Cần thiết trình dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại Kỳ họp thứ 7

Thứ ba, ngày 16/04/2024

(BDO) Phát biểu ý kiến tại phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 15-4, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho rằng, cần thiết trình Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trình tại Kỳ họp thứ 7.


Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng phát biểu tại phiên họp.

Về ý kiến thẩm tra liên quan đến một số ý kiến cho rằng nên lùi dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trình tại Kỳ họp thứ 8, Chính phủ đã có Tờ trình đề xuất đưa dự án Luật này trình tại Kỳ họp thứ 7 và thông qua tại Kỳ họp thứ 8...

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng nêu rõ, tình hình cháy nổ ở nước ta thời gian qua diễn biến rất phức tạp, nhất là tại các hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh, các khu dân cư, các cơ sở karaoke... Do vậy, để nâng cao trách nhiệm cá nhân trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ sát với diễn biến hiện nay, cần thiết trình dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 7.  

“Bên cạnh đó, nếu lùi dự án Luật này xuống trình tại Kỳ họp thứ 8 cũng sẽ ảnh hưởng đến các dự án Luật khác đang được chuẩn bị”, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng bày tỏ.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật và Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật và cơ bản tán thành với đề xuất của Chính phủ bổ sung dự án Luật vào Chương trình năm 2024.  

Ủy ban Pháp luật đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp để Quốc hội có thể cơ bản hoàn thành khối lượng lớn nhiệm vụ lập pháp của nhiệm kỳ, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Trong trường hợp cần thiết, đề nghị Ủy ban thường Vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội xem xét tổ chức thêm kỳ họp bất thường hoặc kéo dài thời gian kỳ họp thường lệ của Quốc hội, chia kỳ họp thành các đợt để xem xét, cho ý kiến, thông qua được nhiều dự án luật như đã triển khai trong năm 2023.  

Về 4 dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Nhà giáo, Ủy ban Pháp luật, Thường trực các Ủy ban thẩm tra nội dung nhất trí với đề nghị của Chính phủ bổ sung 4 dự án Luật này vào Chương trình năm 2024, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8, thông qua tại kỳ họp thứ 9...

Cũng trong chiều ngày 15/4, về đề nghị lùi thời gian trình đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Ủy ban Pháp luật và Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành với đề nghị của Chính phủ. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật được ban hành cách đây 17 năm, đến nay có nhiều vấn đề mới phát sinh, thay đổi so với thời điểm ban hành, do đó đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, trình Quốc hội sửa đổi toàn diện Luật cho phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước.

Ủy ban Pháp luật đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ và các cơ quan chỉ đạo rà soát, xây dựng kế hoạch ban hành văn bản thực hiện trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ; trong đó, xác định rõ thứ tự ưu tiên để đề xuất với Quốc hội, UBTVQH xem xét, quyết định. Cùng với đó, đề nghị Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan chủ động rà soát, nghiên cứu, đề xuất các nhiệm vụ lập pháp cho nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI; thực hiện các giải pháp đề ra trong Đề án Định hướng là 05 năm tiến hành sơ kết, 10 năm tiến hành tổng kết việc thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết; trường hợp phát hiện có mâu thuẫn, chồng chéo hoặc nội dung không còn phù hợp với thực tiễn thì kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp...

Theo TTXVN