Cảnh báo tình trạng lừa đảo qua điện thoại – Kỳ 1
(BDO) Kỳ 1: Bỗng dưng bị… truy nã
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra hàng loạt vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn giả danh các cơ quan chức năng hoặc sử dụng thủ đoạn buộc bị hại phải chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng rồi nhanh chóng chiếm đoạt. Số tiền các nạn nhân bị chiếm đoạt lên đến hàng tỷ đồng…
Tin nhắn đe dọa được gửi tới người dân với mục đích lừa đảo. Ảnh: QUỲNH ANH
Tự xưng là cán bộ tư pháp để….. hù!
Thời gian gần đây, xảy ra nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến loại tội phạm sử dụng công nghệ cao. Thủ đoạn của các đối tượng rất tinh vi, không để lại bất cứ thông tin gì và nhanh chóng “biến mất” sau khi lấy được tiền. Nhiều vụ lừa đảo số tiền của nạn nhân bị chiếm đoạt lên đến hàng tỷ đồng.
Các đối tượng thường giả danh cơ quan công an (CA), Viện Kiểm sát đưa thông tin giả rằng bị hại có liên quan đến các vụ án hình sự, từ đó chiếm đoạt tài sản của nạn nhân. Chúng yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân, bấm vào đường link mà chúng đã chuẩn bị sẵn để người dân xác nhận vụ việc. Thực chất đây là cách lấy thông tin cá nhân của người khác rồi lừa đảo.
Mới đây, chị Nguyễn Thị H.N (ngụ tại phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một) đến CA phường trình báo về việc bị một đối tượng lạ tự xưng là người của Viện Kiểm sát nhân dân TP.Đà Nẵng gửi cho “Quyết định phê chuẩn lệnh khởi tố và bắt tạm giam” cùng “Quyết định phê chuẩn lệnh đóng băng và niêm phong tài sản” về tội sử dụng tài khoản ngân hàng để đánh bạc bằng hình thức trực tuyến và rửa tiền xuyên quốc gia.
Bị hù lừa hàng chục tỷ đồng Hiện cơ quan CA đang điều tra vụ chị Phan P.T. (SN 1980, ngụ phường Vĩnh Phú, TP.Thuận An) bị đối tượng giả danh cán bộ tư pháp điện thoại yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng rồi chiếm đoạt 13 tỷ đồng. Một trường hợp khác là chị Ngô Thị P.T (SN 1986, ngụ phường Phú Mỹ) bị dẫn dắt đặt cược trên ứng dụng Max 3D và bị chiếm đoạt số tiền hơn 2,2 tỷ đồng. |
Chị N. cho biết thấy số lạ gọi đến, chị tưởng là mời mua bảo hiểm, mua đất nhưng không ngờ đầu dây bên kia biết rất rõ thông tin về chị. “Với lời lẽ nghiêm trọng, người đàn ông đầu dây bên kia cho biết cơ quan điều tra sắp đến bắt tôi đi tù và yêu cầu ra ngân hàng chuyển tiền vào số tài khoản mà chúng gửi để chứng minh tiền hợp pháp. Do được nghe và đọc nhiều thông tin trước đó, tôi không chuyển tiền mà đến CA phường Phú Lợi trình báo sự việc. CA phường đã cùng tôi gọi vào số máy trên để kiểm tra nhưng điện thoại không liên lạc được”, chị N. cho biết.
Mặc dù thời gian qua các cơ quan chức năng liên tục phát đi những cảnh báo về thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo nhưng rất nhiều người vẫn bị “sập bẫy”. Đến khi biết mình bị lừa thì tiền trong tài khoản ngân hàng đã mất sạch. Thiếu tá Lê Tuấn Anh, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự CA TP.Thuận An, cho biết: “Vừa qua trên địa bàn TP.Thuận An có nhiều người dân bị các đối tượng xấu điện thoại lừa đảo, hăm dọa đủ kiểu để chiếm đoạt số tiền lớn. Đối tượng xấu lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết về pháp luật của người dân để thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Người dân nên cảnh giác và hạn chế để lộ thông tin cá nhân của mình trên mạng xã hội”.
Ngày càng xuất hiện nhiều chiêu trò tinh vi
Phương thức lừa đảo phổ biến nhất hiện nay là giả danh cảnh sát giao thông gọi điện thông báo phạt nguội. Chúng liên hệ với nạn nhân để khai thác thông tin cá nhân, sau đó sử dụng các thông tin đó làm giả các lệnh bắt, khởi tố của cơ quan CA để đe dọa nạn nhân. Ngoài ra còn một thủ đoạn khá phổ biến là rủ rê mua hàng sau đó nạp tiền để có thưởng rồi chiếm đoạt. Cụ thể như trường hợp của chị T.T.T, (ngụ xã An Điền, TX.Bến Cát) bị lừa hàng trăm triệu đồng.
