Cẩn trọng nhưng không quay lưng với thịt heo

Thứ hai, ngày 27/05/2019

(BDO)

Khách hàng chọn mua thịt heo tại Siêu thị Co.opmart Bình Dương Ảnh: TIỂU MY

Khách mua thịt heo dần ổn định

Theo ghi nhận của phóng viên, trước việc lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát bệnh dịch tả heo châu Phi trên địa bàn và thanh tra, kiểm tra nguồn thịt tại các chợ, điểm bán thịt, người dân trong tỉnh vẫn dùng thịt heo cho bữa ăn hàng ngày của gia đình. Chị Trương Thị Bảy, ở phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một, cho biết trước đây khi nghe thông tin bệnh dịch tả heo châu Phi xuất hiện ở nhiều địa phương trong cả nước chị khá lo lắng. Nhưng qua theo dõi trên báo đài được biết bệnh này không lây qua người, hơn nữa khi đi mua chị lựa chọn nguồn thịt có đóng dấu kiểm dịch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nên cũng an tâm.

Xử lý kịp thời số heo bị nhiễm bệnh tại xã Hội Nghĩa

Kết quả xét nghiệm của Trung tâm Chẩn đoán, xét nghiệm bệnh động vật thuộc Chi cục Thú y vùng VI xác định, mẫu bệnh phẩm heo chết tại hộ nuôi heo ở tổ 8, ấp 3, xã Hội Nghĩa, TX.Tân Uyên nhiễm virus dịch tả heo châu Phi.

Căn cứ kết quả trên, Trạm Chăn nuôi Thú y TX.Tân Uyên, các đơn vị liên quan cùng chính quyền địa phương đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản tiêu hủy tại chỗ toàn bộ số heo trong chuồng gồm 46 con nhằm bảo đảm an toàn, không để bệnh lây lan, phát tán.

DUY CHÍ

Là chủ cơ sở giết mổ quy mô lớn trên địa bàn, anh Nguyễn Văn Thâm, ở phường Hiệp An, TP.Thủ Dầu Một, cho hay sau khi xảy ra bệnh dịch tả heo châu Phi ở một số địa phương trong cả nước, cơ sở của anh ít nhiều cũng bị ảnh hưởng, khách hàng khá lo. Nhưng hiện nay, lượng heo đưa vào cơ sở giết mổ của anh đã trở lại bình thường, dao động từ 10 - 12 tấn mỗi ngày. Số lượng heo này anh lấy từ Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam, có giấy thú y, giấy kiểm dịch và được khử trùng, tiêu độc mỗi lần lấy heo đưa ra lò mổ. “Heo đem vào cơ sở giết mổ của tôi tuân thủ nghiêm ngặt về nguồn gốc xuất xứ, giấy kiểm dịch và các nguyên tắc an toàn sinh học trong lò mổ”, anh Thâm nói.

Anh Nguyễn Văn An, nhân viên bán thịt heo của hệ thống Vissan tại Siêu thị Co.opmart Bình Dương (TP.Thủ Dầu Một), thông tin hiện lượng thịt đơn vị bán ra hàng ngày vẫn ổn định (khoảng 1,5 tấn/ngày) so với trước khi xảy ra bệnh dịch tả heo châu Phi. Hiện Vissan đang thực hiện chương trình khuyến mãi giảm giá từ 10 - 20% nên lượng thịt heo bán ra tương đối nhanh so với trước.

Tại Chợ Thủ Dầu Một, sức mua thịt heo vẫn bình thường. Theo bà Lý Thị Thảo, tiểu thương ở đây, ngay sau khi bệnh dịch tả heo châu Phi xảy ra ở nước ta, lượng khách hàng mua thịt heo tại chợ có phần giảm, nhưng hiện nay khách hàng đã trở lại mua thịt bình thường. “Thời điểm này, khi đến mua thịt heo ở chợ, nhiều khách hàng thường hỏi về nguồn gốc xuất xứ của thịt, rồi cách vận chuyển, bảo quản… ra sao, khi thấy ổn rồi mới mua”, bà Thảo chia sẻ.

Tiến sĩ Kiều Minh Lực, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam, cho rằng cần có cách nhìn thực tiễn về bệnh dịch tả heo châu Phi trong điều kiện Việt Nam hiện nay để không làm ảnh hưởng đến nền công nghiệp chăn nuôi heo. Để loại bỏ nhanh chóng bệnh này, phương án tốt nhất là tiêu hủy heo chết và giết mổ ngay lập tức toàn bộ heo trong đàn cũng như heo ở các trang trại trong vùng xảy ra bệnh dịch. Chương trình phòng bệnh dịch tả heo châu Phi hiện nay là nhằm mục đích phát triển chăn nuôi heo, không liên quan gì đến an toàn vệ sinh thực phẩm đối với thịt heo. Đặc biệt, ngành chức năng phải tổ chức tiêu hủy 100% heo bị chết và cho giết mổ tiêu thụ tại chỗ trong vùng xảy ra bệnh dịch, không vận chuyển đi xa để bảo đảm không lây lan bệnh dịch sang vùng khác…

