Cảnh báo tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp: Cần quan tâm chấn chỉnh!
(BDO) Mặc dù đã có những quy định pháp luật về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp (HLLĐ) nhưng tình trạng lấn chiếm HLLĐ trên địa bàn TX.Thuận An vẫn diễn ra. Tình trạng trên không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về điện mà còn gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản cho chính người vi phạm.
Cột điện 114/9 thuộc tuyến đường dây 110KV Bình Hòa - VSIP (KP.Bình Thuận 2, phường Thuận Giao) trở thành nơi chứa chất thải của một cơ sở kinh doanh phế liệu gần đó (ảnh chụp ngày 24-10)
Nguy cơ mất an toàn
Trên cơ sở Luật Điện lực 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2012) và các văn bản pháp luật liên quan, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 18/2015/QĐ-UBND ngày 13- 5-2015 quy định trách nhiệm quản lý công trình lưới điện và xử lý các hành vi vi phạm về an toàn điện trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là Quyết định 18). Theo đó, Quyết định 18 đã nêu rõ các hành vi nghiêm cấm như sử dụng HLLĐ vào những mục đích khác khi chưa có sự thỏa thuận với đơn vị quản lý; lắp đặt anten thu phát sóng, dây phơi, giàn giáo, hộp đèn quảng cáo và các vật dụng khác tại vị trí mà khi bị đổ, rơi có thể va chạm vào công trình lưới điện cao áp…
Thực tế qua ghi nhận của P.V trên địa bàn TX.Thuận An, tình trạng lấn chiếm HLLĐ xảy ra tại một số đường dây điện cao áp. Cụ thể tại cột điện 114/9 thuộc tuyến đường dây 110KV Bình Hòa - VSIP (KP.Bình Thuận 2, phường Thuận Giao) trở thành nơi chứa chất thải như nylon, vải vụn... của một cơ sở kinh doanh phế liệu gần đó. Việc để phế thải như trên trong thời gian dài có thể gây ảnh hưởng đến kết cấu kim loại của cột điện, gây nguy cơ ngã đổ. Không những thế, nếu gặp phải gió lớn thì những phế thải trên có thể bay lên không trung và va vào đường dây điện dẫn đến nguy cơ cháy nổ. Cùng tuyến đường dây 110KV này (khoảng trụ 114/9 đến 114/8, phường Thuận Giao), P.V quan sát thấy nhiều nhà trọ nằm trong HLLĐ. Trong khi theo quy định pháp luật, để tồn tại dưới HLLĐ, các công trình nhà ở phải được sự đồng ý của đơn vị quản lý điện và bảo đảm nhiều điều kiện khắt khe về an toàn điện.
Tương tự, quán cà phê D. (KP.Bình Đức 1, phường Bình Hòa) có một số chòi lá kinh doanh nằm trong HLLĐ đường dây 220KV Bình Hòa - Thuận An - Hóc Môn (khoảng trụ 101-102). Khi P.V phản ánh tình trạng trên với Đội Truyền tải điện Thủ Dầu Một, Công ty Truyền tải điện Miền Đông 2 được biết trước đây lực lượng chức năng đã yêu cầu chủ quán cà phê D. tháo dỡ chòi lá và ngừng kinh doanh dưới HLLĐ. Tuy nhiên, sau một thời gian tình trạng trên lại tiếp tục tái diễn. Đại diện Đội Truyền tải điện Thủ Dầu Một cho biết sẽ cử lực lượng xuống kiểm tra hoạt động kinh doanh của quán cà phê D., nếu vi phạm HLLĐ sẽ lập biên bản xử lý theo quy định.
Theo tìm hiểu của P.V, từ năm 2017 đến nay, Công ty Truyền tải điện Miền Đông 2 đã phối hợp với chính quyền địa phương xử lý 4 trường hợp vi phạm HLLĐ tuyến đường dây 220 KV Bình Hòa - Thuận An - Hóc Môn (đoạn qua phường Bình Hòa và phường Vĩnh Phú), trong đó đáng chú ý có hai nhà kho “khủng” của Công ty Trọng Phúc (phường Bình Hòa) và Công ty Tân Hiệp Phát (phường Vĩnh Phú). Sau đó, hai công ty trên đã thực các biện pháp bảo đảm an toàn về điện đối với nhà kho theo quy định. Mặc dù các công trình nhà kho trên đã bảo đảm các tiêu chuẩn về an toàn điện nhưng việc tồn tại trong HLLĐ luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố về điện. Vì trong thời gian dài sử dụng, một số hạng mục của nhà kho có thể hư hỏng, xuống cấp, nhất là mái che bằng kim loại. Nếu những mái che này không được sửa chữa, gia cố kịp thời thì khi gặp giông lốc có thể bị thổi bay lên không trung rồi va chạm vào lưới điện dẫn đến cháy nổ.
