Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo qua mạng
(BDO) Ngày nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, sự ra đời của các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Skype… đã giúp người dùng dễ dàng kết nối được với nhau một cách nhanh chóng, thuận tiện. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, nhiều đối tượng đã lợi dụng các trang mạng xã hội để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự (ANTT) và đời sống người dân.
Hiện nay, với thủ đoạn tinh vi là lợi dụng các trang mạng xã hội để thực hiện hành vi lừa đảo, các đối tượng đã lập nên các trang bán hàng với giá rẻ, khuyến mãi cực lớn so với các cửa hàng truyền thống, uy tín nhằm đánh vào tâm lý mua hàng giá rẻ của người tiêu dùng. Sau khi được người mua hàng chuyển khoản trước một số tiền, các đối tượng này không chuyển hàng hoặc chuyển hàng chất lượng không như cam kết ban đầu. Đến khi khách hàng nhận được hàng kém chất lượng hoặc không nhận được hàng thì liên hệ bằng điện thoại hay qua mạng xã hội với các chủ hàng này đều không được. Tiền mất, tật mang nhưng không biết phải làm sao vì không biết các đối tượng lừa đảo là ai, ở đâu?
Theo đại tá Trương Tấn Dũng, Trưởng phòng An ninh kinh tế Công an Bình Dương, thì “Phương thức thủ đoạn của các đối tượng này là lợi dụng mạng internet, mạng viễn thông, các hệ thống giao dịch trực tuyến của các ngân hàng và lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của người bị hại để chiếm đoạt tài sản”.
Một thủ đoạn khác của hành vi lừa đảo qua mạng là kết bạn làm quen, hứa hẹn kết hôn, gửi tặng tiền, quà có giá trị cao từ nước ngoài về. Kịch bản đã chuẩn bị sẵn, khi chiếm được lòng tin từ người bị hại, các đối tượng tiếp tục giả danh nhân viên hải quan, bưu điện yêu cầu bị hại chuyển tiền để áp các loại phí để được nhận quà. Khi bị hại tin tưởng chuyển tiền vào số tài khoản mà các đối tượng yêu cầu thì các đối tượng này nhanh chóng rút hết tiền và cắt liên lạc.
Đại tá Trương Tấn Dũng cho biết thêm: “Các đối tượng này thu thập thông tin của người bị hại rồi xây dựng kịch bản, tạo áp lực là những người này đang có liên quan tới những khoản tiền, hàng ở nước ngoài gửi về, bị các cơ quan chức năng phát hiện, buộc những người này phải đóng những khoản tiền để bảo toàn số tiền của mình hoặc là phải đóng tiền để nhận được quà biếu, các món hàng từ nước ngoài gửi về cho mình”.
Chỉ tính riêng trong năm 2018, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 12 vụ lừa đảo qua mạng viễn thông, 9 vụ lừa đảo qua mạng xã hội, gây thiệt hại hơn 14,7 tỷ đồng. Trước tình hình trên, lực lượng Công an tỉnh đã chủ động triển khai nhiều biện pháp, phương án phòng ngừa; phối hợp với các tổ chức tín dụng, ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn 2 trường hợp người dân bị lừa đảo số tiền hơn 600 triệu đồng.
Ông Dương Chí Linh, Giám đốc Ngân hàng Bản Việt - Chi nhánh Bình Dương, cho biết: “Chúng tôi đã hướng dẫn cho các bạn giao dịch viên, khi khách hàng đến giao dịch gửi tiền mà có những biểu hiện lạ như là họ tỏ ra rất bí mật hay yêu cầu tiến hành xử lý giao dịch cho nhanh, đồng thời có hình thức là rút tiền trước hạn không cần quan tâm đến tiền lãi... thì những giao dịch viên nên tư vấn, tìm hiểu, trấn an khách hàng, đồng thời thông báo cho cơ quan công an để hỗ trợ xử lý”.
Với các thủ đoạn sử dụng công nghệ, mạng internet tinh vi nên công tác điều tra khám phá án tỷ lệ chưa cao. Để tránh bị lừa, mọi người dân phải hết sức cảnh giác để không rơi vào cạm bẫy của đối tượng.
Đại tá Trương Tấn Dũng cảnh báo: “Trong quá trình sử dụng các mạng xã hội người dân nên có ý thức bảo mật thông tin cá nhân. Trong quá trình làm quen, kết bạn, giao dịch nên thường xuyên có biện pháp bảo mật; trước khi giao dịch cần kiểm tra lại thông tin của đối tác khi chuyển tiền để tránh bị lừa đảo”.
NGỌC HÀ