Cảnh báo tình trạng bạo lực học đường!
Thời gian gần đây, tình trạng bạo lực học đường xảy ra ở một số địa phương trong cả nước đã khiến cho những người làm công tác giáo dục lo lắng, khi mà đạo đức của một số học sinh (HS) bị xuống cấp. Tiếc thay, những trường hợp trên đều rơi vào HS nữ.
(BDO)
Tổ chức các hoạt động tập thể, giúp HS đoàn kết, gắn bó nhau hơn. Trong ảnh: Trường Tiểu học Vĩnh Hòa A (Phú Giáo) tổ chức trò chơi dân gian cho HS Ảnh: H.THÁI
Trường hợp mới đây nhất là một nữ sinh lớp 7 ở tỉnh Trà Vinh bị bạn đánh hội đồng. Xem đoạn video clip, người xem vô cùng phẫn nộ và không tin vào mắt mình khi nạn nhân bị chính những người bạn học đánh dã man mà không có một lý do gì. Đau lòng hơn, người cầm đầu lại là lớp trưởng của em. Vụ việc này chưa lắng dịu thì thêm một trường hợp nữ sinh lớp 9 ở tỉnh Hậu Giang bị bạn đánh ngất xỉu. Điều khiến cho mọi người bất bình là những người chứng kiến vụ việc không có hành động can ngăn, mà còn cổ vũ cho việc làm thiếu đạo đức này.
Qua 2 trường hợp trên cho thấy, vấn đề giáo dục đạo đức cho HS hiện nay đang được sự quan tâm của xã hội, nhà trường và gia đình. Ở Bình Dương, may mắn là thời gian qua chưa xảy ra trường hợp bạo lực học đường nghiêm trọng. Nhưng thực tế có lúc, có nơi vẫn có tình trạng HS đánh nhau do mâu thuẫn cá nhân. Ngay cả ở trường tiểu học cũng có tình trạng những HS là ban cán sự lớp bắt nạt các bạn, như bắt chép bài và sai vặt. Thiết nghĩ, giáo viên chủ nhiệm cần sâu sát HS, sớm phát hiện để kịp thời chấn chỉnh những trường hợp như vậy.
Có thể nói, đạo đức của một bộ phận HS bị xuống cấp do nhiều yếu tố như: Ảnh hưởng từ văn hóa nước ngoài, cha mẹ sống không gương mẫu, ở một số nơi tệ nạn xã hội xâm nhập vào học trường… ở trường học, chương trình học nặng nề, quá tải, dẫn đến nặng về dạy chữ, nhẹ về dạy người, nên việc giáo dục đạo đức cho HS chỉ mới được thực hiện trên lý thuyết. Thực tế các trường phổ thông có cố gắng giáo dục kỹ năng sống cho HS, nhưng vẫn còn ít. Cô Nguyễn Thị Mỹ Thương, trường THPT Dĩ An nói, sự thiếu hụt trong nhận thức đạo đức của HS vừa là hậu quả, vừa thể hiện vấn đề lớn: HS hiện nay không được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết để ứng phó thích đáng với các biến cố đến từ những yếu tố bên ngoài, cũng như các biến động xuất phát từ chính tâm sinh lý của các em.
HS Bảo Châu, trường THCS Phú Hòa (TP.TDM) nhìn nhận: HS ngày nay tiếp xúc với phim ảnh bạo lực, phim tình cảm yêu đương nhăng nhít. Mặt khác, cuộc sống khá lên, nữ sinh có điều kiện chưng diện, se sua, ganh tỵ nhau, dẫn đến mâu thuẫn và đánh nhau. Thêm nữa, ngày xưa các gia đình sống nhiều thế hệ, ông bà cùng dạy dỗ con cháu, còn bây giờ con cái thường ra riêng, nhưng họ chỉ lo làm ăn không quan tâm đến con em, phó mặc việc giáo dục cho nhà trường. Từ chỗ thiếu tình cảm và sự giáo dục từ gia đình, HS dẫn đến hư hỏng.
Đề cập đến vấn đề này, ông Tạ Tấn Tuấn, Phó phòng GD-ĐT huyện Dầu Tiếng nói, giáo dục đạo đức cho HS là giáo dục lòng trung thành đối với Đảng, hiếu với dân, yêu quê hương đất nước, có lòng vị tha, nhân ái. Hoạt động này gắn chặt với giáo dục tư tưởng - chính trị, giáo dục truyền thống và giáo dục bản sắc văn hóa dân tộc, giáo dục pháp luật Nhà nước XHCN, cung cấp cho HS những phương thức ứng xử đúng trước vấn đề của xã hội… giúp cho các em có khả năng tự kiểm soát được hành vi của bản thân một cách tự giác, có khả năng chống lại những biểu hiện lệch lạc về lối sống.
Chú trọng dạy làm người trước khi dạy chữ, trong nhà trường, vai trò của giáo viên chủ nhiệm hết sức quan trọng. Người thầy có trách nhiệm với học trò cần theo sát HS, để tâm đến những em có cá tính. Thương yêu học trò, cô Hà Thị Hồng, trường THCS Định Hòa (TP.TDM) quan tâm giúp đỡ HS yếu kém, tạo ra môi trường thân thiện ở trường, ở lớp; ân cần, dịu dàng, lắng nghe tâm sự của HS, công bằng với tất cả HS; giúp HS nhận thấy mình có giá trị, có khả năng, mọi người yêu quý, tôn trọng và tin tưởng mình…
Ông Lê Nhật Nam, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo:
Việc giáo dục đạo đức cho HS cần có sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Đối với nhà trường cần tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho HS bằng nhiều hình thức. Tổ chức các hoạt động văn hóa - thể thao, tạo sự đoàn kết, gắn bó giữa HS với nhau. Gia đình là nền tảng hình thành nhân cách của con em, do đó mỗi gia đình cần xây dựng chuẩn mực đạo đức, coi trọng các giá trị truyền thống. Về phía xã hội giáo dục cho HS bằng những ứng xử giữa con người với con người, bằng sự tuân thủ đối với pháp luật.
HỒNG THÁI