Cảnh báo cháy, nổ từ việc hàn cắt kim loại
(BDO) Những ngày qua, câu chuyện về 3 chiến sĩ Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) hy sinh trong khi lao vào biển lửa làm nhiệm vụ chữa cháy và CNCH tại quán karaoke ISIS (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã khiến người dân thương xót và cảm phục. Liên quan đến vụ cháy, nguyên nhân ban đầu được ngành chức năng xác định do hàn cắt kim loại trong quá trình sửa chữa công trình.
Với tâm lý chủ quan, một số thợ hàn vẫn chưa bảo đảm các biện pháp an toàn phòng cháy chữa cháy trong lúc hàn, cắt kim loại
Nói về nguyên nhân các vụ cháy xuất phát từ việc hàn cắt kim loại, trung tá Nguyễn Văn Tùng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh, cho biết: “Một thực trạng ở hầu hết các vụ cháy nổ xảy ra có nguyên nhân từ hàn cắt kim loại là do ý thức chấp hành các quy định PCCC của người dân và người lao động tại cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa cao. Bên cạnh đó là sự thiếu trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong việc trang bị những kiến thức cơ bản nhất về vệ sinh an toàn phòng chống cháy nổ cho nhân viên. Do vậy, khi tiến hành hàn cắt kim loại, người lao động chỉ làm theo sự phân công của người quản lý mà chưa thực sự quan tâm đến những đặc tính nguy hiểm về cháy nổ từ vảy hàn và nguồn nhiệt sinh ra trong quá trình hàn”.
Trước tình hình trên, để bảo đảm an toàn PCCC trong quá trình hàn cắt kim loại, giảm thiểu tối đa nguy cơ dẫn đến cháy nổ, loại bỏ thương vong về người và kéo giảm thấp nhất thiệt hại về tài sản, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh sẽ tăng cường các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra xử lý đối với những cơ sở vi phạm các quy định PCCC liên quan đến vấn đề này.
Nhằm hạn chế các vụ cháy nổ liên quan đến việc hàn, cắt kim loại, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh khuyến cáo người dân cần quan tâm và thực hiện đồng bộ các biện pháp, sau: Khi tiến hành công việc hàn cắt trong các buồng, thùng, khoang, bể phải thực hiện thông gió, cử người theo dõi và phải có biện pháp an toàn cụ thể và được người có trách nhiệm duyệt, cho phép. Không tiến hành hàn ở các hầm, thùng, khoang, bể đang có áp suất hoặc đang chứa chất dễ cháy nổ.
Khi hàn bên trong các hầm, thùng, khoang, bể phải tiến hành thông gió với tốc độ gió từ 0,3 đến 1,5m/s. Phải kiểm tra bảo đảm hầm, thùng, khoang, bể kín không có hơi khí độc, hơi khí cháy nổ mới cho người vào hàn. Trong quá trình hàn cắt kim loại phải tổ chức che chắn bằng các vật liệu không cháy hoặc di chuyển các vật liệu dễ cháy ra khỏi khu vực hàn cắt (tối thiểu 10m). Không để vảy hàn có nhiệt độ cao tiếp xúc với các vật liệu dễ cháy. Phải có biện pháp an toàn PCCC và phương án xử lý cháy nổ. Khi tiến hành hàn trên cao và ngoài trời tại các vị trí hàn, nếu chưa có biện pháp phòng chống cháy nổ thì không được tiến hành công việc hàn cắt, phải làm sàn bằng vật liệu không cháy (hoặc khó cháy).
Khu vực hàn cắt kim loại phải cách ly với khu vực làm các công việc khác. Trường hợp do yêu cầu của quy trình công nghệ, cho phép bố trí chỗ hàn cùng với khu vực làm việc khác, nhưng giữa các vị trí phải đặt tấm chắn bằng vật liệu không cháy. Khi khử dầu mỡ trên bề mặt của vật hàn, phải dùng những chất không gây cháy nổ và không độc hại.
