Cảnh giác cao độ trước thực trạng lừa đảo qua ngân hàng
(BDO) Vài ngày gần đây, một số ngân hàng tiếp tục cảnh báo nhiều thủ đoạn lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng. Bộ phận chuyên môn Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) đã cập nhật các hình thức giả mạo, lừa đảo phổ biến như sử dụng phần mềm chứa mã độc thông qua các link lạ, các ứng dụng giả mạo… để chiếm đoạt quyền truy cập, kiểm soát thiết bị di động của người sử dụng, bao gồm cả ứng dụng ngân hàng, chứng khoán nhằm chiếm đoạt số tiền lớn.
Các đối tượng còn mạo danh tổng đài chăm sóc khách hàng của BIDV gọi điện để hỗ trợ khách hàng các nghiệp vụ ngân hàng như thẻ, tài khoản, SmartBanking, liên kết ví… Các đối tượng này yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản, thẻ, mật khẩu, OTP... hoặc gửi link hướng dẫn nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Đối tượng giả danh là người của cơ quan công an, thuế… yêu cầu khách hàng tải ứng dụng VNeID, VssID, eTax.. giả mạo và thực hiện một số giao dịch như đổi mật khẩu, thanh toán dịch vụ công nhằm chiếm quyền truy cập và sử dụng thiết bị di động của khách hàng. Từ đó, chúng truy cập ứng dụng ngân hàng, ví điện tử, ứng dụng chứng khoán… để chiếm đoạt tài sản.
BIDV khẳng định ngân hàng không chủ động liên hệ khách hàng để yêu cầu cung cấp đầy đủ thông tin thẻ (số thẻ, ngày hết hạn, mã bảo mật), thông tin dịch vụ ngân hàng điện tử (tên đăng nhập, mật khẩu, OTP…). Do đó, BIDV đề nghị người dùng tuyệt đối không cung cấp các thông tin trên cho bất kỳ ai trong bất cứ trường hợp nào.
BIDV khuyến cáo khách hàng cảnh giác trước lời đề nghị từ bất kỳ ai về việc cài đặt các ứng dụng nằm ngoài App Store/ Google Play, đặc biệt là thông qua TestFlight (nền tảng cho phép nhà phát triển mời người dùng trải nghiệm ứng dụng ở các phiên bản alpha, beta); tuyệt đối không nhấn vào/mở các đường link được gửi từ các đối tượng lạ/không quen biết trên tất cả nền tảng, bao gồm mạng xã hội hoặc ứng dụng nhắn tin.
Ngân hàng số Cake by VPbank, Agribank, Sacombank… cũng cảnh báo thủ đoạn giả mạo thương hiệu của các ngân hàng này để lừa đảo và chiếm đoạt tài sản của người dùng. Theo đó, phương thức phổ biến là các đối tượng giả mạo về việc được xét duyệt hồ sơ cấp hạn mức tín dụng cao có thể lên tới 100 triệu đồng. Đối tượng yêu cầu khách hàng duy trì một số dư trong tài khoản nhất định và mở thẻ thanh toán ảo. Sau đó, mạo danh nhân viên ngân hàng gọi điện trực tiếp hoặc thực hiện hỗ trợ qua Zalo, Messenger, yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin đăng nhập tài khoản, màn hình thông tin thẻ, mã OTP... để thẩm định tài khoản.
Sau khi thực hiện giao dịch trên thẻ thanh toán ảo, đối tượng sẽ chiếm đoạt tiền qua giao dịch online và chặn toàn bộ liên lạc với khách hàng. Do đó, khách hàng cần cảnh giác. Cake có chính sách phê duyệt, nâng hạn mức tự động hoàn toàn và không gọi điện thẩm định, không yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin tài khoản, thông tin số thẻ để thẩm định - lãnh đạo ngân hàng số này khuyến nghị.
Trong thực tế, dù các ngân hàng liên tục cảnh báo nhưng vẫn có không ít khách hàng bị mất tiền oan vì các thủ đoạn lừa đảo của tội phạm công nghệ cao. Bởi vậy, khách hàng cần cảnh giác cao độ.
THANH HỒNG