Cảnh báo tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện - Bài 1
Bài 1: Bất chấp nguy hiểm, cố tình vi phạm!
Hiện nay, trên địa bàn TX.Thuận An và TX.Dĩ An đang tồn tại một thực trạng đáng lo ngại là một số nhà ở, hàng quán của người dân xây dựng vi phạm hành lang an toàn lưới điện (HLATLĐ) nghiêm trọng. Hành vi trên có thể dẫn đến nguy cơ chập điện, cháy nổ, gây thiệt hại đến tài sản và tính mạng của người dân, đặc biệt là vào mùa mưa.
(BDO)
Quán cơm nằm trên đường 22-12 (gần số nhà 41A, KP.1A, phường An Phú, TX.Thuận An) chiếm dụng khoảng không gian phía dưới trạm biến áp để kinh doanh, rất nguy hiểm
Hiểm họa chực chờ
Đi dọc các tuyến đường như ĐT743, Lê Hồng Phong (TX.Dĩ An), Nguyễn Văn Tiết, ĐT745 (TX.Thuận An)… chúng tôi cảm thấy lo ngại khi chứng kiến những đường dây điện thoại, dây điện hạ thế sà sát xuống mái nhà dân. Anh Nguyễn Văn Hòa, một người dân có nhà trên trục đường Đ745, cho biết: “Dây điện sà sát xuống mái nhà chúng tôi như vậy thật là nguy hiểm. Nếu chẳng may xảy ra chập điện thì nhà chúng tôi có nguy cơ bị cháy rất cao. Chưa kể việc rò rỉ điện có thể xảy ra bất cứ lúc nào!”.
Không những thế, các đường dây “ăn theo” đường điện như dây của các nhà mạng cũng “góp phần” khiến một số cây cột điện cũ đã xuống cấp nay có nguy cơ ngã đổ bất cứ lúc nào. Điển hình là tại KP.Tân Quý, P.Đông Hòa, TX.Dĩ An, do sức nặng của các cuộn dây điện, hộp điện, công tơ, hộp kỹ thuật và đường dây của các nhà mạng… đã khiến cho cột điện ngả sang một bên. Nguy hiểm hơn, cây cột điện này đang rình rập đến sự an toàn của các hộ dân gần đó và đặc biệt là ngôi nhà sát cột điện này. Chị Nguyễn Thị Hằng, một người dân sống gần đó tỏ ra lo lắng: “Mỗi khi trời mưa to hay gió lớn là sợ lắm! Không biết trụ điện ngã hay chập điện lúc nào. Trụ điện nhỏ mà “gồng” cả dây điện, dây cáp quang… làm cho trụ gần như “ngất xỉu” vì quá tải”.
Sống chung với “tử thần”
Ngoài tình trạng trên, đáng lo ngại nhất là hiện nay, tại một số điểm hạ đặt trạm biến áp, hành lang an toàn của công trình điện này đang bị xâm hại nghiêm trọng. Tiến sĩ Đỗ Hồng Tuấn, Trưởng khoa Điện - Điện tử, trường Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh, cho biết: “Hiện nay, trạm biến áp có loại lắp đặt kín (đặt trong nhà), có loại lắp đặt hở, thường được đặt cao khoảng 2m so với mặt đất. Hành lang an toàn cho trạm biến áp hở là 0,5m, tính từ chân cột đến công trình dân dụng và 3m đối với loại kín. Đây là khoảng cách “bất khả xâm phạm” được quy định trong Luật Điện lực. Trạm biến áp là nơi có nhiệm vụ làm tăng - giảm điện áp của dòng điện cao áp. Và có thể nói đây là chỗ “xung yếu” của hệ thống lưới điện vì rất dễ bị tổn thương bởi các tác động từ bên ngoài, đặc biệt là con người. Nếu không may xảy ra nổ máy biến áp thì hậu quả thật khó lường. Sức nổ của nó có sức công phá như một quả bom vậy. Khi đó, một khu vực rộng lớn sẽ bị mất điện. Còn các thiết bị điện của người dân sẽ bị cháy. Và tính mạng của con người cũng bị nguy hiểm. Tốt nhất, chúng ta không nên đến gần các trạm biến áp và máy biến áp vì như vậy cũng như đang đến gần với tử thần”.
