Căng thẳng quanh chương trình hạt nhân Iran
Theo nhiều nguồn tin, trong tuần này, Cơ quan Năng lượng nguyên tử của LHQ (IAEA) sẽ công bố bằng chứng cho thấy Iran bí mật phát triển vũ khí hạt nhân. Trong khi chờ đợi, nhiều nước phương Tây đang lên kế hoạch tiến tới dùng giải pháp quân sự thay cho biện pháp ngoại giao để đối phó với Iran.
Thực hư về báo cáo của IAEA
Theo New York Times, báo cáo của IAEA sẽ bao gồm các bằng chứng tình báo về việc Iran đã chế tạo các mô hình máy tính về một đầu đạn hạt nhân, bao gồm những hình ảnh chụp từ vệ tinh một vật thể mà IAEA tin là một container bằng thép có kích thước lớn, được sử dụng để thử nghiệm nổ liên quan đến vũ khí hạt nhân. Theo Washington Post, Iran vẫn tiếp tục chương trình hạt nhân của họ sau năm 2003, khi mà phương Tây tin rằng Tehran đã ngừng chương trình này dưới áp lực quốc tế.
Đáp lại, Ngoại trưởng Iran Ali Akbar Salehi ngày 6-11 cho rằng báo cáo sắp công bố của IAEA là “một sự bịa đặt” và là một phần trong chiến dịch gồm nhiều mũi của Mỹ chống lại Iran. Giới chức nước này cũng tái khẳng định chương trình hạt nhân của họ hoàn toàn chỉ mang mục đích dân sự là sản xuất điện năng.
Khả năng Israel tấn công Iran ngày càng cao
Một lần nữa, hòa bình tại khu vực Trung Đông lại bị đe dọa khi những dự đoán về kế hoạch tấn công Iran của Israel, nước vốn có quan hệ đối đầu với Tehran ngày càng được nhắc tới nhiều trong những ngày gần đây. Giới chức Israel cho biết một kế hoạch quân sự nhằm ngăn chặn Iran chế tạo vũ khí hạt nhân đang được vạch ra.
Phát biểu trên kênh 2 đài truyền hình tư nhân của Israel, Tổng thống Israel Shimon Peres tuyên bố “ngày càng nhiều khả năng” Israel và các nước khác tiến hành “một cuộc tấn công nhằm vào Iran” và đó là giải pháp có vẻ khả thi hơn con đường ngoại giao.
Theo báo Haaretz, Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Ehud Barak của Israel đã tìm cách vận động nội các ủng hộ tấn công nhằm vào Iran, nước bị Israel và phương Tây nghi ngờ đang tìm cách chế tạo một quả bom nguyên tử.
Pháp không ủng hộ tấn công quân sự Iran
Anh có thể sẽ nhất trí với bất kỳ quyết định nào của Mỹ trong việc đánh Iran. Bộ Quốc phòng Anh cho biết, một đơn vị đặc nhiệm thuộc Bộ Quốc phòng Anh đang được giao nhiệm vụ vạch ra chiến lược cho Anh nếu quân đội nước này tiến hành một cuộc xâm lược vào Iran. Các nhà lên kế hoạch chiến tranh của Anh cũng đang xem xét khả năng triển khai tàu chiến và tàu ngầm được trang bị tên lửa Tomahawk, chiến đấu cơ RAF, bom Paveway IV, Brimstone và các máy bay do thám… cho cuộc chiến sắp tới.
Ngược lại, phát biểu trên kênh phát thanh “Europe I” ngày 6-11, Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe không ủng hộ tấn công quân sự nhằm vào Iran. Thay vào đó, Paris sẽ tăng cường các biện pháp trừng phạt Tehran. Tuần trước, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã chỉ trích cái mà ông gọi là “mong muốn bị ám ảnh” của Iran trong việc phát triển vũ khí hạt nhân và cho biết Pháp sẽ không ngồi yên nếu Israel bị đe dọa.
Ngày 7-11, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo: “Đây sẽ là sai lầm nghiêm trọng với những hậu quả khôn lường. Can thiệp quân sự chỉ làm gia tăng thương vong và những cơ cực cho dân thường”.
Trong bối cảnh có nhiều nguồn tin bất lợi, Tehran đã lên tiếng cảnh báo phương Tây rằng nước này đã sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh nếu Mỹ và Anh tuyên chiến.
Theo SGGP