Cần ứng xử có văn hóa khi xảy ra va chạm giao thông

Thứ năm, ngày 11/04/2019

(BDO) Hiện nay, tình trạng một số thanh thiếu niên điều khiển phương tiện giao thông phóng nhanh vượt ẩu, khi xảy ra va quẹt thì lớn tiếng, xô xát thậm chí dùng hung khí “nói chuyện” khiến người đi đường lo lắng. Xoay quanh vấn đề này, P.V đã có cuộc trao đổi với TS Đồng Văn Toàn, Phó Trưởng khoa Khoa học quản lý, Giám đốc Chương trình đào tạo tâm lý học trường Đại học Thủ Dầu Một để tìm nguyên nhân và giải pháp.

 PV: Gần đây, dư luận bức xúc trước việc khi tham gia giao thông trên đường, nếu không may xảy ra va quẹt, là lập tức có những hành vi chửi rủa, thậm chí xô xát. Mới đây nhất, là vụ một thanh niên 16 tuổi ở Quảng Trị đã rút dao đâm chết người khi bị nhắc vượt đèn đỏ. Những việc trên khiến mọi người hết sức quan tâm, vậy xin ông cho biết đâu là nguyên nhân dẫn đến những hành động phản cảm như thế khi xuất hiện ngày càng nhiều trong xã hội?

- Trước hết đó là hành vi đáng lên án. Biểu hiện của hành vi đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Theo tôi thì do liên quan đến nhận thức của người tham gia giao thông, họ thường xem thường pháp luật, không có thói quen chấp hành Luật Giao thông đường bộ.

Thứ hai, dưới góc độ tâm lý thì khi xảy ra chuyện ai cũng có hành vi tự vệ, ai cũng cho là mình đúng, chính vì thế khi giải quyết vấn đề họ thường nóng nảy, thiếu kiểm soát về lời nói và hành vi. Thay vì nhận lỗi, đồng cảm để hỗ trợ nhau cùng giải quyết thì họ lại chọn cách giải quyết tiêu cực.

Nguyên nhân tiếp theo là hành vi văn hóa giao thông cho giới trẻ không được giáo dục bài bản, ở nhà trường nếu có thì cũng chưa đủ về liều lượng, thực hiện chưa thường xuyên, do vậy mà chưa giúp cho giới trẻ hình thành được hành vi văn hóa giao thông.

Tiếp theo, do đặc điểm tâm lý của lứa tuổi đầu thanh niên “tuổi dậy thì” có những diễn biến tâm lý phức tạp, thường muốn thể hiện mình để gây sự chú ý với người khác. Điều đặc biệt là thực trạng giới trẻ hiện nay rất thiếu và yếu về kỹ năng xã hội, đứng trước những va chạm nhỏ thì họ lại xử lý tình huống theo chiều hướng tiêu cực.

Mặt khác, do sự tác động của phát triển xã hội bên cạnh những tác động tích cực thì cũng có nhiều hạn chế. Những thói quen tốt, hành vi văn hóa tốt thì không được nhân rộng, nhưng những hành vi, thói quen thiếu văn hóa thì được giới trẻ bắt chước rất nhanh.

Dán chữ lên xe khi tham gia giao thông để được thông cảm

PV: Trước thực trạng trên, chúng ta có những giải pháp nào để người tham gia giao thông thể hiện là người có văn hóa, hạn chế những hành vi và phát ngôn phản cảm, gây kích động tâm lý, dẫn đến những hành động xấu khi ra đường?

- Để khắc phục thực trạng trên, theo tôi, chúng ta phải thực hiện nhiều giải pháp mới hình thành được cho giới trẻ văn hóa giao thông.

Thứ nhất: Tăng cường nâng cao nhận thức cho giới trẻ bằng cách giúp cho các em có hiểu biết đúng đắn về pháp luật, đặc biệt là Luật Giao thông đường bộ.

Thứ hai: Cần thường xuyên giáo dục, tuyên truyền ở nhà trường thông qua các cấp, bậc học để các em nhận thức đúng về pháp luật.

Thứ ba: Tăng sân chơi lành mạnh cho giới trẻ, phát triển các mô hình, câu lạc bộ để chia sẻ và hình thành kỹ năng ứng xử, giải quyết vấn đề khi tham gia giao thông.

Thứ tư: Tăng cường mức phạt đối với những hành vi lệch chuẩn và thiếu văn hóa giao thông để làm gương  

Thứ năm: Cần phải có sự thống nhất giữa các bên như gia đình - nhà trường - xã hội và các lực lượng chức năng để hình thành cho giới trẻ thói quen và hành vi ứng xử, văn hóa khi tham gia giao thông.

Theo tôi, còn nhiều giải pháp khác để bổ trợ cho nhau trong giáo dục hành vi văn hóa giao thông cho mọi người, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất thì chủ thể (người tham gia giao thông) phải ý thức được hành vi và trách nhiệm của mình. Giáo dục và phát triển lòng nhân ái, đồng cảm và trách nhiệm của cá nhân với cộng đồng, có như vậy thì từng bước hạn chế những hành vi thiếu văn hóa giao thông như hiện nay.