Tuy nhiên, tại nhiều nơi người dân vẫn bất chấp nguy hiểm và xâm phạm khoảng cách an toàn này. Tại TX.Dĩ An, tuyến quốc lộ 1K, đoạn qua phường Bình An và Đông Hòa, nơi có đường dây 22kV chạy dọc tuyến đường, tình trạng nhà dân “ôm” cột điện diễn ra khá nghiêm trọng. Nhiều hộ dân tự ý cơi nới nhà hoặc lắp đặt mái che hàng quán, chiếm dụng hành lang đường bộ, để buôn bán. Hành động này của người dân còn xâm phạm cả HLATLĐ. Đặc biệt theo ghi nhận của P.V, chỉ một đoạn đường ngắn từ UBND P.Đông Hòa đến khu vực gần khu dân cư 19-8 (KP.Tây B, P.Đông Hòa) dài chưa tới 1km đã có đến 10 nhà “ôm” trạm biến áp và trụ điện trung thế. Không những vậy, các đường dây điện thoại, cáp quang sà sát mái nhà, nhiều đoạn bị đứt “móc võng” trước nhà dân. Một số cột điện vì quá tải cũng bị gãy.
Tại TX.Thuận An, theo ghi nhận của P.V thì tình trạng này cũng đáng lo ngại. Điển hình như một cửa hàng bán điện thoại di động trên đường ĐT743 (thuộc KP.Bình Đức, P.Bình Hòa) đã liều lĩnh lắp đặt biển hiệu cách máy biến áp chưa tới một cánh tay. Tương tự, tại trạm biến áp loại hở đặt ở số nhà 41 trên đường 22-12 (KP.1A, P.An Phú), khoảng diện tích ít ỏi giữa hai chân cột điện cũng bị người dân căng bạt, chiếm dụng làm hàng quán. Không những thế, họ còn nhóm lửa, bắt lò than đun nấu sát chỗ đặt tủ điện và máy biến áp, bất chấp biển cảnh báo nguy hiểm treo ngay phía trên đầu. Cũng trên tuyến đường 22-12, tại các số nhà 7/4; 47/1; 63B/5 (thuộc P.An Phú) và các số nhà 1/121; 1/118; 1/264 (P.Thuận Giao), bỗng dưng trạm biến áp “mọc” lên giữa nhà người dân. Để tránh nước mưa từ cột điện chảy xuống nhà, người dân tự ý dùng tôn hàn kín lại khoảng hở giữa cây cột điện và mái nhà mà không hề có nối dây tiếp đất.
Khi được hỏi vì sao lại có tình trạng cột điện “mọc” giữa nhà, các chủ nhà đều cho rằng đây là điều ngoài ý muốn. Theo như lý giải của chị Lý, một trong những chủ nhà trên, thì: “Các cột điện đều nằm cách lề đường từ 2 - 6m và nhà của chúng tôi cũng thế. Để thuận lợi cho việc kinh doanh, chúng tôi buộc phải cơi nới căn nhà ra và “vô tình” cột điện nằm giữa nhà. Tôi cũng biết rằng hành động này gây nguy hiểm cho chính bản thân và gia đình, nhưng tôi nghĩ mình cẩn thận, đừng đụng chạm tới cột điện thì sẽ không sao?”.
Được P.V cung cấp một số hình ảnh chụp lại các cột điện, trạm biến áp “mọc” giữa nhà dân, ông Nguyễn Hữu Châu, Chủ tịch UBND P.An Phú, TX.Thuận An tỏ ra rất bất ngờ. Ông nói: “Người dân để cột điện “mọc” giữa nhà như vậy thì nguy hiểm thật. Để tình trạng này xảy ra như vậy cũng có một phần trách nhiệm của UBND phường. Vừa qua, UBND phường đã kết hợp với Công ty Điện lực Thuận An tiến hành lập biên bản và xử lý các trường hợp vi phạm HLATLĐ trong khu dân cư Việt-Sing. Còn đối với các trường hợp P.V Báo Bình Dương vừa cung cấp, chúng tôi sẽ có kế hoạch phối hợp với các đơn vị liên quan để xử lý triệt để”.
Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26-2-2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực về an toàn điện có hiệu lực kể từ ngày 15-4-2014 và Luật Điện lực quy định về khoảng cách ATHLLĐ như sau:
Khoảng cách an toàn giữa dây điện cao áp với công trình nhà cửa xung quanh: Tối thiểu từ 1 - 2m đối với mức điện áp đến 22kV, từ 1,5 - 3m đối với điện áp 35kV, 4m với điện áp từ 66 - 110kV và 6m với điện áp 220kV. Không được tới gần đường dây, trạm điện 15kV trong phạm vi 2m và đường dây, trạm điện 110kV trong phạm vi 4m.
Bài 2: Ngành chức năng nói gì?
NGUYỄN HẬU