Cảnh báo nguy cơ cháy, nổ trong cao điểm mùa khô

Thứ bảy, ngày 03/03/2018

(BDO) Bước vào cao điểm mùa khô, trên địa bàn tỉnh đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy gây thiệt hại nhiều tỷ đồng. Hậu quả của các vụ cháy để lại là không nhỏ và là lời cảnh báo cho tất cả mọi người.

Mùa khô và nỗi lo cháy nổ!

Liên tiếp từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ cháy ở khu dân cư, bãi phế liệu và cơ sở sản xuất. Các vụ cháy tuy chưa gây thiệt hại nhiều về người, nhưng gây thiệt hại về tài sản cũng như gây lo lắng cho người dân khi bước vào cao điểm mùa khô 2 018.

Lực lượng Cảnh sát PCCC tỉnh Bình Dương đang nỗ lực chữa cháy tại Công ty Hải Hùng Phát hôm 27-2 

Đến nay, nhiều người dân ở phường Bình Chuẩn vẫn còn nhớ vụ cháy cạnh trường mầm non khiến nhiều người dân và phụ huynh vẫn còn lo sợ. Sáng 8-1, ngọn lửa bất ngờ bùng phát tại bãi phế liệu của xưởng gia công đế giày, dép rộng hàng trăm mét vuông trên đường Lê Thị Trung, KP.Bình Phước A, phường Bình Chuẩn, TX.Thuận An. Chỉ ít phút sau khi xảy ra cháy, ngọn lửa cháy lan sang trường mầm non bên cạnh khiến cho hàng chục trẻ hoảng loạn, các giáo viên cùng người dân xung quanh đã hỗ trợ bế các em thoát ra ngoài. Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy (PCCC) tỉnh Bình Dương đã huy động gần chục xe chữa cháy cùng hơn 100 cán bộ, chiến sĩ có mặt tại hiện trường triển khai công tác dập lửa. Tuy nhiên, do thời tiết khô nóng, khu vực cháy chứa nhiều tấn phế liệu nhựa dễ cháy nên đã gây khó khăn cho công tác chữa cháy, ngọn lửa cháy lan thiêu rụi trường mầm non và một trung tâm dạy ngoại ngữ.

Sáng 11-2, khi mọi người chuẩn bị nghỉ tết, đón năm mới thì “bà hỏa” đã “viếng” trụ sở Công ty Bảo hiểm Pjico Bình Dương, trên đường Lê Hồng Phong, TP.Thủ Dầu Một. Vụ cháy kéo dài hơn một giờ khiến nhiều tài sản, giấy tờ quan trọng của công ty bị thiêu rụi. Đáng nói, cơ quan chức năng và lãnh đạo tỉnh từng nhắc nhở tại hội nghị tổng kết công tác phòng cháy chữa cháy về nguy cơ và những thiệt hại khó lường trước trong việc sử dụng cửa cuốn, đặc biệt cửa dùng cuốn điện. Trong vụ cháy này, khi hai nhân viên bảo vệ phát hiện hỏa hoạn thì cửa cuốn cổng không thể mở do mất điện, buộc lực lượng chữa cháy phải phá cửa để lực lượng tiếp cận vào bên trong chữa cháy.

Một trong hai vụ cháy xảy ra gần đây nhất tại TX.Thuận An cũng đã thiêu rụi hai nhà xưởng rộng hàng ngàn mét vuông cùng nhiều máy móc, thiết bị, nguyên liệu thành phẩm trị giá nhiều tỷ đồng. Trước đó vào khoảng 22 giờ tối 27-2, hỏa hoạn đã xảy ra tại Công ty TNHH Hải Hùng Phát (KP.Bình Thuận 2, phường Thuận Giao, TX.Thuận An). Một số công nhân cho biết, vào thời điểm trên, trong lúc nhóm công nhân đang làm việc tại khu vực lò sấy mùn cưa để làm viên nén gỗ thì bất ngờ lò sấy bị nổ, bắn nhiều tia lửa. Nhóm công nhân hoảng loạn tháo chạy, ngay sau đó mọi người đã lấy bình chữa cháy, vòi nước xịt dập lửa nhưng bất thành. Chỉ ít phút sau khi xảy ra cháy, ngọn lửa cháy lan rất nhanh trên diện tích rộng. Rất may nhiều thiết bị, xe nâng, bình khí nén, hóa chất có nguy cơ cháy nổ đã được lực lượng tại chỗ đưa ra ngoài an toàn trước khi ngọn lửa bao trùm toàn khu vực nhà xưởng.

Nhận được tin báo cháy, lực lượng Cảnh sát PCCC Bình Dương đã điều động gần 10 xe chữa cháy và gần 100 cán bộ, chiến sĩ tham gia chữa cháy. Tuy nhiên, do khu vực chứa nhiều nguyên liệu mùn cưa, hóa chất nên đã gây khó khăn cho công tác chữa cháy. Nguyên nhân và thiệt hại vụ cháy vẫn đang được điều tra.

Trước đó, khoảng 9 giờ sáng 25-2, một tiếng nổ lớn phát ra từ xưởng sơn gỗ thuộc Công ty Minh Nghệ Bình Dương (tọa lạc tại KP.Bình Thuận 2, P.Thuận Giao, TX.Thuận An), tiếp sau đó ngọn lửa bùng cháy dữ dội lan rộng toàn bộ nhà xưởng rộng khoảng 1.000m2 . Vụ việc tuy không gây thiệt hại về người nhưng ước tính thiệt hại tài sản bị lửa thiêu rụi lên đến nhiều tỷ đồng.

