Cảnh giác chiêu lừa bán mỹ phẩm qua mạng chiết khấu cao

Thứ năm, ngày 07/05/2020

(BDO) Đánh vào tâm lý thích nhàn rỗi, thích “việc nhẹ lương cao” của nhiều người, những đối tượng buôn bán mỹ phẩm qua mạng đã ra sức dụ dỗ người nhẹ dạ cả tin. Nhiều người bị lừa đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”, không bán được số hàng đã lỡ “ôm”…

Bên cạnh những nhãn hàng mỹ phẩm làm ăn rất uy tín, những người kinh doanh chân chính làm việc cần cù để có thu nhập thì nhiều người muốn… giàu nhanh, muốn lên như diều gặp gió, đó là người bán hàng online với chiêu bài chi chiết khấu cao để lừa tiền kiểu “lấy của người sau nuôi người trước” và ai lỡ mắc bẫy thì không có đường lùi.

Không phải bỏ vốn đầu tư, hoa hồng cao và có thể trả lại sản phẩm nếu không bán được... là chính sách mà các trang mạng bán hàng đã dùng để lừa tuyển cộng tác viên bán hàng online rồi chiếm đoạt tài sản. Hàng loạt vụ lừa đảo bán hàng online nở rộ khi mạng xã hội phát triển phổ biến khiến nhiều người lao đao. Người mới tập tành kinh doanh chưa tìm hiểu kỹ sẽ dễ dàng “ôm hận” vì tiền mất tật mang.

Là một người kinh doanh online, cần mở rộng hơn nhiều mặt hàng để kiếm lời, chị M. (phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một) đã được hẹn “uống cà phê bàn công chuyện” với một người chuyên bán mỹ phẩm Hàn Quốc. Theo người này giới thiệu, hệ thống mỹ phẩm hiện sắp khai trương rầm rộ trên toàn quốc. Nhanh tay làm nhà đầu tư càng sớm càng có lời. Khoảng 3 tháng sau, khi khách hàng ổn định, thu nhập thụ động sẽ lên cả 100 triệu đồng/tháng. Khi hỏi cần “góp vốn” bao nhiêu thì chị M. được hướng dẫn làm mã số, đăng ký làm đại lý cùng hệ thống… Hỏi quanh co một hồi thì chị M. nhận thấy có dấu hiệu bán hàng đa cấp không phép, bán hàng đểu qua mạng nên từ chối.

Không may mắn vì còn… khá tỉnh táo như chị M., nhiều người cho biết họ mất vài chục đến cả trăm triệu đồng nhập hàng về nhưng không bán được. Những kẻ lừa đảo cho nhân viên mời chào khách hàng làm cộng tác viên bằng cách chỉ cần đều đặn đăng bài lên trang Facebook, Zalo cá nhân và làm “đại lý”. Khi có khách đặt mỹ phẩm, họ sẽ gửi hàng và đại lý bán ra được hưởng %. Không mất tiền, chỉ mất chút công gõ vài chữ kèm hình ảnh nên những người đang rảnh rỗi sẽ dễ dàng sập bẫy nhất. Vì sau khi đăng bài, sẽ có vài chục “khách hàng” nhảy vào hỏi giá cả và mua hàng với số lượng lớn. Khi “con mồi” đã say và mắc bẫy, họ tiếp cận và đưa ra những gói nhập mỹ phẩm là hàng xách tay, chính hãng rất hấp dẫn để dụ dỗ. Kiểu phổ thông nhất là mua 100 triệu đồng tiền hàng, được chiết khấu 30%; lấy 200 triệu đồng thì được chiết khấu 35%... Mua càng nhiều, chiết khấu càng cao. Tuy nhiên khi ôm hàng xong thì “khách ảo” cũng bay mất tiêu, tìm mỏi mắt không thấy. Gọi điện không được hoặc bị chặn luôn số. Việc đổi trả hàng như lời hứa ngon ngọt của “đầu nậu” cũng... có vấn đề luôn. Khi khách mua hàng nhưng không có khả năng tiêu thụ, không có nhu cầu sử dụng, muốn trả lại thì công ty mỹ phẩm đa cấp tìm mọi cách trì hoãn việc trả hàng để quá thời hạn được phép trả hàng. Khi đó công ty sẽ không có trách nhiệm mua lại hàng. Người nào lỡ làm đại lý coi như… bỏ tiền học phí đi học một khóa kinh doanh online!

Nói về vấn đề bán hàng đa cấp trong đó có mỹ phẩm, luật sư Nguyễn Thị Mỹ Dung, Công ty luật BCM (Becamex Lawfirm), Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương, cho rằng người bán hàng online cần tìm hiểu kỹ để tránh bị lừa đảo. Theo bà Dung, tham gia bán hàng online cho các trang mỹ phẩm trên mạng xã hội dưới hình thức tuyển cộng tác viên đăng bài quảng cáo, nhiều người chẳng những không cải thiện thu nhập mà còn bị sập bẫy bởi các đơn hàng ảo, mất tiền. Hình thức kinh doanh như trên không phải là bán hàng đa cấp. “Bán hàng đa cấp thì trên thực tế có công ty, có người bảo lãnh cho từng nhóm khách hàng. Tuy nhiên Luật Cạnh tranh năm 2018 đã bỏ quy định về bán hàng đa cấp bất chính. Hoạt động bán hàng đa cấp sẽ bị xử lý nếu vi phạm quy định chung về cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh. Ở đây có thể thấy nếu những nơi cung cấp mỹ phẩm để bán online có những hành vi như trên kèm theo các dấu hiệu có sự ép buộc, lừa dối, cung cấp thông tin không trung thực về hàng hóa hoặc có hành vi lừa đảo là vi phạm pháp luật.

Như vậy, nếu như bạn mua bán hàng hóa để bán online mà bạn cung cấp được nhà cung cấp lừa dối, cung cấp thông tin không trung thực về hàng hóa thì theo quy định tại Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, người tiêu dùng có quyền “khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan”.

Người dân nên có sự tìm hiểu để tránh trở thành nạn nhân khi tham gia tiêu thụ hay mua nhầm sản phẩm của những công ty đa cấp này; cần tỉnh táo khi nhập hàng, cần tìm hiểu thông tin về công ty, nguồn gốc sản phẩm. Những người kinh doanh online cũng nên đề nghị xuất hóa đơn, không nên giao dịch số lượng hàng hóa lớn trên mạng và đặc biệt cảnh giác với các loại hàng hóa, sản phẩm có chiết khấu cao.

 QUỲNH NHƯ - TÂM TRANG