Cảnh báo: Nhiều người sa sút trí tuệ sớm do phụ thuộc vào công nghệ

Thứ ba, ngày 11/10/2022

(BDO)

Kiểm tra chức năng vận động của người cao tuổi.

Sa sút trí tuệ trước kia chủ yếu gặp ở người già, tuy nhiên trong cuộc sống hiện đại, con người dường như phụ thuộc nhiều hơn vào các thiết bị công nghệ như: Điện thoại, máy tính, tivi cùng với lối sống ít vận động nên hội chứng này gặp ở người trẻ và đối tượng trung niên ngày càng phổ biến.

Thông tin trên được Phó giáo sư Nguyễn Trọng Lưu - Phó chủ tịch Hội phục hồi chức năng Việt Nam cho biết tại Hội thảo khoa học Phương pháp phòng ngừa suy giảm vận động và sa sút trí tuệ ở người cao tuổi tổ chức ngày 11/10, tại Hà Nội.

Việt Nam có hơn 500.000 người bị sa sút trí tuệ

Phó giáo sư Nguyễn Trọng Lưu phân tích thống kê của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy khoảng 7% người trên 60 tuổi bị sa sút trí tuệ. Số người mắc chứng sa sút trí tuệ được dự báo sẽ tiếp tục tăng, phần lớn đến từ các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Tại Việt Nam, ước tính có hơn 500.000 người bị sa sút trí tuệ. Hội chứng có thể gặp trong nhiều bệnh khác nhau, trong đó phổ biến nhất là bệnh Alzheimer (chiếm 60-80% tổng số các bệnh nhân sa sút trí tuệ). Đặc biệt, hội chứng này gần đây xuất hiện nhiều ở người trẻ có thể trạng sau bệnh lý về não hay đột quỵ. Hội chứng này gây ảnh hưởng đến trí nhớ, suy nghĩ, định hướng, năng lực học tập, ngôn ngữ, khả năng hiểu, tính toán và phán đoán nhưng ý thức không bị ảnh hưởng.

Theo Phó giáo sư Lưu, dù tuổi tác là yếu tố nguy cơ cao nhất đối với căn bệnh sa sút trí tuệ nhưng với vòng quay của cuộc sống hiện đại, sa sút trí tuệ không còn là hội chứng của riêng người già mà nhiều người trẻ và đối tượng trung niên. Nguyên nhân là do việc lười vận động, lười tư duy, giảm giao tiếp trong xã hội do cuộc sống gắn bó quá nhiều với công nghệ và tình trạng nghiện thuốc, bia rượu… thói quen lạm dụng thuốc cũng là nguyên nhân dễ dẫn tới tình trạng sa sút trí tuệ sớm.

“Dù chúng ta thường xuyên giao tiếp nhưng đó là sự tương tác tĩnh với môi trường không có thực, có thể tiếp nhận mà không diễn đạt bằng lời. Việc lạm dụng chất kích thích bia rượu làm ức chế thường xuyên, lâu dài dẫn tới suy giảm nhận thức, ghi nhớ, tương tác, giao tiếp… trì trệ dẫn tới thoái hoá thần kinh sớm, cuối cùng sa sút trí tuệ,” Phó giáo sư Nguyễn Trọng Lưu chỉ rõ.

Đặc biệt, những áp lực về công việc, căng thẳng, không đáp ứng được, trở nên trì trệ, không tương tác, thậm chí trầm cảm, những điều này có thể dẫn tới nguy cơ sa sút trí tuệ. Ngoài ra, những yếu tố nguy cơ gây sa sút trí tuệ còn có thể do đột quỵ ở người trẻ ngày càng tăng, tình trạng béo phì và tăng huyết áp; gia tăng mắc đái tháo đường, tăng mỡ máu…

