống nhất, kịp thời trong quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin, vụ việc có dấu hiệu tội phạm liên quan đến công chứng, chứng thực. Bên cạnh đó là tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa hai cơ quan trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về công chứng, chứng thực, nhằm bảo đảm an ninh trật tự, phục vụ tốt phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương”, bà Nguyễn Anh Hoa, Giám đốc Sở Tư pháp, cho biết.

 QUỲNH NHƯ - L.T.PHƯƠNG