Cẩn thận với bệnh viêm hô hấp ở trẻ nhỏ
(BDO) Thời tiết thay đổi thất thường là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh viêm hô hấp ở trẻ nhỏ. Trẻ nhỏ sức đề kháng còn yếu nên dễ mắc bệnh hơn người lớn. Do vậy, các bậc cha mẹ cần hiểu biết để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời cho con trẻ, tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra...
Bệnh nhi đang điều trị bệnh tại khoa nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Anh Nguyễn Minh Huy, ở khu phố 5, phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một, cho biết đứa con hơn 2 tuổi của anh bị viêm hô hấp hơn 10 ngày nay vẫn chưa khỏi hẳn. Lúc đầu, cháu có dấu hiệu hắt hơi, sổ mũi, nóng sốt nhẹ. Anh đã đưa cháu đi bác sĩ tư khám với hy vọng được thăm khám sớm, cho thuốc uống cháu sẽ nhanh khỏi bệnh. Thế nhưng, đến nay bệnh của cháu vẫn chưa khỏi hẳn, những cơn ho vẫn còn dai dẳng kèm theo sổ mũi. “Cháu đã uống mấy liều thuốc nhưng vẫn chưa khỏi, giờ cho cháu uống siro để giảm ho chứ không cho uống thuốc nữa. Mấy ngày nay uống thuốc nhiều quá, rồi mỗi khi ăn vào ho là ói hết nên cháu ốm hẳn...”, anh Huy xót xa.
Trong xóm anh Huy ở, hầu như nhà nào có con nhỏ cũng bị viêm hô hấp. Đứa thì sổ mũi, đứa ho, đứa thì sốt nhẹ, có đứa phải nhập viện điều trị vì bệnh trở nặng qua viêm phổi. Điều đáng nói là những đứa trẻ trong xóm lại thường xuyên chơi chung với nhau. Đây là nguyên nhân làm bệnh lây bệnh từ trẻ mắc bệnh sang những trẻ lành khác.
Bác sĩ chuyên khoa I nhi Trần Hữu Nhơn, Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện Medic Bình Dương, cho biết bệnh viêm hô hấp hay còn gọi là bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính. Đây là một nhóm bệnh do vi khuẩn hoặc vi rút gây ra. Những tổn thương viêm cấp tính ở một phần hay toàn bộ hệ thống đường hô hấp kể từ tai, mũi, họng đến phổi, màng phổi. Đây là một trong những căn bệnh thường gặp nhất ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 5 tuổi. Đa phần, các trường hợp nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính tự khỏi trong vòng một tuần nếu được cha mẹ chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, có khoảng 1/3 trường hợp bệnh sẽ diễn tiến thành viêm phổi. “Viêm phổi là biến chứng nguy hiểm của nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính ở trẻ nhỏ. Vì thế, việc phát hiện sớm trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp là rất quan trọng. Cha mẹ cần theo dõi để phát hiện bệnh sớm và chăm sóc tốt khi trẻ mắc bệnh...”, bác sĩ Nhơn nói.
Theo bác sĩ Nhơn, nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm đường hô hấp tăng nhiều ở trẻ nhỏ hiện nay là do sự thay đổi của thời tiết - “sáng nắng, chiều mưa”. Chính điều này làm cho độ ẩm trong không khí tăng lên, cha mẹ không để ý nên trẻ dễ bị nhiễm lạnh. Đây là môi trường thuận lợi để vi khuẩn, siêu vi phát triển gây nên các bệnh hô hấp ở trẻ. Ngoài ra, nguyên nhân gây bệnh còn do ô nhiễm môi trường, khói bụi (xe cộ, nhà máy xí nghiệp nhiều, đốt nhang...). Một điều mà ít ai chú ý đó là ô nhiễm không khí trong nhà. Thắp hương là nét văn hóa của người Việt. Tuy nhiên, nó cũng là một trong những nguyên nhân tạo ra chất ô nhiễm không khí gây viêm phổi ở người.
Các biểu hiện lâm sàng của viêm đường hô hấp cấp ở trẻ nhỏ rất đa dạng và ở nhiều mức độ khác nhau. Thông thường, khi mới bắt đầu trẻ thường có những triệu chứng như ho, sốt, chảy nước mũi, nghẹt mũi, rồi thở nhanh, cánh mũi phập phồng. Nặng hơn nữa là nhìn thấy lồng ngực trẻ bị rút lõm trong khi thở vào, thở rít, tím tái. Nếu không xử lý kịp thời, trẻ có thể bị hôn mê, co giật, thậm chí là tử vong. Do đó, bác sĩ Nhơn cho rằng, việc đánh giá phân loại, xác định điều trị kịp thời rất quan trọng.
Những ngày này, đến khoa nhi các bệnh viện hay các phòng khám tư bên ngoài, mới thấy rất nhiều trẻ nhỏ mắc bệnh viêm hô hấp. Đây là bệnh lây qua đường hô hấp, dễ lây truyền từ trẻ bệnh sang trẻ lành, vì thế các bác sĩ luôn khuyến cáo, tránh cho trẻ lành tiếp xúc với trẻ đang bệnh. Khi trẻ mắc bệnh, không nên cho trẻ đi học và đến những chỗ đông người để tránh lây bệnh cho nhiều trẻ khác. Cha mẹ phải có ý thức phòng bệnh cho con, luôn giữ ấm cơ thể và tránh mắc mưa, tránh nhiễm lạnh cho trẻ…
Với những bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc xin, các bậc cha mẹ nên cho trẻ đi tiêm đầy đủ, đúng lịch, đặc biệt là hoàn thành các mũi tiêm chủng trong năm đầu đời.
HỒNG THUẬN