Cảnh giác chiêu lừa khi “tra cứu phạt nguội”
(BDO) Gần đây, nhiều người nhận được tin nhắn, cuộc gọi điện thoại xưng danh Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), thông báo bị “dính phạt nguội” và yêu cầu làm theo các thao tác hướng dẫn qua điện thoại để nộp phạt. Đây là hình thức lừa đảo tinh vi, người dân cần tỉnh táo để không bị mất tiền oan.
Anh Nguyễn Hùng (TP.Thủ Dầu Một) kể lại, anh có nhấn vào trang web tra cứu phạt nguội để kiểm tra xem trong quá trình chạy xe có chạy ẩu và bị camera ghi lại hay không. Khoảng 2 giờ sau, có người xưng là nhân viên của Cục CSGT gọi đến số điện thoại đọc đúng tên, đúng số xe ô tô và thông báo anh bị dính phạt nguội vì lỗi vi phạm tốc độ. Người này bảo với lỗi trên thì anh Hùng sẽ bị phạt khoảng 5 - 6 triệu đồng, tuy nhiên để “nhẹ nhàng” hơn thì anh chỉ cần chuyển 2 triệu đồng vào tài khoản người này cung cấp và họ sẽ xóa lỗi vi phạm trên phần mềm.
Do trước đó đã nghe nhiều trường hợp bị lừa từ bạn bè nên anh Hùng trả lời đã chuyển đề nghị nộp 2 triệu đồng và số điện thoại cho cơ quan công an, nghe xong đối tượng cúp máy và không gọi lại.
Thượng tá Nguyễn Anh Kiệt, Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh khẳng định, các đơn vị CSGT tuyệt đối không gọi điện thoại, nhắn tin cho người dân thông báo vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT); không yêu cầu người vi phạm chuyển tiền nộp phạt vào bất kỳ tài khoản nào. Người dân cần cảnh giác trước thủ đoạn lợi dụng hình thức “phạt nguội” vi phạm giao thông để tránh bị kẻ gian lừa đảo, chiếm đoạt tiền.
Theo Thượng tá Kiệt, thủ đoạn phổ biến hiện nay là các đối tượng tự xưng người của Cục CSGT rồi hù dọa kiểu như công an đã gửi giấy mời sao không lên đóng phạt, đến nay quá thời hạn… khiến nhiều người tưởng thật và rất hoang mang. Người dân chưa kịp hiểu ra bị phạt khi nào thì chúng liên tục hỏi, đe dọa. Bước tiếp theo là yêu cầu cung cấp giấy tờ tùy thân như căn cước công dân, số hộ chiếu, tài khoản ngân hàng, tên đầy đủ, địa chỉ. Khi đã có đủ thông tin, chúng sẽ làm ra một biên bản giả và gửi ngay cho người dân. Bằng cách này, chúng đã chiếm đoạt tiền của rất nhiều người.
“Thời gian qua, tất cả các trường hợp vi phạm TTATGT được phát hiện qua hệ thống giám sát camera được lực lượng CSGT gửi thông báo bằng văn bản tới chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện vi phạm và đề nghị tới đơn vị phát hiện vi phạm để phối hợp xử lý. Thông báo gửi đến chủ phương tiện, người vi phạm có ghi rõ mang theo loại giấy tờ, thời gian, địa điểm rõ ràng chứ không gọi điện thoại, nhắn tin thông báo; không yêu cầu người vi phạm chuyển tiền nộp phạt vào bất kỳ tài khoản nào. Người dân cần nâng cao cảnh giác trước các đối tượng lừa đảo. Không cung cấp, chia sẻ thông tin cá nhân cho bất kỳ ai và báo ngay cho công an gần nhất khi nhận được điện thoại, tin nhắn của các đối tượng lừa đảo, đại diện Phòng CSGT Công an tỉnh cho biết.
QUỲNH ANH