Cần tiếp tục quan tâm phát triển y học cổ truyền

Thứ hai, ngày 16/11/2020

(BDO) Nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở, các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh đã sáng tạo nhiều mô hình phát triển y học cổ truyền (YHCT). Tuy nhiên, công tác phát triển này còn gặp nhiều khó khăn, cần sự chung tay của các cấp, các ngành, đặc biệt của các đơn vị y tế để giữ gìn phát huy di sản y học dân tộc.

 Bệnh viện Hoàn Hảo Kei Mei Kai (TP.Dĩ An) khám, chữa bệnh, tư vấn sức khỏe bằng y học cổ truyền, vật lý trị liệu phục hồi chức năng cho bệnh nhân

 Vẫn còn mờ nhạt

Trong hội nghị tổng kết 10 năm (2011-2020) thực hiện kế hoạch phát triển y, dược cổ truyền tỉnh Bình Dương, định hướng công tác y, dược cổ truyền đến năm 2030, ngành y tế Bình Dương đã nhìn nhận những hạn chế trong công tác thực hiện Quyết định 2166 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động của Chính phủ về phát triển y, dược cổ truyền Việt Nam đến năm 2020. Hạn chế ấy được thể hiện rõ qua tỷ lệ bệnh nhân khám, chữa bệnh bằng YHCT qua các năm không đạt chỉ tiêu, đặc biệt từ năm 2016- 2019 tỷ lệ này ở tuyến tỉnh và huyện giảm đáng kể. Mục tiêu xây dựng Bệnh viện YHCT tỉnh thành Bệnh viện Đa khoa y dược cổ truyền theo tiêu chuẩn hạng 2 chưa đạt được kế hoạch đề ra. Trong khi đó chỉ có 72/91 Trạm Y tế xã đạt tiêu chí tiên tiến về y dược cổ truyền, chiếm 79,12%, còn lại 19 xã chưa đạt, rơi vào các địa phương: Huyện Bắc Tân Uyên 10 xã, TP.Thuận An 5 xã, huyện Phú Giáo 3 xã và huyện Dầu Tiếng 1 xã.

Bệnh viện YHCT là đơn vị đầu ngành về chuyên khoa y, dược cổ truyền của tỉnh với quy mô 150 giường bệnh. Bệnh viện này có cơ sở vật chất rộng rãi, đầy đủ trang thiết bị phục vụ công tác khám, chữa bệnh bằng YHCT, kết hợp YHCT với y học hiện đại; đội ngũ y, bác sĩ có trình độ chuyên môn nhưng mỗi ngày bệnh viện chỉ tiếp nhận 100 - 200 lượt người đến khám ngoại trú và chăm sóc từ 70 - 100 người bệnh điều trị nội trú. Theo lãnh đạo bệnh viện, do phải thực hiện cơ chế tự chủ tài chính trong khi nội lực chưa dồi dào, việc giao dự toán bảo hiểm y tế chưa phù hợp với thực tế sử dụng của đơn vị nên các quy trình đấu thầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế tiêu hao còn nhiều bỡ ngỡ, khó khăn.

Bên cạnh Bệnh viện YHCT chưa phát huy hết vai trò, tiềm năng thì Hội Đông y tỉnh cũng nằm trong tình trạng “lay lắt”. Theo đánh giá của các chuyên gia, nền Đông y tỉnh Bình Dương có bề dày truyền thống với ưu thế có khả năng phòng, chữa một số bệnh mãn tính nhưng từ năm 2019 tổ chức các huyện, thị, thành hội cắt giảm định xuất tài chính nên khó khăn cho công tác bồi dưỡng, kế thừa dạy nghề YHCT cho lương y. Mặt khác, cán bộ hội là bác sĩ, dược sĩ, lương y chưa có chính sách đãi ngộ nên một bộ phận không mặn mà với nghề. Phong trào trồng cây thuốc bảo vệ nguồn gen, giống cây trồng không có kinh phí bảo tồn, chính sách văn hóa phi vật thể Đông y còn mờ nhạt, không thu hút được hội viên gắn bó, nhiệt tình tham gia các hoạt động, phong trào của hội.

Nhiều hạn chế cần khắc phục

Hiện nay, y tế tuyến cơ sở thường xuyên khám, điều trị ho, viêm họng, đau xương khớp, rối loạn tiêu hóa, các bệnh mãn tính… rất phù hợp cho việc triển khai điều trị bằng thuốc Nam, châm cứu, sử dụng các phương pháp khám, chữa bệnh bằng YHCT không dùng thuốc. Tuy nhiên, lĩnh vực này hiện gặp nhiều khó khăn, như: Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác điều trị còn thiếu và chưa đồng bộ; đội ngũ chuyên khoa YHCT tại các tuyến cơ sở còn thiếu, kinh phí phục vụ cho các hoạt động còn hạn hẹp. Trong khi đó, công tác nuôi trồng, phát triển nguồn dược liệu còn nhiều hạn chế, địa bàn chưa có vùng chuyên canh trồng cây dược liệu. Phong trào trồng cây thuốc bảo vệ nguồn gen, bảo vệ giống cây trồng không được duy trì và phát động trong nhân dân.

Qua thực tế khảo sát, hầu hết trạm y tế các xã đều có phòng YHCT, xây dựng và duy trì được vườn cây thuốc Nam với đủ chủng loại theo quy định nhưng việc khám, chữa bệnh bằng YHCT lại không thường xuyên. Lý do của việc ít bệnh nhân một phần bởi trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh còn nghèo nàn, sơ sài, nhân lực tham gia khám, chữa bệnh bằng YHCT ở tuyến xã vừa thiếu, vừa yếu. Qua số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ đội ngũ y, bác sĩ làm công tác YHCT thấp, chỉ chiếm 8% so với nhân lực y học hiện đại. Trình độ cán bộ công tác trong lĩnh vực YHCT ở các tuyến không đồng đều; tuyến tỉnh trình độ chuyên môn của y, bác sĩ cao hơn các trung tâm và trạm y tế và đa phần là y sĩ kiêm nhiệm YHCT. Hàng năm, công tác tuyển dụng được đẩy mạnh nhưng ở tuyến huyện khó tuyển dụng được bác sĩ YHCT về làm việc, phần lớn các đơn vị phải sử dụng đội ngũ y sĩ cử đi học chuyên khoa về YHCT.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Hoài, Trưởng trạm Y tế xã An Điền, TX.Bến Cát cho biết: “Nhu cầu khám chữa bệnh bằng phương pháp Đông y hiện nay của nhân dân rất lớn nhưng nhân lực tại trạm thiếu và kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực khác nhau. Mặt khác vườn thuốc Nam cũng chỉ là vườn mẫu với một số loại cây thông dụng chứ không thể sơ chế thành thuốc nguyên liệu. Vì vậy, hoạt động khám chữa bệnh theo phương pháp YHCT chỉ dừng lại ở việc hướng dẫn người bệnh cách sử dụng một số loại cây thuốc theo phương pháp thông thường”.

Để công tác khám chữa bệnh bằng phương pháp YHCT mang lại hiệu quả thiết thực thì ngành y tế cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho y tế tuyến cơ sở; đẩy mạnh đào tạo, thu hút nguồn nhân lực YHCT; dự trù tốt hơn dược liệu, thuốc cổ truyền để phục vụ bệnh nhân; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, phát huy bài thuốc hay, cây thuốc quý ứng dụng; mạnh dạn triển khai các kỹ thuật phục hồi chức năng; đẩy mạnh công tác xã hội hóa về YHCT…

 KIM HÀ