Cảnh báo rủi ro kinh doanh vàng
Từ đầu năm nay, giá vàng lao dốc đã trở thành mối quan tâm của dư luận, từ Hội đồng Vàng Thế giới, đến các quỹ đầu tư vàng và nhà đầu tư, đặc biệt khi giá vàng giảm so với tất cả các đồng tiền trên thế giới.
Trong phiên giao dịch ngày 16-4, giá vàng tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1980, giá dầu lao dốc do lo ngại kinh tế Trung Quốc tăng chậm dẫn đến làn sóng bán tháo vàng trong suốt 3 ngày qua. Cho tới nay, vẫn tồn tại hai luồng ý kiến trái chiều về các yếu tố tác động đến thị trường vàng và giá vàng trong thời gian tới.
Hai luồng ý kiến trái chiều
Một số ý kiến cho rằng, chính sách tiền tệ nới lỏng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ dẫn đến lạm phát và tăng nhu cầu về vàng.
Thị trường vàng đang đối mặt với làn sóng bán tháo mạnh mẽ Hiện nay, bảng cân đối tài sản của FED, BoJ và ECB tăng trên 2 lần so với thời điểm trước khủng hoảng 2007, nhưng các ngân hàng trung ương này và nhiều ngân hàng trung ương khác sẽ tiếp tục bơm thêm tiền vào lưu thông để thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế, nên lạm phát tăng cao, hỗ trợ vàng tăng giá.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư đã thay đổi theo hướng chuyển sang lĩnh vực kinh doanh khác và không còn quan tâm đến vàng. Do vàng là thị trường nhỏ và bị chi phối bởi các nhà đầu cơ, nên hầu hết các nhà đầu tư không chuyên nghiệp đều thua lỗ nặng nề do sự lên xuống theo chiều hướng tăng của giá vàng đã khiến nhiều người “hoa mắt, nuối tiếc” và sốt ruột nhảy vào thị trường này. Vì thế, vàng rất khó duy trì được vai trò như những năm qua.
Theo nhận định của giới chuyên gia, vàng đã hoàn toàn mất động lượng, khi làn sóng bán tháo đang chi phối thị trường. Những phiên gần đây, tình trạng thao túng giá vàng do các tổ chức tài chính hàng đầu tiến hành thông qua các động thái can thiệp trên thị trường vàng như bán cổ phiếu, bán vàng, tạo ra làn sóng bán tháo vàng, khiến giá vàng giảm sâu để mua vào nhằm đầu cơ trục lợi.
Sự xuất hiện của các quĩ đầu tư tín thác vàng (ETF) thực chất là không có vàng thật mà chỉ kinh doanh khống, khi giao dịch bán ra quá lớn hoặc nhu cầu mua vàng yếu ớt sẽ tự động đẩy vàng vật chất giảm giá. Một khi vàng sụt giá xuống quá mức (mất giá quá 20%) sẽ dẫn đến rủi ro “bùng nổ xu hướng cắt lỗ” và các nhà đầu tư sẽ bán vàng ồ ạt. Vàng càng giảm giá, tâm lý cắt lỗ càng chi phối, tạo ra hiệu ứng đô-mi-nô.
Thực tế, thời gian qua, giá vàng xuống thấp hơn dự báo của các tổ chức tài chính hàng đầu như Goldman Sachs, Citibank. Năm 2012, giá vàng dừng ở mức 1.700 USD/oz, thấp hơn dự báo 2.400 USD/oz do Citibank đưa ra. Gần đây, Goldman Sachs đã hạ dự báo giá vàng trong thời gian tới, trong khi nhiều dự báo vẫn đưa ra giá vàng 1.800-1.900 USD/oz trong năm 2013-2014. Sự chênh lệch quá cao giữa các dự báo về giá vàng so với giá vàng thực tế dẫn đến sự mất lòng tin vào các thông tin dự báo, và nhiều người cho rằng vàng sẽ giảm sâu hơn dự báo, thậm chí các tổ chức tài chính lớn đều dự báo giá vàng năm 2013 sẽ giảm, có thể xuống dưới 1.200 USD/oz.
Thêm vào đó, khi vàng mất uy tín trong năm 2012, lòng tin của các nhà đầu tư bị suy giảm, kết cục tất yếu là vàng mất giá, dẫn đến sự hoảng loạn, thậm chí đẩy giá vàng giảm sâu hơn.
Diễn biến thực tế trên thị trường
Trong phiên giao dịch ngày 15-4, giá vàng thế giới đóng cửa ở mức 1.361,10 USD/oz, giảm 9,3% sau khi tuột 5% vào ngày 12/4 (thứ sáu tuần trước), thậm chí có lúc giảm xuống 1.329,90 USD/oz (mất 11,34%), ghi nhận những mức giá thấp nhất kể từ năm 1980.
Ngày 15-4, chỉ số hàng hoá S&P GSCI giảm xuống mức thấp nhất sau khi giá vàng giao tháng 6 giảm xuống 1.348,5 USD/oz, mức thấp nhất kể từ năm 2010. Giá dầu tại New York giảm 2,8% xuống 88,71 USD/oz, mức thấp nhất trong năm 2013; giá đồng giảm xuống 3,273 USD/pound, mức thấp nhất kể từ tháng 10-2011.
Tại thị trường chứng khoán Chicago, ngày 15-4, chỉ số ETF của các quĩ đầu tư tín thác vàng cho biết, chi phí giao dịch quyền chọn vàng tăng 62% lên 34,48 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 10-2011. Giá vàng giao tháng 6 có thể giảm xuống 1.310 USD/oz do lạm phát bị đẩy lùi và FED sẽ sớm chấm dứt chương trình nới lỏng định lượng lần thứ ba này (QE3). Giá vàng giảm làm tăng thêm đồn đoán, một số nhà đầu tư bán vàng để thu tiền mặt nhằm duy trì vị thế tương thích với tiền vay.
Goldman Sachs tiếp tục hạ dự báo giá vàng 3 tháng xuống 1.530 USD/oz từ 1.615 USD/oz theo dự báo đưa ra ngày 25-2 vừa qua, và giá vàng năm 2013 giảm xuống 1.390 USD/oz từ 1.550 USD/oz. Theo ghi nhận của Societe Generale SA, tài sản của SPDR Gold Trust (quĩ đầu tư tín thác vàng lớn nhất thế giới) giảm xuống còn 1.158,6 tấn vàng vào ngày 2-4, mức thấp nhất kể từ tháng 4-2010.
Tuy nhiên, yếu tố chi phối lớn nhất là kinh tế quí I-2013 của Trung Quốc chỉ tăng 7,7% so cùng kỳ năm trước, thấp hơn mục tiêu đề ra là 8%/năm. Tăng trưởng thấp cho thấy, nhu cầu của thế giới về hàng hóa nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc đang giảm rõ rệt, làm giảm nhu cầu về các loại nguyên nhiên liệu đầu vào trên phạm vi toàn cầu. Trong bối cảnh đó, các nhà đầu tư bắt đầu có xu hướng bán vàng để đầu tư vào sản xuất kinh doanh hàng hóa thực.
Theo TTXVN