Cảnh báo tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa
(BDO) Theo phản ánh của các hiệp hội ngành hàng, hiện nay tình trạng hàng hóa giả mạo xuất xứ ảnh hưởng rất nhiều đến uy tín của doanh nghiệp (DN) trên trường quốc tế. Khi các nước phát hiện tình trạng giả mạo xuất xứ hàng hóa sẽ xử lý bằng những hình thức, quy định của quốc tế, gây ảnh hưởng rất lớn đến DN cũng như uy tín của hàng hóa Việt Nam.
Các doanh nghiệp ngành gỗ lo ngại bị ảnh hưởng khi gian lận thương mại diễn ra tinh vi. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty Gỗ Triệu Phú Lộc, huyện Bắc Tân Uyên
Mời hợp tác lấy xuất xứ Việt Nam
Theo ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), tình trạng sản phẩm gỗ giả mạo xuất xứ hàng Việt Nam để trục lợi thuế khi xuất khẩu sang các nước khác trên thế giới không chỉ gây ra những thiệt hại trực tiếp cho nền kinh tế mà còn ảnh hưởng xấu đến uy tín, thương hiệu ngành gỗ trong nước. Thực tế thời gian vừa qua khiến Việt Nam trở thành chủ thể trong các vụ kiện chống bán phá giá đối với nhiều mặt hàng.
“Đối với mặt hàng gỗ không ghi xuất xứ hàng hóa nhưng được các đối tượng bằng mọi phương thức, thủ đoạn để đưa vào Bình Dương kinh doanh, tiêu thụ. Ngoài ra, các nhóm đối tượng thành lập nhiều công ty với nhiều loại hàng hóa, thiết bị, linh kiện khác nhau, sau đó lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh lấy thương hiệu Made in Vietnam”, ông Nguyễn Liêm phân tích.
Cụ thể như thị trường Mỹ, ngành gỗ của Việt Nam đang phải đối mặt với rủi ro về lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp hiện đang tồn tại trong một số mặt hàng xuất khẩu vào thị trường này. Rủi ro được hình thành khi các mặt hàng này hoặc bộ phận của mặt hàng được nhập khẩu, lắp ráp tại Việt Nam, lấy nhãn mác xuất xứ từ Việt Nam khi không đủ điều kiện để có được chứng nhận xuất xứ theo quy định, nhưng sau đó được xuất khẩu vào Mỹ. Nhiều DN gỗ Bình Dương đã bị ảnh hưởng.
Trên thực tế, khi Việt Nam tham gia ngày càng nhiều hiệp định thương mại tự do, bên cạnh lợi ích mang lại, những chiêu thức gian lận xuất xứ cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Một số nhóm đối tượng sản xuất hàng hóa ở nước ngoài cũng đã lợi dụng đưa hàng hóa vào Việt Nam, gian lận xuất xứ hàng Việt để xuất khẩu, hưởng ưu đãi thuế dành cho nước thành viên của các hiệp định.
Ông Phạm Văn Xô, Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu tỉnh, cho biết đáng lo ngại là hiện nay tình trạng hàng hóa có xuất xứ từ nước ngoài chuyển tải qua Việt Nam để hợp thức hóa hồ sơ hoặc xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ sau đó xuất khẩu sang nước thứ ba. Với hàng loạt chiêu thức của các đối tượng, gian lận xuất xứ hàng hóa, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ khiến cho công tác phát hiện, đấu tranh càng trở nên khó khăn hơn. “Tôi đã nhận được những lời mời về việc hợp tác để thành lập công ty lắp ráp các mặt hàng đã sản xuất sẵn từ nước ngoài, lấy thương hiệu Việt Nam. Một số thành viên trong hiệp hội xuất nhập khẩu cũng nhận được lời mời hợp tác như vậy. Tuy nhiên, chúng tôi hiểu được những nguy cơ từ việc mời gọi hợp tác này và từ chối thẳng thừng. Hành vi gian lận này đã khiến nhiều ngành sản xuất trong nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, ông Phạm Văn Xô cho biết.
Cần có biện pháp bảo vệ doanh nghiệp
Ông Phạm Văn Xô kiến nghị các cấp, ngành thời gian tới cần chủ động nghiên cứu biện pháp về phòng vệ thương mại để tăng cường bảo vệ sản xuất và thị trường trong nước trước yêu cầu hội nhập quốc tế. Đặc biệt hiện nay gian lận thương mại có biểu hiện tinh vi hơn.
Ông Nguyễn Liêm chia sẻ Việt Nam đã ký rất nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương, đã có luật đầu tư nước ngoài, vì vậy, tất cả mọi biện pháp kỹ thuật hạn chế đầu tư nước ngoài nhằm mượn xuất xứ gỗ Việt Nam đều phải dựa trên luật pháp và các cam kết quốc tế mà chúng ta đã ký kết. Hiện nay, các nước trên thế giới hạn chế gian lận thương mại bằng cách yêu cầu chứng minh chuỗi cung ứng, một công ty xuất khẩu sản phẩm phải chứng minh được mình nằm trong chuỗi cung ứng của sản phẩm đó. Nếu không, chắc chắn công ty đó gian lận xuất xứ. Việt Nam cần phải làm như vậy mới có thể tránh được việc các công ty đầu tư nước ngoài chen ngang sản phẩm và mượn xuất xứ Việt Nam. Để làm được điều này, cần phải kiểm soát cả đầu ra và đầu vào, kể cả các DN trong nước.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề hàng hóa nước ngoài xuất vào Việt Nam để xuất sang nước thứ ba nhằm hưởng lợi thuế và những lợi ích khác, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, cho biết: “Bình Dương với hơn 85% DN hoạt động ở loại hình gia công, sản xuất, xuất khẩu được hưởng các quy định về miễn thuế nên luôn tiềm ẩn nguy cơ về gian lận thương mại. Hiện nay chúng tôi tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan, chủ động rà soát những bất cập về chính sách để đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật, không để các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm. Cùng với đó chú trọng công tác tự đào tạo, nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm soát hải quan để bảo đảm thực thi hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh”.
TIỂU MY