Cần “trả lại” sân chơi ngày hè cho trẻ!
Nghỉ hè là dịp để con trẻ xả hơi sau một năm dài học tập. Nhiều bậc phụ huynh cũng hiểu rõ lợi ích từ hoạt động vui chơi dịp hè nhưng do bận bịu với công việc, do kinh tế hạn hẹp không đủ để cho con được “bằng bạn bằng bè” và do muôn vàn lý do mà chỉ người lớn mới hiểu nên rất nhiều trẻ em không có được những mùa hè đúng nghĩa. Vậy nên các bậc phụ huynh hãy cố gắng để trả lại sân chơi ngày hè cho trẻ bởi tuổi thơ là thời điểm để trẻ dần hình thành và hoàn thiện nhân cách, qua những trò chơi, trẻ khám phá được bản thân và thế giới xung quanh mình...
Hè nay đã khác xưa!
Nghỉ hè là khái niệm để nói đến quãng thời gian dành cho trẻ nghỉ ngơi, thư giãn sau 9 tháng học hành căng thẳng. Nhưng hình như khái niệm này chỉ còn tồn tại trong ký ức của những thế hệ đã trưởng thành. Còn với trẻ em hiện nay, hè - đơn giản chỉ là học kỳ 3 khi cha mẹ năm nào cũng vậy, cứ hè là loay hoay tìm cách quản lý con. Vì lo ngại xã hội phức tạp hoặc vì nỗi lo “cơm, áo, gạo, tiền” nên con trẻ hoặc là học, học và học đủ thứ trên đời, từ nhạc, họa, múa, võ thuật, đến toán, sinh ngữ... hoặc là suốt ngày dán mắt vào tivi, chơi game để ngoan ngoãn không làm phiền cha mẹ. Số khác thì chạy đôn chạy đáo tìm chỗ cho trẻ học kỹ năng sống, ngoại ngữ ở hết trung tâm này đến trung tâm nọ... mà không biết con có thực sự hào hứng và đủ sức tiêu hóa hết mớ kiến thức đó không...
Vì không có nơi vui chơi, trẻ chọn siêu thị, tiệm sách... làm điểm giải trí. Trong ảnh: Trẻ tập trung ngồi xem phim hoạt hình trong Siêu thị điện máy Thiên Hòa (Thuận An)
Ở TX.Thủ Dầu Một, thông thường hàng năm cứ vào khoảng trung tuần tháng 5, Nhà Thiếu nhi tỉnh, Trung tâm Văn hóa tỉnh đã có kế hoạch bố trí sân chơi và các hoạt động học tập, vui chơi cho trẻ em trong dịp hè. Đến với Nhà Thiếu nhi tỉnh các em có thể đăng ký học: Múa, thanh nhạc, thể dục nhịp điệu, đàn, hội họa, Anh văn, tin học, bóng bàn, cờ vua, võ thuật... Hàng năm, Nhà Thiếu nhi (với diện tích 10.000m2) mở từ 90 đến 120 lớp năng khiếu cho các em từ 5 - 18 tuổi với 25 bộ môn và loại hình hoạt động. Thế nhưng sức chứa của địa điểm học tập, vui chơi này cũng có hạn, nhiều trẻ không đủ điều kiện để tiếp cận.
Từ khi Khu du lịch Đại Nam (KDLĐN) mở cửa và đi vào hoạt động, trẻ em Bình Dương có thêm một địa điểm để vui chơi, giải trí. Ở đây trẻ được thỏa sức trải nghiệm với tất cả trò chơi như: Khám phá vườn thú với nhiều loại động vật quý hiếm, chơi xe điện đụng, tàu đụng, tắm biển... Nhưng để con em được vui chơi trong một ngày như vậy, các bậc cha mẹ cũng phải rút hầu bao với một khoản tiền kha khá. Khu hồ bơi công viên Thanh Lễ cũng hay quá tải, đặc biệt là khu vực bể bơi dành cho trẻ em, nhất là vào các buổi chiều. Tuy nhiên cũng phải nói rõ rằng tất cả những điểm vui chơi, giải trí được điểm qua ở trên hầu như là để dành cho các em nhỏ được sinh ra ở những gia đình có điều kiện, được quan tâm chăm sóc với sự ưu tiên đặc biệt. Còn với những trẻ em nghèo thì việc tiếp cận các dịch vụ vui chơi, giải trí này vẫn chỉ là niềm mơ ước.
Trong diễn đàn Tháng hành động vì trẻ em vừa qua, chúng ta đã được lắng nghe ý kiến con trẻ thông qua những câu hỏi rất thực tế. Đơn cử như câu hỏi của em N.T.T.Tr ở Bến Cát đã nói rằng: “Em sẽ không nói những vấn đề to tát mà chỉ nói một vấn đề rất bình thường là việc cha mẹ ép các em phải học, học miệt mài để miễn sao cha mẹ yên tâm công việc. Học hoài, trong khi chương trình học cứ thay đổi liên tục. Em thấy kiến thức học vừa bị lặp lại, lại tốn kém vừa không đủ điều kiện cho các bạn gia đình khó khăn có cơ hội theo học”.