Thường xuyên luyện tập thể dục

Cũng theo Phó giáo sư Lưu, sa sút trí tuệ khiến người bệnh không thể thực hiện hành vi hoặc tự sinh hoạt. Nghiêm trọng hơn, các biến chứng của bệnh còn có thể dẫn đến suy nhược cơ thể, nhiễm trùng và thậm chí tử vong. Do đó, sa sút trí tuệ không nên được xem là một dạng suy giảm trí nhớ thông thường, người dân nên đi thăm khám, tầm soát để phát hiện bệnh sớm và quản lý triệu chứng, điều trị các bệnh là nguyên nhân gây sa sút trí tuệ.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhất là sau đại dịch COVID bùng phát mạnh mẽ vào năm 2020, 2021, việc cách ly, hạn chế đi lại và giao tiếp có tác động tiêu cực đến khả năng vận động, tương tác của con người, trong đó hai đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất là trẻ em và người cao tuổi.

Bác sĩ Mori Tsuyoshi - Chủ tịch Hiệp hội Day Service Nhật Bản cho hay nghiên cứu của đơn vị này năm 2020 đã chỉ ra các chức năng cơ thể và tinh thần của con người sẽ suy giảm nếu không được sử dụng. Và, sự suy giảm đó diễn ra với tốc độ vượt xa sức tưởng tượng của chúng ta. Đơn cử như một người khoẻ mạnh nếu nằm suốt trên giường sẽ giảm 20% sức cơ của chi dưới sau tuần đầu tiên, 40% sau tuần thứ hai và 60% sau tuần thứ ba. Sự suy giảm chức năng do không sử dụng xảy ra ở nhiều bộ phận trong cơ thể như cơ xương, xương khớp, da, tim, cơ quan hô hấp, tiêu hoá, tiết niệu. Cơ bắp bị teo và yếu cơ, các khớp bị và da bị loét này được gọi là “hội chứng khiếm dụng.”

Đặc biệt đối với những người cao tuổi, từ không vận động có thể rơi vào trạng thái không đứng dậy được, không đi được lúc nào không biết.

Khi rơi vào hội chứng khiếm dụng, cuộc sống càng trở nên thiếu hoạt động do việc đi lại trở nên khó khăn. Hội chứng trầm trọng hơn khi tình trạng chậm chạp, yếu cơ tiến triển và khả năng đi bộ suy giảm hơn nữa đồng thời, những suy giảm chức năng vật lý khác cũng bộc lộ rõ ràng và những suy giảm chức năng thần kinh như giảm động lực xuất hiện. Kết quả là, cuộc sống ngày càng trở nên thiếu hoạt động, dẫn đến một vòng suy thoát cuối cùng phải nằm liệt giường.

Theo bác sĩ Mori Tsuyoshi, những người đó phải mất vài ngày đến một tuần để phục hồi từ tình trạng suy giảm chức năng do nghỉ ngơi một ngày, và mất hơn một tháng để phục hồi sau tình trạng suy giảm chức năng do nghỉ ngơi một tuần. Đặc biệt ở người cao tuổi rất dễ xảy ra hội chứng chán nản, một khi đã xảy ra thì thời gian phục hồi lâu hơn so với người trẻ, cực kỳ khó hồi phục về trạng thái ban đầu. Suy giảm vận động và sa sút trí tuệ vừa là nguyên nhân, vừa là hệ quả của hội chứng khiếm dụng và theo thời gian tạo thành một vòng suy thoái.

Để phòng ngừa sa sút trí tuệ, Phó giáo sư Nguyễn Trọng Lưu khuyến cáo người cao tuổi cần thường xuyên hoạt động trí não như đọc sách báo, tham gia các buổi sinh hoạt cộng đồng. Với người cao tuổi phải thường xuyên luyện tập thể dục đều đặn, nhẹ nhàng..., giữ tinh thần luôn lạc quan, vui vẻ, tránh sử dụng các chất kích thích như rượu bia, ma túy.

Mỗi người cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ và cần được thăm khám sớm khi có các triệu chứng. Khi sử dụng các thuốc bổ não, dưỡng não cần có sự chỉ định và tư vấn của các chuyên gia y tế.

Theo TTXVN

Từ khóa: