Cẩn trọng với bệnh viêm não Nhật Bản

Thứ ba, ngày 30/12/2014

Viêm não Nhật Bản là loại bệnh truyền nhiễm cấp tính làm tổn thương hệ thần kinh trung ương nếu không được phòng ngừa và điều trị kịp thời. Phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với bác sĩ (BS) Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe tỉnh về vấn đề này.

(BDO)

 Bệnh nhi đến khám tại Trung tâm Y tế TX.Dĩ An Ảnh: Q.NHƯ

- Thưa BS, nguyên nhân gây ra bệnh viêm não Nhật Bản (VNNB) và biểu hiện của bệnh như thế nào?

- Bệnh VNNB là bệnh nhiễm vi rút VNNB. Đây là một bệnh truyền nhiễm cấp tính làm tổn thương hệ thần kinh trung ương, để lại di chứng thần kinh và tử vong cao. Bệnh VNNB không lây trực tiếp từ người sang người. Bệnh được truyền sang người qua muỗi đốt và chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi. Biểu hiện chính của bệnh là có sốt cao và kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương như nhức đầu dữ dội, buồn nôn và nôn, cứng cổ, lú lẫn, co giật, đờ đẫn, hôn mê... trẻ nhỏ thóp phồng, khóc tăng lên khi trẻ thay đổi tư thế hoặc gồng cứng người.

- BS cho biết mức độ nguy hiểm và biến chứng của bệnh cũng như cách phòng ngừa?

- Bệnh VNNB cho tới nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, có thể lây lan thành dịch; tỷ lệ tử vong cao và nếu cứu sống thì có thể để lại di chứng tâm thần kinh như chậm phát triển tâm trí, có thể bị động kinh… Cách phòng bệnh tốt nhất là tiêm vắc xin đủ liều theo quy định. Nên ngủ màn, mặc quần áo dài, dùng các chất xua đuổi côn trùng để phòng muỗi đốt. Thường xuyên giữ gìn vệ sinh môi trường sống sạch sẽ; chủ động thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy tại hộ gia đình. Vệ sinh chuồng trại chăn nuôi để muỗi không có nơi trú đậu, nên dời chuồng gia súc xa nhà.

- Với trẻ đã bị bệnh cần được chăm sóc và điều trị như thế nào, thưa BS?

- Điều trị chủ yếu là hồi sức cấp cứu và điều trị triệu chứng trong giai đoạn cấp. Do đó, khi trẻ có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương nghi ngờ trẻ bị bệnh cần phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Trẻ được chăm sóc và điều trị trong bệnh viện cho đến khi khỏi bệnh.

- Xin cảm ơn BS!

 

Theo Cục Y tế dự phòng, các mũi tiêm ngừa VNNB được thực hiện như sau:

Đối với trẻ em từ 1 - 5 tuổi: Tiêm 3 liều cơ bản theo lịch tiêm của chương trình tiêm chủng mở rộng. Mũi 1: Lúc trẻ đủ 1 tuổi. Mũi 2: Sau mũi 1 từ 1 - 2 tuần. Mũi 3: Sau mũi 2 là một năm. Sau đó cứ 3 - 4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi. Đối với trẻ trên 5 tuổi nếu chưa từng được tiêm vắc xin VNNB thì cũng tiêm với 3 liều cơ bản (không nằm trong chương trình): Mũi 1: Càng sớm càng tốt. Mũi 2: Sau mũi 1 từ 1 - 2 tuần. Mũi 3: Sau mũi 2 là một năm. Sau đó cứ 3 - 4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

 

(thực hiện) QUỲNH NHƯ