Cần xử lý các bài nhạc chế nhảm nhí, dung tục
(BDO) Hơn tuần nay, có một nhóm thợ trẻ đến sửa chữa nhà cho bác hàng xóm sát bên cạnh nhà tôi. Ngày nào cũng vậy, trong lúc làm việc, các bạn mở nhạc trên điện thoại rồi phát âm thanh ra một chiếc loa bluetooth không dây. Lao động của các bạn khá nặng nhọc nên cần nghe nhạc để tinh thần vui tươi, thêm động lực làm việc. Tuy nhiên, chỉ nghe được một hai ngày đầu, đến ngày thứ ba thì tôi và bà con sinh sống xung quanh thật sự mệt mỏi với chuyện nghe nhạc tưởng nhỏ mà không nhỏ của nhóm thợ này.
Thứ nhất là các bạn mở âm thanh rất lớn vì trong lúc làm việc, tiếng máy cắt gạch, tiếng máy trộn bê tông khá ồn nên các bạn mở âm thanh tối đa để nghe. Mặc dù đóng kín các cửa sổ, tiếng nhạc cứ văng vẳng bên tai suốt từ sáng đến chiều khiến những người nghe nhạc… thụ động như chúng tôi cảm thấy rất khó chịu. Thứ hai là bên cạnh các bài hát được phổ biến trên truyền thông, thỉnh thoảng các bạn chen vào các bài nhạc chế có nội dung và ca từ vô nghĩa, nhảm nhí, dung tục nghe rất phản cảm, khó tiêu hóa.
Nhạc chế đã xuất hiện trong đời sống từ rất lâu. Tuy nhiên, người sáng tác nhạc chế trước kia chủ yếu nhằm đem lại tiếng cười vui tươi, sảng khoái cho người nghe nên lời nhạc chế có chừng mực, tác giả không cố ý làm buồn lòng tác giả chính của bài hát và cũng không muốn gây sốc cho người nghe. Nhạc chế bây giờ ngoài mục đích tạo ra tiếng cười hồn nhiên, nhiều người sáng tác nhằm phổ biến trên các nền tảng mạng xã hội với mục đích câu like, câu view nên nhạc chế kiểu gì cũng có, hài hước, bình dân cũng có mà nhảm nhí, dung tục cũng có. Bất cứ một sự kiện nào vừa xảy ra trong đời sống thu hút sự quan tâm của dư luận là lập tức được một số “nhà” sáng tác nhạc chế đem ra tận dụng.
Mong rằng các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý các bài nhạc chế có nội dung nhảm nhí, dung tục trên các nền tảng mạng xã hội đang làm ảnh hưởng tiêu cực đến thị hiếu âm nhạc của công chúng hiện nay nhằm xây dựng một môi trường văn hóa lành mạnh.
MINH HOÀNG