Cần xử lý nghiêm hành vi tung tin thất thiệt

Thứ bảy, ngày 06/02/2021

(BDO) Trong khi chính quyền và người dân cùng chung tay phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thì có một số đối tượng, không rõ vì mục đích gì đã tung tin thất thiệt về tình hình dịch bệnh. Hành vi này đáng lên án và cần được xử lý nghiêm.

 Công an làm việc với anh Đ.H.D, người tung tin thất thiệt về dịch bệnh Covid-19. Ảnh: PX03-CABD

Mới đây nhất, công an đã mời một thanh niên lên làm việc vì tung tin thất thiệt về tình hình dịch bệnh Covid-19 ở TP.Thủ Dầu Một. Trước đó, thanh niên này đưa tin “Có 8 người nhiễm Covid-19 trong Đại học Thủ Dầu Một”.

Qua xác minh, cơ quan công an xác định đây là thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân. Làm việc với cơ quan công an, anh Đ.H.D đã thừa nhận hành vi sai phạm của mình. Theo Công an TP.Thủ Dầu Một, hành vi của đương sự đã vi phạm Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3-2- 2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử và có thể bị phạt hành chính với số tiền phạt 7,5 triệu đồng.

Trước đó không lâu, không hiểu vì lý do gì, trên mạng xã hội cũng đã xuất hiện một số thông tin về việc phong tỏa một phường trong địa bàn TP.Thủ Dầu Một liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh. Thông tin này ngay sau đó bị người có chức năng phát ngôn của địa phương bác bỏ; đồng thời đưa ra khuyến cáo người dân khi cập nhật các thông tin cần tham khảo ở những kênh chính thống để tránh bị đối tượng xấu lợi dụng.

Còn nhớ, vào đầu năm 2020, nhiều đối tượng đã tung nhiều thông tin bịa đặt, gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý của người dân cũng như công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của cơ quan chức năng. Để tạo hành lang pháp lý thực sự đủ mạnh để xử lý tình trạng này, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3-2- 2020 ra đời. Tại Điều 101 quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội thể hiện. 1. Phạt tiền từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:

a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

b) Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc.

c) Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn.

d) Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc…

Theo đó biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 điều này.

Ngay khi nghị định có hiệu lực, các cơ quan chức năng đã xử lý hàng loạt đối tượng vi phạm trên không gian mạng, từ đó tình trạng “lên mạng phát ngôn ẩu” đã được hạn chế đáng kể. Trong thời điểm hiện nay, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm những đối tượng lên mạng xã hội tung “tin vịt”, đồng thời tuyên truyền để người dân cảnh giác trước những thông tin xấu, độc tràn lan trên mạng.

 L.T.PHƯƠNG