Cảnh báo nguy cơ bùng phát đợt dịch Covid-19 mới
(BDO)
Tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi tại TX.Tân Uyên
Đã ghi nhận ca mắc biến thể phụ BA.4, BA.5
Hiện nay, biến thể phụ Omicron BA.4, BA.5 đã xâm nhập vào Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh. PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, cho biết: “Hiện nay, với sự xuất hiện của biến thể phụ BA.4 và BA.5 tại Việt Nam, rất có thể Covid-19 lại bước sang một trang mới. Điều đáng lo ngại chính là vi rút SARS-CoV-2 liên tục tiến hóa, khó xác định tính chất nguy hiểm của các biến thể với mức độ tăng nặng, tử vong, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Âu dự đoán BA.4 và BA.5 sẽ trở thành biến thể chủ đạo ở Mỹ, Anh, châu Âu trong vài tuần tới bởi nó có khả năng lây lan cao và lẩn tránh hệ miễn dịch. BA.4, BA.5 hiện chiếm tới 52% tổng số ca nhiễm Covid-19 mới tại Mỹ. Ở Bồ Đào Nha, biến thể BA.5 chiếm đến 80% số ca mắc mới Covid-19. Còn ở một quốc gia đông dân như Ấn Độ, Omicron BA.4 và BA.5 cũng đã bắt đầu xuất hiện khiến nước này phải gia tăng cảnh báo và có biện pháp phòng ngừa. Biến thể phụ BA.4, BA.5 có khả năng lây lan nhanh hơn 12% so với biến thể phụ BA.2, biến thể phổ biến tại Việt Nam. Thời gian tới, các ca nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5 có thể ghi nhận nhiều hơn trong cộng đồng ở nước ta kéo theo số ca mắc có thể gia tăng trong thời gian tới”.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến thời điểm hiện nay toàn tỉnh có hơn 94.000 người từ 18 tuổi trở lên tiêm vắc xin mũi 4 ngừa Covid-19. Tuy nhiên, đây chỉ là số liệu các địa phương nhập liệu trên Hệ thống phần mềm quản lý tiêm chủng Covid-19, số liệu các địa phương tiêm thực tế cao hơn rất nhiều. Trong 9 địa phương triển khai tiêm vắc xin Covid-19 mũi 4 thì TX.Tân Uyên đạt kế hoạch cao, tiêm được hơn 17.400 người, đứng sau là TX.Bến Cát hơn 14.000 người và TP.Thuận An hơn 13.000 người. |
Bình Dương là địa phương giáp ranh với TP.Hồ Chí Minh đến thời điểm này vẫn chưa ghi nhận ca mắc biến thể phụ BA.4, BA.5. Ngành y tế cũng đang củng cố hệ thống giám sát, đáp ứng phòng, chống dịch các cấp, tăng cường tiêm vắc xin mũi nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh và tiếp tục truyền thông để người dân luôn có ý thức phòng, chống dịch. Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh, cho biết: Với sự xuất hiện của biến thể phụ BA.4 tại TP.Hồ Chí Minh, ngành y tế tỉnh Bình Dương dự báo thời gian tới các ca nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5 có thể ghi nhận nhiều hơn trong cộng đồng kéo theo số ca mắc sẽ tăng lên. Để kiểm soát dịch bệnh, ngành đang theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh. Tỉnh cũng chủ động xây dựng các tình huống, kịch bản để sẵn sàng ứng phó, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19. Mục tiêu quan trọng nhất hiện nay, tỉnh đẩy mạnh chương trình tiêm vắc xin Covid-19, tiêm các mũi nhắc lại cho người dân, đặc biệt là những nhóm có nguy cơ cao.
Khả năng miễn dịch vắc xin Covid-19 giảm theo thời gian
Vắc xin Covid-19 là biện pháp phòng bệnh Covid-19 hiệu quả nhưng kết quả tiêm chủng vẫn chưa bảo đảm theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, tiêm mũi 4 cho đối tượng có nguy cơ cao và tiêm cho trẻ em gặp nhiều khó khăn. Mặc dù ngành y tế đã phân bổ đủ vắc xin cho các địa phương, ban hành đầy đủ các hướng dẫn tiêm vắc xin, truyền thông, tổ chức đôn đốc trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong bối cảnh biến thể phụ BA.4, BA.5 đã xâm nhập vào Việt Nam, người dân có tâm lý chủ quan không tiêm các mũi 3, mũi 4, nguy cơ bùng phát đợt dịch Covid-19 mới luôn hiện hữu. Phát biểu tại phiên họp lần thứ 15 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Thứ trưởng phụ trách, điều hành Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, cho biết: “Tốc độ tiêm chủng vắc xin Covid-19 vẫn còn chậm, nhất là tiêm mũi 3, mũi 4 cho người trên 18 tuổi và tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn tới nguy cơ hết hạn phải hủy bỏ nếu không đẩy mạnh tiếp nhận vắc xin và triển khai tiêm chủng trong thời gian tới. Công dụng bảo vệ của vắc xin Covid-19 sẽ suy giảm theo thời gian, khoảng từ 4 - 6 tháng”.
“Theo Tổ chức Y tế thế giới, các vắc xin hiện nay đều có công dụng bảo vệ trước Omicron BA.4 và BA.5. Kháng thể tạo ở vắc xin Covid-19 làm giảm nguy cơ lây nhiễm, ngăn ngừa triệu chứng nặng, nhập viện, tử vong. Một nghiên cứu bên ngoài Nam Phi cho thấy ở những người chưa tiêm, lượng kháng thể sụt giảm gấp 8 lần khi nhiễm BA.4 và BA.5. Ở những người đã tiêm phòng, lượng kháng thể trung hòa chỉ sụt giảm 3 lần. Vắc xin Covid-19 là lá chắn quan trọng bảo vệ sức khỏe người dân trước các biến chủng SARS-CoV-2. Khi tiêm mũi 3, mũi 4, vắc xin Covid-19 sẽ củng cố thêm miễn dịch, phòng được các biến thể phụ. Nếu người dân nhiễm bệnh thì bệnh cũng sẽ nhẹ hơn sau khi tiêm các mũi nhắc lại”, PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu cho biết thêm.
Hiện việc triển khai tiêm vắc xin Covid-19 chậm có nhiều nguyên nhân và có thể dẫn đến nguy cơ bùng phát đợt dịch mới. Ngành y tế khuyến cáo người dân cần đi tiêm vắc xin Covid-19 khi có chỉ định. Người cao tuổi hoặc người có bệnh nền cần tiêm mũi 4 (mũi nhắc lại thứ 2) khi đã qua 4 tháng kể từ ngày tiêm mũi 3.
KIM HÀ