Cần tiếp tục tuyên chiến với nạn bằng cấp giả

Thứ năm, ngày 26/08/2010

Bằng giả hoàn toàn; bằng thật, học giả: không cần đi học mà vẫn có bằng, bằng thật hẳn hoi, sướng quá; bằng thật, học thật, kiến thức giả: vẫn đi học như bao người, có điều vào lớp để điểm danh, chứ có biết gì đâu mà học với hành! Cả 3 loại trên đều là những dạng trá hình của tệ nạn bằng cấp giả. Đã nói là tệ nạn thì xã hội, luật pháp không chấp nhận.

Trong xã hội có rất nhiều người đã thành công trên con đường học vấn, nhưng rơi rớt đâu đó vẫn có những người không thể vượt qua ngưỡng cửa học hành. Khi ấy, nhiều người chọn cách về làm dân kiếm việc làm ăn hoặc làm “lính trơn”. Nhưng cũng có người chọn cách sử dụng bằng giả. Các loại hình đào tạo, phương thức học nay đã được cải tiến theo hướng đa dạng, thiết thực cho từng đối tượng. Trong bối cảnh đó, tình trạng sử dụng bằng cấp giả vẫn tràn lan, đặc biệt là trong đội ngũ cán bộ là điều không thể chấp nhận. Đó không đơn giản là sự đối phó trước yêu cầu “chuẩn hóa cán bộ” mà thể hiện sự dối trá, mất tư cách đạo đức của những người sử dụng tấm bằng giả “nghiênh ngang”  trước người khác. Liệu có khó phát hiện ra người sử dụng bằng cấp giả hay không? Không hề khó, nhất là khi đối tượng đó là cán bộ, công chức.

 

Bằng tốt nghiệp PTCS làm giả

Học tập là cả một quá trình, không là chuyện một ngày một bữa. Học tập thì phải có bè bạn, trường lớp, thầy cô. Thi cử thì phải có kết quả, điểm số. Với người dân, cầm tấm bằng giả đi xin việc thì có thể đơn vị sử dụng lao động khó có khả năng thẩm tra văn bằng một cách đầy đủ. Mà đôi khi vì những việc họ làm cũng không cần đến bằng cấp cao nên việc này cũng không ảnh hưởng gì đến người xung quanh. Thế nhưng, với cán bộ công chức thì lại khác, việc sử dụng bằng cấp giả đã đủ để loại người đó ra khỏi guồng máy chính quyền vì không đủ tư cách đạo đức. Mặt khác, khi không có trình độ mà lại ở tầm quản lý thì chỉ có hại cho tiến trình phát triển xã hội. Sự chuẩn hóa cán bộ hiện nay đã quá gò ép vào quy định bằng cấp mà chưa chú ý đến năng lực thực sự của cán bộ, trong khi lẽ ra hai tiêu chí này phải được xem trọng ngang nhau!

Nhưng còn có thực tế khác không kém nguy hại và phổ biến hơn, đó là tình trạng “văn bằng, chứng chỉ (VBCC) thật - chất lượng giả” mà nguyên nhân chính có phần do lạm phát hình thức đào tạo chuyên tu, tại chức, liên kết, chạy theo thành tích và lợi ích kinh tế đơn thuần của một số cơ sở giáo dục - đào tạo... Dù là VBCC giả hay VBCC kém chất lượng đều sinh ra những trí thức giả, những công trình khoa học giả và sản phẩm hàng hóa giả; không chỉ nguy hại cho hôm nay mà còn cả với mai sau. Vấn đề là thái độ của xã hội đối với những người sử dụng VBCC giả. Phải kiên quyết xử lý, dù có phải đụng chạm đến bất kỳ đối tượng nào, không thể nhân nhượng đối với tệ nạn này! Thực tế cho thấy, một số sinh viên có nhu cầu là sẽ có dịch vụ giao cho một bản photocopy của bài luận văn nào đó tương tự với đề tài đang viết. Cứ đem về xào nấu lại, thay tựa thay tên, đưa vào vài số liệu, biểu đồ mới... là xong! Một cách nhẹ khỏe hơn nữa là đến các cửa hàng bán đĩa CD, dịch vụ vi tính, photocopy trước cửa các trường đại học và cao đẳng, là có thể tha hồ tìm thấy hàng trăm đĩa CD mà các tiệm đã chép lại, tìm bài nào đó gần gũi với đề tài mình chọn. Chỉ tốn có 8.000 đồng/đĩa là có thể mang về nghiên cứu, pha chế; hoặc có thể dạo qua các chỗ bày bán sách báo cũ trên vỉa hè, bỏ thì giờ lục lạo, chọn mua các tập luận văn cũ với giá... giấy cân ký!

Cuộc đấu tranh chống bằng giả không thể ngừng nghỉ, nương tay bởi đó là cuộc đấu tranh vì sự phát triển của đất nước. Vì vậy, chúng ta không nên quá coi trọng bằng cấp mà xem nhẹ năng lực thực sự mà một con người có thể đáp ứng tốt cho một vị trí công việc nào đó? Các thông tin về sinh viên tốt nghiệp nên được đưa lên trang web chung do Bộ Giáo dục - Đào tạo quản lý; các cơ quan, công ty tuyển dụng nên kiểm tra năng lực thực tế của nhân viên trước khi tuyển dụng vào làm nhân viên chính thức. Nếu thấy nghi ngờ, có thể yêu cầu nơi đào tạo xác minh lại bằng cấp; các cơ quan quản lý cần nghiêm túc trong công tác quản lý phôi bằng gốc, không để lọt ra ngoài; các cơ quan chức năng cần triệt phá các đường dây mua bán bằng cấp giả, có chế tài, xử phạt nghiêm minh đối với loại tội phạm này; hiệu trưởng các cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm chính trong việc cấp phát bằng tốt nghiệp cho sinh viên của trường mà mình đào tạo. Ngày nay, trong suy nghĩ của một số người, bằng cấp là một thứ trang sức cao cấp. Đó còn là giấy thông hành để với tới chức vụ cao hơn. Từ bằng tốt nghiệp THPT đến bằng bổ túc văn hóa, từ bằng đại học đến chứng chỉ ngoại ngữ, vi tính... thiếu cái nào, cần cái nào, bổ sung ngay cái nấy. Có cung ắt sẽ có cầu, có người cần bằng thì xuất hiện đội ngũ “cò bằng”, đường dây chạy bằng sinh sôi nảy nở!

PHƯƠNG HÙNG