Cần chủ động phòng chống cháy, nổ trong mùa khô

Trao đổi với chúng tôi, trung tá Nguyễn Thanh Điệp, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC Bình Dương, cho biết từ đầu năm đến nay tình hình cháy, nổ diễn biến phức tạp. Qua thống kê đánh giá, nguyên nhân chủ yếu các vụ cháy là do sự cố trong sử dụng điện, người dân không quản lý chặt chẽ khi sử dụng các nguồn nhiệt như thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã… ý thức, trách nhiệm của người dân trong thực hiện công tác PCCC không đầy đủ, vi phạm các quy định an toàn PCCC…

Cũng theo trung tá Nguyễn Thanh Điệp, hiện nay thời tiết đang bước vào mùa hanh khô với diễn biến bất thường, đây là thời điểm tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao. Vì vậy, để bảo đảm an toàn PCCC, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy xảy ra cũng như thiệt hại do cháy gây ra, người dân cần quan tâm thực hiện các biện pháp PCCC như: Không để hàng hóa, chất dễ cháy ở nơi đun nấu; không dự trữ xăng, dầu, khí đốt và các chất lỏng dễ cháy trong nhà. Ô tô, xe máy và các phương tiện, máy móc có sử dụng xăng dầu, chất lỏng dễ cháy để trong nhà phải bảo đảm kín (không để rò rỉ), cách xa bếp đun nấu, nguồn sinh nhiệt. Hạn chế sử dụng gỗ, tấm nhựa, mút xốp và các vật liệu dễ cháy để ốp tường, trần, vách ngăn nhằm ngăn ngừa cháy lan. Bên cạnh đó phải lắp thiết bị tự ngắt (Aptomat) cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng tầng, từng nhánh và từng thiết bị tiêu thụ điện công suất lớn. Không để hàng hóa dễ cháy gần bóng điện, ổ cắm, cầu dao, chấn lưu đèn neon.

Riêng trong việc sử các thiết bị điện, gia dụng như sử dụng bàn ủi, bếp điện, lò sấy phải có người trông coi, không để trẻ nhỏ, người già mắt kém, người bị tàn tật, người bị tâm thần sử dụng các thiết bị điện. Cần bố trí tường phía đặt bàn thờ, trần phía trên bàn thờ phải bằng vật liệu không cháy. Đèn, hương, nến phải đặt chắc chắn trên các vật không cháy, cách xa vật dễ cháy, hạn chế tối đa vàng mã, hương, nến để trên bàn thờ. Khi đốt vàng mã phải trông coi, có che chắn tránh cháy lan hoặc bị gió cuốn tàn lửa gây cháy lan.

Một số biện pháp đề phòng cháy, nổ

Dưới đây là một số biện pháp đề phòng các sự cố cháy trong sinh hoạt, mọi người dân cần chú ý để thực hiện nhằm phòng tránh các sự cố gây cháy có thể xảy ra.

- Nơi đun nấu phải có vách ngăn bằng vật liệu không cháy. Nếu dùng bếp gas phải có biện pháp chống chuột cắn thủng ống dẫn gas, khi đun nấu xong phải tắt bếp và khóa van đầu bình gas. Khi đun nấu phải có người trông coi.

- Trước khi đi ra khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện khi không cần thiết.

- Không lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can nhà cao tầng. Trường hợp đã lắp thì có cửa chốt trong và không được khóa. Chuẩn bị sẵn thang, thang dây để thoát nạn khi cháy xảy ra.

- Quy định nơi để chìa khóa dễ thấy, dễ lấy. Khi ngủ không được khóa trái cửa bên trong. Trường hợp có khóa cửa bên trong thì phải bố trí chìa khóa dự phòng gần giường ngủ.

- Nhà có trẻ em, người già, người tàn tật thì phải có biện pháp thoát nạn, cứu người phù hợp và không được khóa cửa bên trong phòng.

- Mỗi gia đình nên có dự kiến các tình huống thoát nạn khi có cháy xảy ra. Trang bị dụng cụ trữ nước, xô, thùng xách nước để vừa phục vụ sinh hoạt, vừa phục vụ chữa cháy; trang bị bình chữa cháy xách tay và mọi người trong gia đình phải được hướng dẫn và biết cách sử dụng thành thạo các dụng cụ, phương tiện chữa cháy đã được trang bị.

- Khi xảy ra cháy tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho mọi người xung quanh biết, gọi điện thoại cho Cảnh sát PCCC theo số 114 hoặc đội dân phòng, chính quyền, công an xã, phường gần nhất, đồng thời sử dụng phương tiện để chữa cháy và thoát nạn.

- Đối với nhà ở kết hợp kinh doanh, ngoài những biện pháp PCCC nêu trên thì cần lưu ý một số vấn đề sau đây:

- Không để hàng hóa và vật dụng dễ cháy gần nơi thờ cúng, trần phía trên bàn thờ phải bằng vật liệu không cháy.

- Không bố trí nơi đun nấu tại cửa hàng kinh doanh và không để hàng hóa, các vật dụng dễ cháy gần khu vực có thể phát sinh lửa, nhiệt như bếp, ổ cắm điện, aptomat, cầu dao điện…

- Chuẩn bị sẵn dụng cụ phá dỡ để tạo lối thoát nạn. Không bố trí đồ vật cản trở đường lối, cửa thoát nạn.

DUY KHANG