Sử dụng máy hàn phải bảo đảm chất lượng theo quy định. Chỉ sử dụng những người có chứng chỉ về công việc hàn, được huấn luyện về an toàn lao động, an toàn PCCC để thực hiện công việc hàn, cắt kim loại. Thường xuyên huấn luyện về an toàn lao động cho công nhân hàn để họ nắm vững đặc điểm nguy hiểm cháy nổ trong hàn, cắt kim loại, biết sử dụng thành thạo các loại phương tiện PCCC tại chỗ để có thể dập tắt được đám cháy ngay khi mới phát sinh.
Chỉ sử dụng các dụng cụ hàn cắt bảo đảm an toàn như các chai khí trong thời hạn kiểm định, dây dẫn khí bảo đảm kín. Đường ống dẫn khí phải được bảo vệ tránh tia lửa hàn, xỉ hàn và dầu mỡ. Không đặt các chai khí gần nguồn nhiệt, hệ thống điện... Trong quá trình hàn cần trang bị các phương tiện PCCC cần thiết như bình chữa cháy tại khu vực tiến hành hàn cắt để có thể xử lý kịp thời khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Khi ngừng công việc hàn cần kiểm tra khu vực xung quanh xem có tồn tại các nguy cơ, yếu tố dẫn đến cháy, nổ không, nếu có thì phải loại trừ ngay.
Những lưu ý đối với thợ hàn nhằm bảo đảm an toàn PCCC - Chuẩn bị đầy đủ các loại trang bị bảo hộ cá nhân (giày, găng tay, kính hàn…). Sắp xếp nơi làm việc gọn gàng; kiểm tra tình trạng nước, cát, bình chữa cháy trang bị cho khu vực hàn, chuẩn bị chậu nước để làm nguội mỏ hàn. - Không được dùng búa hoặc các dụng cụ phát tia lửa để gõ vào nắp chai chứa khí. - Trong thời gian làm việc cần chú ý những vấn đề sau: Khi mồi lửa cho mỏ hàn hơi phải dùng diêm, bật lửa chuyên dùng; khi tiến hành hàn không quàng ống dẫn khí vào cổ, vào vai, kẹp chân, cuộn tròn hoặc bẻ gập ống. Khi mỏ hàn hơi đang cháy không mang ra khỏi khu vực làm việc dành riêng cho thợ hàn, khi tiến hành hàn ở trên cao không được mang mỏ hàn hơi đang cháy để leo thang. Trong thời gian giải lao phải tắt lửa mỏ hàn và đóng van cấp khí tới mỏ hàn. - Kiểm tra kỹ mỏ hàn, bộ giảm áp, ống dẫn khí, các vị trí nối giữa mỏ hàn với ống nối và với chai chứa khí. Trong khi hàn, không mang các thiết bị, mỏ hàn ra khỏi khu vực dành riêng cho thợ hàn, nếu giải lao cần khóa tất cả các van dẫn khí, ngắt nguồn điện đối với máy biến áp hàn, thu dọn dụng cụ và cấm người ngoài vào khu vực hàn hoặc sử dụng bất kỳ thiết bị nào phục vụ quá trình hàn. - Khi hàn hồ quang chỉ được phép cấp điện từ máy phát điện hàn, máy biến áp hàn, máy chỉnh lưu hàn. Không được phép cấp trực tiếp từ lưới điện động lực, lưới điện chiếu sáng hoặc lưới điện xe điện... - Ngoài ra, cần trang bị các phương tiện PCCC cần thiết như bình chữa cháy tại khu vực hàn cắt để có thể xử lý kịp thời khi có sự cố cháy nổ xảy ra. Thợ hàn phải được tập huấn về nghiệp vụ PCCC; nắm vững đặc điểm nguy hiểm cháy nổ trong hàn cắt kim loại; biết sử dụng thành thạo các loại phương tiện PCCC tại chỗ để có thể dập tắt được đám cháy ngay khi mới phát sinh… |
TÂM TRANG