Xã hội hóa sân chơi cho trẻ
Theo chị Nguyễn Bảo Hằng (phường Phú Lợi, TX.TDM): “Quan điểm của mình hè là thời gian vui chơi của con, nên không bắt học, ít nhất con phải được chơi 1 - 2 tháng. Hè này, cho chúng về quê với ông bà nội, mình đã chuẩn bị một bộ công cụ làm vườn cho chúng. Mình muốn các con tự tay trồng một số loại cây, chăm cho chúng có quả rồi hái quả xuống để nấu ăn... để chúng biết được muốn có ăn phải làm và làm như thế nào... Mình nghĩ đó là việc làm rất bổ ích để các con được khám phá thiên nhiên, được tìm hiểu về thế giới xung quanh mà ở thành thị ít có điều kiện, cái này quan trọng hơn việc học thêm rất nhiều”. Còn với gia đình chị Vũ Lý (An Phú, Thuận An) lại cho rằng: “Mình thấy giờ nghỉ hè cho trẻ con học các môn năng khiếu là tốt nhất. Trẻ vừa được chơi, vừa được phát triển năng khiếu tiềm ẩn thì còn gì bằng. Hè này, con mình sẽ học môn cờ vua vì nó có thể phát triển được tính tư duy và sự thông minh của trẻ”.
Khuyến cáo của các chuyên gia y tế cho rằng, trẻ cần dành ít nhất 7 giờ mỗi tuần cho các hoạt động thể lực. Theo TS.BS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng thì: “Trẻ em nên được “sơ tán” theo nhóm gia đình, mục đích để tạo mối liên hệ giữa các em. Mô hình này hoàn toàn có thể thực hiện được, một nhóm 4 - 5 trẻ với một người trông nom về sinh sống tại một vùng quê (có thể là quê của một bạn trong nhóm). Việc các em được chơi với nhau đã là một môi trường học tập rất tốt, chính các em sẽ học hỏi, giao lưu với nhau. Hãy căn dặn trẻ về sự an toàn, tránh xa sông hồ, không ra ngoài giờ nắng cao điểm, quy định về giờ giấc nghỉ ngơi... còn hãy để trẻ tự giao lưu, sống với nhau trong môi trường của con trẻ. Đó là hình thức “sơ tán” hiện đại phù hợp nhất với tình trạng ngày hè của trẻ em hiện nay”.
Việc tạo thêm nhiều sân chơi xen kẽ trong các khu dân cư cũng là điều cần làm. Giải pháp hữu ích chính là việc xã hội hóa trong xây dựng sân chơi cho trẻ, bởi khi có sự đầu tư kinh doanh, sẽ có sự quản lý, bảo trì, tránh được tình trạng đồ chơi hỏng không ai sửa, bỏ hoang không ai tiếc. Cùng với đó là đặc thù tỉnh Bình Dương, có nhiều KCN với lực lượng công nhân hơn 760.000 lao động nhập cư thì cũng sẽ có rất nhiều trẻ em ở các gia đình công nhân không có đủ điều kiện vui chơi, giải trí. Vì lẽ đó, việc kêu gọi các chủ doanh nghiệp “để ý” hơn tới việc xây dựng sân chơi cho trẻ, vừa thể hiện sự quan tâm trong chính sách đãi ngộ, vừa góp phần giúp người lao động yên tâm công tác, phục vụ chất lượng chuyên môn tốt nhất.
MAI LINH
TS.BS TRẦN TUẤN, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng: “Cha mẹ nên cho con hòa mình cùng thiên nhiên”
“Tình cảnh trẻ nghỉ hè không có người trông, không có sân chơi, làm bạn với tivi, máy tính là việc mà ai cũng biết, nhà nào cũng gặp nhưng chưa tìm ra cách giải quyết thỏa đáng. Trẻ em đang ở lứa tuổi quan sát, học hỏi và bắt chước, vì thế để trẻ sống trong các môi trường khác nhau sẽ rất tốt cho nhận thức của trẻ. Nếu chỉ nhốt trẻ ở nhà, làm bạn với tivi, máy tính, game... thì rất nguy hiểm bởi trẻ em cần phải vận động. Vận động là phương thuốc dự phòng bệnh tật hiệu quả, giúp trẻ năng động hơn, đỡ nhút nhát, rụt rè. Môi trường “tĩnh” với máy tính, tivi... sẽ cản trở sự phát triển lành mạnh của trẻ. Để tạo môi trường học hỏi mới cho trẻ, ngày hè là một cơ hội tuyệt vời. Được nghỉ hè, cha mẹ nên cho con rời hẳn khỏi môi trường giáo dục chính thống để hòa mình với thiên nhiên, sống trong môi trường với sự giao lưu giữa trẻ - trẻ”.