P.V: Không chỉ những người ở độ tuổi vị thành niên có những hành động phản cảm, gây bức xúc khi tham gia giao thông mà thậm chí là một số người lớn tuổi cũng có hành động phản cảm khi tham gia giao thông. Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân và có những giải pháp nào để hạn chế những việc này?

- Thực tế hiện nay hiện tượng này chúng ta vẫn thường xuyên bắt gặp. Tôi chỉ muốn nói là tất cả hành vi đó đều không chuẩn mực trong hành vi ứng xử với văn hóa giao thông. Nhiều người do áp lực công việc, do áp lực thời gian nên bản thân họ chưa ý thức rõ về sự nguy hiểm khi va chạm giao thông và hành vi ứng xử của mình.

Mặt khác, nhiều người còn dựa vào mình có quan hệ, quen biết, con ông bà này, cháu ông bà kia... mà họ bất chấp sự nguy hiểm khi tham gia giao thông cho bản thân mình và người khác. Ngay cả người lớn, người trưởng thành, là cán bộ, công nhân viên chức... Nhiều người vẫn chưa thực hiện tốt Luật Giao thông đường bộ, nhất là hành vi ứng xử văn hóa giao thông. Theo tôi, nguyên nhân căn bản vẫn xuất phát từ nhận thức, thứ hai là thái độ của họ đối với bản thân và cộng đồng điều đó nó tác động đến hành vi của mỗi người.

Để nâng cao văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông. Theo tôi, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân khi tham gia giao thông.

Các ban ngành tăng cường sự phối hợp với nhau khi tiếp nhận người vi phạm giao thông. Gửi biên bản xử lý của người vi phạm giao thông về cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương... để phối hợp xử lý.

Ngành giao thông cần phối hợp với chính quyền địa phương, công đoàn, Đoàn Thanh niên, cựu chiến binh... tổ chức câu lạc bộ, các cuộc thi về hiểu biết Luật Giao thông đường bộ, hành vi ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông. Từ cơ sở đó, dần dần tác động đến nhận thức và thói quen hành vi có văn hóa khi tham gia giao thông.

Công tác Đảng, công đoàn các tổ chức chính quyền cần đưa vào nghị quyết về nội dung hành vi văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông.

Cần phối hợp nghiên cứu, điều tra nghiêm túc của các nhà khoa học về nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, nghiên cứu khung giờ làm việc, giờ học... Để có sự phân luồng, hướng dẫn tốt nhất cho mọi người khi tham gia giao thông. Bổ sung thêm vào luật lỗi vi phạm giao thông và phạt cả lỗi thiếu hành vi ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông.

PV: Xin cảm ơn ông!

Thời gian gần đây, trên các trang mạng xã hội, Zalo, Facebook xuất hiện ngày càng nhiều những thông tin, hình ảnh về những hành vi ẩu đả, chửi rủa khi tham gia giao thông gây phản cảm. Vụ một thanh niên 16 tuổi ở Quảng Trị đã rút dao đâm chết người khi bị nhắc vượt đèn đỏ là hồi chuông cảnh báo về trật tự, an toàn giao thông hiện nay.

Thực trạng này đã gây nhiều lo lắng cho người tham gia giao thông. Anh Nguyễn Văn Thanh, một tài xế taxi ở TX.Thuận An, tâm sự: “Không ít lần người khác chạy ẩu, va quẹt vào xe tôi nhưng họ không nhận trách nhiệm. Vừa xuống xe, mình chưa kịp nói là họ văng tục, đòi “ăn thua”. Ngày nay, một số thanh niên rất thích dùng sức mạnh để giải quyết vụ việc. Có khi xảy ra va chạm mình không sai, nhưng phải im để khỏi “ăn búa, ăn cây”.

Chị Nguyễn Hồng Nhung, nhà ở phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một cho rằng thà chậm một vài phút để đừng biến mình thành người mất văn hóa khi tham gia giao thông. “Chỉ cách đây vài hôm, tôi đi ngang suối Cát thấy xe của một nhóm người lớn tuổi va chạm với xe một cặp vợ chồng trẻ. Hai xe không hư hỏng gì sau va chạm, nhưng hành vi của người trong cuộc thật xấu hổ. Vừa xuống xe, một người đàn ông lớn tuổi, đáng bậc cha, chú lại văng tục, rồi lao vào người thanh niên đòi “ăn thua”. Hình ảnh như thế sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giới trẻ, làm sao dạy con, dạy cháu khi về nhà. Sao họ không bình tĩnh giải quyết vụ việc!” - chị Nhung nói.

Gần đây, việc chị Lê Thị Nga ở phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một phải dán dòng chữ “Tài xế mới, có gì anh em thông cảm” lên chiếc ô tô của mình khi ra đường, khiến người đi đường nhìn vào phải suy nghĩ. Chị Nga cho biết: “Sợ lắm khi ra đường. Mình mới học bằng lái chưa lâu, chạy xe chưa cứng. Vậy mà khi tham gia giao thông, mình đi chậm là tài xế xe sau liên tục bóp còi, lớn tiếng. Tôi suy nghĩ mãi nên đành dán chữ lên đuôi xe để khỏi bị chửi. Văn hóa giao thông bây giờ thật sự đáng lo ngại”...

 

QUANG TÁM  (thực hiện)