Cần xử lý nghiêm vi phạm không niêm yết giá hàng hóa

Thứ sáu, ngày 17/02/2023

(BDO)  Theo quy định của pháp luật, tất cả các mặt hàng bày bán trên thị trường đều phải niêm yết giá cả rõ ràng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, tại các chợ trên địa bàn tỉnh, việc niêm yết giá bán vẫn chưa được các tiểu thương chấp hành tốt.

 Kiểm soát tốt việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết sẽ góp phần ổn định thị trường. Trong ảnh: Người tiêu dùng mua hàng hóa tại chợ Dĩ An, TP.Dĩ An

Tiểu thương ngại niêm yết giá

Theo ghi nhận của P.V, tại một số chợ trên địa bàn tỉnh phần lớn các sạp hàng, điểm kinh doanh với rất nhiều mặt hàng như giày dép, quần áo, thực phẩm tươi sống, vật dụng sinh hoạt gia đình… đều không niêm yết giá, nếu có vẫn theo kiểu “đối phó” với cơ quan chức năng. Chủ quầy hàng tạp hóa Lan Thảo tại chợ Đông Hòa, TP.Dĩ An, cho biết: “Quầy của tôi có đến hàng trăm mặt hàng khác nhau. Hàng hóa nhập mới, lưu thông liên tục, giá cả lại lên xuống thất thường, nếu phải niêm yết giá từng mặt hàng thì rất khó thực hiện, chỉ khi có lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, nhắc nhở thì mới niêm yết giá”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài lý do nêu trên của người bán hàng, còn một nguyên nhân khác mà các tiểu thương không thực hiện nghiêm việc niêm yết giá, đó là khách mua hàng ở chợ thường có thói quen trả giá vì sợ bị mua hớ. Chị Trần Mỹ Linh, chủ quầy hàng bán túi xách, va ly các loại ở chợ Thủ Dầu Một, cho hay: “Mặc dù có niêm yết giá và bán theo giá niêm yết nhưng khách mua hàng vẫn trả giá, vì sợ bị mua nhầm. Chính vì vậy, nhiều chủ quầy hàng ít khi để bảng giá, khi khách mua thì chúng tôi nói giá”.

Không chỉ các hộ kinh doanh hàng tiêu dùng, thực phẩm không thực hiện nghiêm túc quy định về niêm yết giá bán, nhiều loại hình kinh doanh các mặt hàng có điều kiện cũng phớt lờ trong việc thực hiện quy định này. Điển hình như tại các cơ sở, cửa hàng kinh doanh thuốc tân dược, theo quy định, việc bán lẻ các loại thuốc phải được niêm yết công khai đến người tiêu dùng bằng cách viết lên bảng, in, dán lên bao bì và không được bán cao hơn giá niêm yết… Thế nhưng, một số đơn vị chỉ thực hiện niêm yết giá một vài mặt hàng theo kiểu đối phó với ngành chức năng.

Cần xử lý nghiêm

Bà Huỳnh Thị Thảo, người tiêu dùng ở TP.Thuận An cho biết rất ngại mua hàng tại các chợ truyền thống vì tình trạng nói giá trên trời. Nếu không biết trả giá thì sợ mua đắt, còn trả giá thấp quá lại dễ bị chửi oan. “Do vậy, khi có nhu cầu mua sắm, tôi hay đến siêu thị hoặc các cửa hàng tự chọn có niêm yết giá để mua. Ở đây tất cả mặt hàng đều ghi rõ giá bán, tôi có thể lựa chọn tùy theo nhu cầu, khả năng tài chính của mình, đồng thời rất dễ so sánh giá giữa các cửa hàng khác nhau”, bà Huỳnh Thị Thảo cho biết thêm.

Thời gian tới, cục tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, ban quản lý các chợ đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm thay đổi thói quen của hộ kinh doanh và người tiêu dùng; tăng cường kiểm tra, giám sát và xử phạt nghiêm người vi phạm. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ siết chặt việc niêm yết giá, hạn chế tiểu thương lợi dụng biến động giá cả để tăng giá bán, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng”.

(Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh)

Việc niêm yết giá bán nhằm bảo đảm sự công bằng, văn minh trong kinh doanh, tránh tình trạng cùng một sản phẩm nhưng nhiều quầy hàng bán giá khác nhau. Theo ông Nguyễn Tấn Nô, Trưởng ban Quản lý chợ Lái Thiêu, TP.Thuận An, mặc dù không phải chức năng chính, nhưng để bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng, Ban quản lý chợ vẫn thường xuyên vận động tiểu thương niêm yết giá và bán đúng giá. Tuy nhiên, việc làm này rất khó thực hiện, bởi hầu hết tiểu thương vẫn giữ lối bán truyền thống, không chịu thay đổi hình thức buôn bán văn minh.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 106 chợ các loại, hàng năm Cục Quản lý thị trường (QLTT) đã phối hợp với Ban quản lý các chợ hướng dẫn tiểu thương niêm yết giá rõ ràng, bằng cách in trên bảng giá, trên giấy hoặc trên bao bì sản phẩm. Các sở, ngành, địa phương tổ chức nhiều đợt kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt các trường hợp vi phạm về giá, nhằm thay đổi hình thức kinh doanh công khai giá hàng hóa. Thế nhưng, việc niêm yết giá ở các chợ rất khó thực hiện.

Ông Lê Hữu Thọ, Đội trưởng Đội QLTT số 1, cho biết thực tế, khi lực lượng chức năng tổ chức tuyên truyền các quy định của pháp luật về niêm yết giá, đã có nhiều hộ kinh doanh thực hiện. Tuy nhiên, không được lâu dài, các hộ kinh doanh vẫn thực hiện theo hình thức đối phó, chưa thực chất, chưa xuất phát từ ý thức xây dựng thương mại văn minh. Bên cạnh đó, mức xử phạt hành chính còn thấp chưa đủ sức răn đe.

Số liệu thống kê cho thấy năm 2022, Cục QLTT tỉnh đã thực hiện phát tờ rơi cho 1.316 cơ sở và ký cam kết 1.234 cơ sở đang hoạt động kinh doanh với nội dung thực hiện niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết. Tuy vậy, qua xử lý 648 vụ vi phạm trong lĩnh vực thương mại có đến 364 vụ vi phạm về lĩnh vực giá, chủ yếu là không niêm yết giá và bán không đúng giá niêm yết... tăng 98% so với năm 2021. Điều đáng nói, dù liên tục bị kiểm tra, xử phạt nhưng lỗi vi phạm về niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết vẫn tràn lan và nhiều biến tướng như không ghi rõ ràng đơn vị tiền đồng, lập lờ số tiền/trọng lượng…

 THANH HỒNG