Cần quan tâm chấn chỉnh
Để làm rõ những thông tin về tình trạng lấn chiếm HLLĐ, P.V đã cung cấp hình ảnh cho Công ty Điện lực Bình Dương, đơn vị quản lý, vận hành HLLĐ 110KV. Trao đổi với P.V, đại diện Công ty Điện lực Bình Dương cho biết sau khi nhận được thông tin do P.V Báo Bình Dương cung cấp, đơn vị đã đi thực tế kiểm tra từng trường hợp cụ thể. Đối với việc đổ phế thải dưới chân cột điện 114/9 thuộc tuyến đường dây 110KV Bình Hòa - VSIP là hành vi phạm nghiêm trọng HLLĐ. Đơn vị đã đề nghị UBND phường Thuận Giao phối hợp dọn dẹp phế thải dưới cột điện này. Đối với các công trình nhà ở nằm trong HLLĐ 110KV Bình Hòa - VSIP (khoảng trụ 114/8-114/9) vẫn bảo đảm khoảng cách an toàn theo quy định. Tuy nhiên có thể những nhà ở này xây dựng không phép.
Về tình trạng các công trình nhà ở nằm trong HLLĐ đã bảo đảm quy định về an toàn điện nhưng trong quá trình sử dụng có chể dẫn đến sự cố điện. Ông Nguyễn Thế Nam, Trưởng phòng An toàn Công ty Điện lực Bình Dương, cho rằng: “Nhà trong và gần HLLĐ có nguy cơ ảnh hưởng rất lớn đến an toàn lưới điện. Nếu xảy ra giông lốc thì mái tôn của những căn nhà này có thể bay lên và va chạm với dây điện dẫn đến gián đoạn quá trình truyền tải điện. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến hoạt động sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh mà còn gây nguy hiểm đến tính mạng người sống trong HLLĐ. Mặc khác, việc người dân sống trong HLLĐ có thể gặp nguy hiểm đến tính mạng khi xảy ra những cố bất ngờ do nguyên nhân chủ quan”.
“Trong thời gian tới, ngành điện thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra những hộ dân sống trong HLLĐ nhằm kịp thời phát hiện tháo dỡ những công trình không bảo đảm điều kiện về an toàn điện, kiên quyết không để xảy ra tình trạng lấn chiếm HLLĐ. Đồng thời, đơn vị tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng có liên quan tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ HLLĐ. Yêu cầu các địa phương không để xảy ra tình trạng thả diều, bắn kim tuyến, tổ chức các hoạt văn hóa… trong và gần HLLĐ”, ông Nam cho biết.
Trong hội nghị tổng kết công tác bảo vệ lưới điện cao áp trên địa bàn TX.Thuận An, Công ty Truyền tải điện Miền Đông 2, đơn vị quản lý, vận hành đường dây 220kV đi qua 5 phường của TX.Thuận An đề nghị tiếp tục phối hợp chặt chẽ chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ lưới điện và tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý hành vi lấn chiếm HLLĐ và phá hoại lưới điện. Đồng thời kiến nghị UBND thị xã chỉ đạo các địa phương phối hợp với đơn vị làm việc với chủ đầu tư, đơn vị thi công công trình để thực hiện các thủ tục an toàn về điện khi thực hiện các công trình xây dựng gần và trong HLLĐ.
Phát biểu tại hội nghị, ông Đỗ Thanh Sử, Phó Chủ tịch UBND TX.Thuận An, đề nghị UBND các xã, phường phối hợp với Phòng Kinh tế tham mưu với UBND thị xã về công tác bảo vệ HLLĐ; đồng thời rà soát lại quy chế phối hợp với từng địa phương để có phương hướng chỉ đạo cụ thể. Các xã, phường tiếp tục tăng cường tuyên truyền về việc phòng ngừa thả diều gần HLLĐ, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ HLLĐ và phổ biến số điện thoại, đường dây “nóng” của đơn vị quản lý, vận hành đường dây điện cao áp để người dân kịp thời phản hồi các vụ việc và hỗ trợ trong công tác bảo vệ HLLĐ.
Theo thống kê của Công ty Điện lực Bình Dương, từ đầu năm đến ngày 31-10, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 17 sự cố về điện do vi phạm HLLĐ làm 1 người chết và 10 người bị thương nặng. Ngoài ra, Công ty Điện lực Bình Dương đã xử lý 201 vụ phát sinh vi phạm HLLĐ (bảng hiệu, mái tôn bao quanh trụ điện, cần đèn, nhà ở vi phạm HLLĐ). Theo Công ty Điện lực Bình Dương, nguyên nhân dẫn đến các sự cố về điện tăng đột biến là do nhiều công trình xây dựng, cải tạo nhà ở, khu dân cư mới… gần đường dây điện cao áp vi phạm HLLĐ, trong khi cơ quan chức năng chưa kiểm tra và ngăn chặn kịp thời. Một số doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh chuyên thi công lắp đặt biển hiệu và các hộ dân sống gần đường dây điện cao áp chưa ý thức được sự nguy hiểm của hành vi lấn chiếm HLLĐ. Cây xanh trên nhiều tuyến đường không được cắt tỉa kịp thời. Tại một số khu vực còn xảy ra tình trạng thả diều gần đường dây điện cao áp. Ngoài ra, công tác tuyên truyền pháp luật về an toàn điện tại một số địa phương chưa đạt hiệu quả cao. |
NHÓM P.V