Theo trình bày của nạn nhân, khi đang tìm việc làm trên mạng thì chị nhận được thông tin tuyển dụng cộng tác viên “Quản lý đơn hàng”. Chị để lại số điện thoại lập tức có người gọi và yêu cầu cung cấp “Thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng và tên ngân hàng”. Sau khi cung cấp thông tin, chị T. được cấp mã cộng tác viên là “A245”. Khi được gửi link sản phẩm tên Sh., chị T. nhấn vào sản phẩm xong chụp lại màn hình điện thoại gửi lại cho nhân viên, sau đó chị T. thanh toán tiền đơn hàng vào số tài khoản công ty kèm theo ghi chú mã cộng tác viên của mình và chụp màn hình điện thoại số tiền đã thanh toán gửi lại cho nhân viên phụ trách báo lên hệ thống.
Sau 5 - 7 phút hệ thống hoàn lại tiền vốn và trích hoa hồng từ 8 - 10% mỗi đơn hàng cho chị T, cộng với số tiền đã thanh toán sẽ chuyển trả về tài khoản của chị T. Lần lượt như vậy, chị T. mua các sản phẩm từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng đều được chuyển trả lại tiền gốc lẫn tiền hoa hồng rất nhanh. Đến đơn hàng thứ tư tổng số tiền là gần 50 triệu đồng thì có một nhân viên gọi cho chị T. nói “Số tiền chị chuyển khoản thanh toán khá lớn, cộng với số tiền hoa hồng mà bên công ty thanh toán cho chị T. lên tới 70 triệu đồng. Do đó để lấy được tiền và bảo đảm cho việc mua đơn hàng tiếp theo, chị T. phải cọc thêm một khoản tiền bảo đảm là 31 triệu đồng. Để lấy lại số tiền đã chuyển trước đó, chị T. chuyển tiếp tiền khi được yêu cầu. Khi vừa chuyển tiền xong thì chị T. nhận được điện thoại biểu dương và chuyển chị T. lên làm “Nhân viên ưu tú”. Chị T. yêu cầu trả lại tiền thì một nhân viên khác yêu cầu chị T. chuyển thêm 30 triệu đồng nữa để được lên “Nhân viên ưu tú” và được hoàn trả lại hết số tiền đã chi ra. Lần này bên công ty sẽ hỗ trợ 10 triệu đồng, chị T. chỉ cần chuyển 20 triệu đồng còn lại. Vì không đủ tiền để chuyển nữa nên bị hại mượn thêm bạn bè. Khi vừa chuyển tiếp 20 triệu đồng thì một người nhắn tin cho chị thông báo đã bị lừa. Tổng số tiền chị T. bị gạt hơn 100 triệu đồng.
Liên quan đến các vụ việc giả danh cơ quan chức năng để lừa đảo xảy ra trên địa bàn thời gian gần đây, đại diện CA TP.Thủ Dầu Một cho biết có nhiều người dân phản ánh việc nhận được các tin nhắn gửi qua điện thoại với nội dung lệnh truy nã, khởi tố và bắt tạm giam. Tin nhắn nêu rõ thời gian ra quyết định và hành vi bị truy nã; đồng thời yêu cầu người nhận tin nhắn tự giác trình diện.
Theo đại diện CA TP.Thủ Dầu Một, cơ quan chức năng không gửi lệnh truy nã bằng tin nhắn điện thoại. Người dân cần nâng cao cảnh giác, tránh bị kẻ gian lợi dụng để lừa đảo hòng chiếm đoạt tài sản. Theo quy định của pháp luật, quyết định truy nã phải được gửi đến CA xã, phường, thị trấn, CA cấp huyện nơi đăng ký thường trú, tạm trú, nơi ở và quê quán của người bị truy nã và thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân biết, phát hiện, bắt giữ đối tượng bị truy nã chứ không có chuyện gửi qua mạng. CA TP.Thủ Dầu Một khuyến cáo người dân không thực hiện theo yêu cầu từ các tin nhắn có nội dung giả mạo như trên; cần cảnh giác khi nhận cuộc gọi hay tin nhắn hăm dọa từ các số lạ. Bên cạnh đó, cần phải trình báo và hợp tác với cơ quan CA để lật tẩy các thủ đoạn này. (Còn tiếp)
Thượng tá Nguyễn Văn Đông, Phó Trưởng CA TX.Bến Cát cho biết, ngày nay hầu hết các giao dịch, trao đổi đều được đông đảo người dân thực hiện qua điện thoại di động và nó trở thành đích nhắm của rất nhiều chiêu trò lừa đảo. Lợi dụng tâm lý cần việc, các đối tượng lừa đảo tạo ra đường link việc làm, tài khoản để dẫn dụ và nhận tiền, chúng liên tục thúc ép tạo ra những tình huống khẩn cấp để tạo lòng tin và đánh lừa người tìm việc. Chiêu trò nạp tiền của mình vào rồi lấy ra bằng hình thức mua hàng tuy không mới nhưng rất nhiều người vẫn bị lừa. Ngoài ra, khi đăng nhập vào đường link lạ để trả lời các câu hỏi, cung cấp số điện thoại, CCCD, cho mật mã OTP để làm thủ tục giải ngân là đã bị chúng xâm nhập để lấy thông tin và tiền trong tài khoản. “Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa rõ nhân thân và lai lịch của người đó. Đặc biệt không nghe lời của các đối tượng mà chuyển tiền vào các tài khoản được chỉ định. Không bấm vào đường link lạ hoặc thực hiện các yêu cầu thao tác soạn tin nhắn theo cú pháp lạ”, Thượng tá Đông khuyến cáo. |
TÂM TRANG - QUỲNH ANH