Kiểm soát nghiêm ngặt thị trường

Ông Trần Hà Hải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y, Chăn nuôi và Thủy sản tỉnh, cho biết dù có dịch bệnh hay không thì từ trước đến nay công tác kiểm tra lâm sàng, các giấy tờ liên quan đến bệnh dịch luôn được đơn vị thực hiện nghiêm ngặt. Ông cũng khuyến cáo người dân nên mua thịt heo tại các điểm bán uy tín, có dấu kiểm dịch và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tránh nguồn thịt không rõ nguồn gốc, nhập lậu vào thị trường, không được kiểm soát dịch và không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tại cơ sở giết mổ của anh Thâm, mỗi ngày có 2 cán bộ chăn nuôi, thú y đến kiểm tra những quy định liên quan. Hiện công tác kiểm tra lâm sàng được cán bộ thú y thực hiện nghiêm ngặt hơn tại cơ sở để đưa nguồn thịt heo bảo đảm chất lượng ra thị trường. Thời điểm này, cơ sở này bán thịt heo ra thị trường giá giảm từ 10 - 20% so với thời điểm chưa xuất hiện bệnh dịch tả heo châu Phi tại nước ta. Điều anh Thâm đang lo là sau đợt bệnh dịch, lượng heo sẽ giảm đáng kể và giá cả sẽ tăng cao.

Theo ông Trần Thanh Phong, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y TX.Tân Uyên, hiện thị xã đã chỉ đạo bố trí thêm các trạm chốt ở các tuyến đường bộ và đường thủy để kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển heo vào địa bàn tỉnh. UBND thị xã cũng yêu cầu ngành chức năng, các đơn vị liên quan quản lý chặt hoạt động giết mổ, kinh doanh thịt heo; tăng cường kiểm soát nguồn gốc, vận chuyển, buôn bán sản phẩm thịt heo tại các chợ, nhất là các chợ tạm, điểm bán lẻ gần khu dân cư. Thực hiện chỉ đạo này, công tác kiểm tra, kiểm soát bệnh dịch tại các chợ trên địa bàn đã và đang được các ngành chức năng vào cuộc quyết liệt.

Ông Tô Văn Đạt, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo, khẳng định hiện công tác kiểm soát bệnh dịch tả heo châu Phi được UBND huyện chỉ đạo các ngành thực hiện nghiêm. Tại các xã trong huyện đều có trạm kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh. Riêng tại xã Vĩnh Hòa - nơi vừa xảy ra bệnh dịch được thành lập 3 trạm chốt chặn không cho heo nơi vùng có bệnh dịch ra khỏi địa bàn. Đối với 2 xã Vĩnh Hòa, Tam Lập - nơi có lượng heo lớn, công tác kiểm soát tình hình chăn nuôi heo đã và đang được ngành chức năng, địa phương thực hiện tốt. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường tại các chợ trên địa bàn huyện cũng được các ngành thực hiện rất nghiêm ngặt.

Về phía ngành quản lý thị trường, ông Trần Văn Tùng, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh, cho biết đơn vị đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường tăng cường phối hợp trong kiểm tra, kiểm soát thị trường, công tác chốt chặn để ngăn không cho nguồn thịt nhiễm bệnh ra ngoài thị trường. Đến thời điểm này, trên thị trường chưa có sự biến động về giá cả thịt heo.

Dấu hiệu nhận biết thịt heo bị nhiễm bệnh dịch tả heo châu Phi
Theo các nhà chuyên môn, bệnh sốt heo ở châu Phi (ASF) lần đầu tiên được xác nhận ở Kenya năm 1921 và đến nay vẫn còn tồn tại. Sau gần 100 năm từ khi phát hiện ra bệnh ASF đến nay chưa có trường hợp nào báo cáo có sự ảnh hưởng của virus ASF đến sức khỏe con người. Cụ thể, Tổ chức Thú y thế giới (OiE), Hiệp hội thực phẩm châu Âu (EFSA), Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) xác nhận, virus ASF không gây bệnh trên người khi tiếp xúc với heo bệnh cũng như thịt heo nhiễm bệnh. Do vậy, bệnh ASF không liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trong khi đó, theo cơ quan thú y, thịt heo bị nhiễm bệnh dịch tả heo châu Phi có những dấu hiệu nhận biết đặc trưng: Trên da và tai heo có những đốm xuất huyết lấm tấm; tai heo có màu tím xanh; toàn bộ nội tạng bị xuất huyết. Miếng thịt nhiễm bệnh dịch tả heo châu Phi có màu lạ như nâu, đỏ thâm, tím tái hay xám, xanh nhạt; thịt heo bệnh không có độ đàn hồi, ấn tay vào miếng thịt thấy bị rỉ nước, chảy nhớt.

TIỂU MY