Cần xử lý triệt để những trường hợp tái lấn chiếm hành lang đường ống nước
(BDO) Hơn 20 năm trước, UBND TP.Hồ Chí Minh đầu tư kinh phí xây dựng trạm bơm nước Hóa An (TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). TP.Hồ Chí Minh đã xây dựng đường ống dẫn nước thô từ sông Đồng Nai về Nhà máy nước Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh xử lý thành nước sạch cung cấp cho người dân.
Theo đó, phường Đông Hòa, Bình An và Tân Đông Hiệp (TP.Dĩ An) được lắp đặt đường ống nước D1800mm và D2400mm đi ngang. Để xây dựng hệ thống dẫn nước thô này, trong 2 năm (1995-1996), TP.Hồ Chí Minh đã phối hợp với các đơn vị chức năng tỉnh Bình Dương thực hiện việc giải tỏa, đền bù cho hàng ngàn hộ dân có tuyến đường ống nước thô đi qua 3 phường vừa đề cập. Hưởng ứng chủ trương này, hàng ngàn m2 đất được người dân hiến để xây dựng công trình đường nước rộng 30m đi qua. Tuy nhiên, sau ngày công trình dẫn đường nước thô của Nhà máy nước Thủ Đức đi vào hoạt động, một số người dân có nhà tiếp giáp với 2 bên hành lang an toàn tuyến ống nước thô (HLATTNT) đã tái lấn chiếm.
Theo ghi nhận của P.V, thời gian qua nhiều hộ dân đã dựng mái hiên, trồng cây và xây dựng nhà tiền chế trên phần đất đã được giải tỏa đền bù. Việc lấn chiếm của người dân có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh công trình đường ống nước thô. Trước thực trạng trên, chính quyền 3 phường có công trình đi ngang đã phối hợp với đơn vị chức năng TP.Hồ Chí Minh triển khai việc xử lý tái lấn chiếm. Tuy nhiên, trước ý kiến của một số người dân về việc xử lý công trình vi phạm HLATTNT không đồng bộ, ông Trần Thanh Hùng, Chủ tịch UBND phường Bình An, cho rằng: “Tất cả công trình lấn chiếm HLATTNT đều bị xử lý. Có một số công trình kiên cố lấn chiếm HLATTNT chúng tôi cũng xử lý theo quy định”.
Trong khi đó, bà Võ Thị Bạch Tuyết, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Đông Hiệp, cho rằng: “Hiện trên địa bàn phường Tân Đông Hiệp đã xử lý 113 hộ dân, hàng trăm công trình xây dựng trên HLATTNT đều bị tháo dỡ”.
THANH QUANG