Cảnh giác cao với tội phạm lừa đảo trên không gian mạng
Gần tết, tội phạm thường gia tăng hoạt động, trong đó có lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Do đó, người dân cần chủ động nhận diện các thủ đoạn lừa đảo để tự bảo vệ mình và người thân.
Cẩn trọng với chiêu “việc nhẹ lương cao”
Trong vai một người cần tiền để chi tiêu dịp tết, chúng tôi đăng nhập vào Facebook để tìm việc làm thời vụ thấy bài viết đăng tuyển lao động thời vụ tết với mức lương hấp dẫn trên nhóm công khai “Việc làm thời vụ tết 2025” với gần 10.000 thành viên tham gia. Theo đó, tài khoản tên Quỳnh Trang (có dấu hiệu “ảo”) cần tuyển 2 nữ đóng hàng đồ khô tết với mức lương gần 370.000 đồng/ngày, cùng điều kiện cho nhận hàng “thoải mái”.
Liên hệ với tài khoản Quỳnh Trang qua Facebook, chúng tôi được hướng dẫn kết bạn Zalo để trao đổi công việc. Sau đó, người này gửi cho chúng tôi một đường link để cung cấp hình ảnh căn cước công dân, tài khoản ngân hàng và số điện thoại. Đồng thời tài khoản Quỳnh Trang còn yêu cầu chúng tôi phải nộp 2 triệu đồng tiền cọc để nhận hàng, sau khi hoàn thành việc đóng gói thì sẽ trả lương và tiền cọc. Nếu chúng tôi làm theo yêu cầu của Quỳnh Trang không chỉ bị mất tiền cọc mà còn bị đánh cấp thông tin cá nhân. Đáng chú ý, đối tượng cũng có thể sẽ sử dụng những thông tin này để uy hiếp, buộc người tìm việc phải chuyển một khoản tiền, nếu không thông tin cá nhân sẽ bị sử dụng để đi vay tiền hoặc làm những chuyện vi phạm pháp luật.
Ngoài hình thức lừa đảo trên, gần tết cũng là thời điểm tặng quà tri ân khách hàng của các doanh nghiệp... Lợi dụng điều này, các đối tượng tự xưng là nhân viên của trang thương mại điện tử, gọi điện thông báo gửi tặng quà có giá trị nhằm tri ân khách hàng đã từng mua sắm. Nhiều người tin tưởng đã chuyển tiền phí để nhận “quà to” thì bị “sập bẫy” đối tượng lừa đảo.
Không những thế, các đối tượng xấu cũng tạo ra các website, fanpage giả mạo giống hệt với những trang chính thức của các thương hiệu lớn đăng tải, rao bán nhiều mặt hàng phục vụ tết với giá cả rẻ hơn so giá thị trường rất nhiều. Khi có người mua, các đối tượng yêu cầu phải chuyển tiền đặt cọc. Sau khi đã nhận được tiền đặt cọc, đối tượng chặn liên lạc, chiếm đoạt tài sản của người mua. Các tài khoản mạng xã hội, fanpage nói trên thường là các tài khoản “ảo”, mới được tạo dựng, ít lượt tương tác, không để quá nhiều thông tin hoặc để những thông tin không chính xác trên trang cá nhân.
Cần tự phòng, tự bảo vệ
Theo thống kê, trong 10 tháng năm 2024, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 120 vụ tội phạm sử dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với tổng số tiền chiếm đoạt gần 61 tỷ đồng. Theo khuyến cáo của Công an tỉnh, hiện nay phổ biến nhất có 11 thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng, như: Giả danh cơ quan chức năng; tuyển cộng tác viên online; mua bán hàng hóa, vé máy bay, tàu lửa; đầu tư tài chính… Vào dịp cuối năm, các thủ đoạn lừa đảo như trên sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, không chỉ gây thiệt hại lớn về tài sản cho bị hại mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự. Dự báo được tình hình trên, các địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền, đề nghị người dân nêu cao tinh thần cảnh giác tự phòng, tự bảo vệ đối với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Thông qua trang thông tin trên Facebook, công an các địa phương đã đăng tải nhiều bài viết cảnh báo về tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng thường diễn ra vào dịp gần tết. Theo Thượng tá Nguyễn Văn Đông, Phó trưởng Công an TP.Bến Cát, thời gian qua, đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa với tội phạm sử dụng công nghệ cao, trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền nhằm giúp người dân nhận diện được thủ đoạn lừa đảo của loại tội phạm này để tự bảo vệ bản thân và gia đình. Bên cạnh đó, cơ quan công an cũng đề nghị người dân cần tỉnh táo, thực hiện khẩu hiệu “4 không” (không hoảng sợ, không tham, không kết bạn với người lạ, không chuyển khoản) và “2 phải” (phải thường xuyên cảnh giác và phải liên hệ với cơ quan công an khi nghi ngờ dấu hiệu lừa đảo).
Mới đây, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến cáo người dân cần phải thường xuyên cập nhật và nắm bắt thông tin về vấn đề an toàn không gian mạng; luôn cảnh giác với những lời mời chào trên mạng xã hội. Người dân tuyệt đối không cung cấp những thông tin cá nhân, như: Căn cước công dân, số tài khoản ngân hàng, mã OTP… để tránh bị đánh cắp thông tin sử dụng cho mục đích phi pháp. Khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để nhận sự hỗ trợ kịp thời và xử lý theo quy định của pháp luật.
Cục An toàn thông tin Bộ Thông tin và Truyền thông lưu ý người dùng mạng về các trang web giả mạo tổ chức, doanh nghiệp, người dân cần cẩn trọng khi truy cập để tránh bị lừa đảo, gồm: 2 website giả mạo sàn thương mại điện tử Amazon; 2 trang web giả mạo Điện máy xanh; 3 trang web giả mạo sàn thương mại điện tử Taobao; 2 trang web giả mạo Kho bạc Nhà nước. Còn lại là các trang web giả mạo Cục An ninh mạng, Bộ Công an; Văn phòng Chính phủ; sàn thương mại điện tử Shopee; Aeon Việt Nam; Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT); Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); TikTok... |
NGUYỄN HẬU