Cần tận dụng tốt lợi thế từ CPTPP
(BDO) Gần 1 tháng sau khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực (14-1-2019), cũng là những ngày đầu năm mới Kỷ Hợi, phóng viên Báo Bình Dương đã có dịp gặp gỡ, “xông đất” một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang bận rộn với các đơn hàng mới nhờ có sự chuẩn bị từ xa về hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có CPTPP.
Dây chuyền sản xuất hiện đại của Công ty cổ phần Đại Thiên Lộc. Ảnh: DUY CHÍ
Chủ động nguyên liệu
Ngay từ đầu năm 2019, Công ty TM-SX Sao Nam (Khu công nghiệp Nam Tân Uyên) rất bận rộn vì nhiều đơn hàng. Bà Đỗ Thị Kim Loan, Tổng Giám đốc công ty, cho biết công ty đã tổ chức kế hoạch nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 bằng chuyến du lịch tại Pháp kết hợp đến các nước châu Âu chọn mua nguyên liệu, do đơn hàng đã ký đến hết quý III. Dù đơn hàng nhiều, cường độ sản xuất tăng nhưng công ty đã bố trí nghỉ tết khá sớm để có thời gian kiểm tra chất lượng các lô hàng, xuất trước nhằm tránh bị kẹt khi các doanh nghiệp đồng loạt trở lại làm việc và có thời gian tổ chức nhiều trò chơi liên hoan họp mặt sau 1 năm làm việc vất vả.
Thời tiết châu Âu đang lạnh từ âm 2 - 5 độ C nhưng gia đình bà Loan vẫn đội tuyết đến các cánh rừng để xem, chuẩn bị nguồn nguyên liệu cho niên vụ sản xuất mới. Từ ngày thành lập đến nay, Sao Nam đã kiên trì theo đuổi chính sách thương mại song phương là “Mua nguyên liệu - Bán thành phẩm chất lượng với giá trị gia tăng cao”. Bà Loan nói: “Là doanh nghiệp ra đời sau, chúng tôi phải chủ động đề phòng, tránh những rủi ro mà thị trường các nước nhập khẩu hàng hóa đặt ra, cũng như bài học của doanh nghiệp đi trước để lại khi tham gia xuất khẩu, đó là thuế chống bán phá giá cùng các hàng rào kỹ thuật, chính sách tự vệ thương mại... Cách tốt nhất để “sống chung” với những thị trường khó tính này là xây dựng chuỗi sản xuất nhằm bảo đảm chất lượng và là bạn hàng tin cậy với các thị trường nhập khẩu”.
Cách “làm bạn” của Công ty Sao Nam từ khi khởi nghiệp đến nay là chủ động mua gỗ nguyên liệu từ Mỹ và châu Âu để sản xuất và xuất khẩu lại thành phẩm đến các thị trường nói trên, để vừa không bị lọt vào danh sách “bán phá giá” vừa bảo đảm nguồn nguyên liệu ổn định cho sản xuất. Hơn nữa, công ty đã xây dựng và duy trì chuỗi giá trị để bảo đảm chất lượng sản phẩm xuất khẩu luôn phát triển bền vững. Bà Loan nói: “CPTPP cũng như các hiệp định thương mại tự do khác là bước đi tất yếu trong hội nhập và phát triển. Cũng là sản phẩm gỗ nhưng ván sàn là thị trường mới và cũng chịu áp lực cạnh tranh đa chiều từ nhà sản xuất đến từ các nước có nền công nghiệp phát triển. Chúng tôi hiểu được thế yếu của mình, cũng là đặc trưng “nhỏ và vừa” của cộng đồng doanh nghiệp Việt, Sao Nam chọn hướng đi riêng để biến thách thức thành thời cơ. Sao Nam đã được cơ quan kiểm định chất lượng Hoa Kỳ cấp chứng nhận về tiêu chuẩn chất lượng. Điều này đồng nghĩa với chuỗi cung ứng cho Sao Nam từ gỗ, keo dán, nguyên phụ liệu... đều đã đạt tiêu chuẩn chất lượng Hoa Kỳ. Đó là tiêu chuẩn cao nhất, khó khăn nhất. Đạt tiêu chuẩn đó thì sản phẩm của công ty sẽ được hầu hết các thị trường khác chấp nhận”.
Quản trị tiên tiến, hiện đại hóa công nghệ
CPTPP được các chuyên gia cao cấp, nhà quản lý đánh giá sẽ mở ra cơ hội tốt cho các ngành nông nghiệp, giày da, thủ công mỹ nghệ trong nước phát triển mạnh mẽ hơn; tuy vậy tùy vào thị trường của mỗi nước nhập khẩu, cơ hội sẽ thay đổi khác nhau theo quy định riêng của nước đó. Ngược lại, các ngành công nghiệp nặng như ngành thép sẽ chịu nhiều áp lực vì phần lớn nguyên liệu phải nhập khẩu, trong đó Trung Quốc là thị trường có ảnh hưởng mạnh đến các nhà sản xuất trong nước.
Ông Nguyễn Thanh Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tôn Đông Á, cho biết CPTPP không có Hoa Kỳ, trong khi đây lại là thị trường lớn của ngành thép Việt Nam. Ngành thép chịu tác động lớn đến cùng một thời điểm là CPTPP và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nhưng may mắn cho ngành thép lá mạ là chỉ bị ảnh hưởng nhẹ về nguồn gốc, trong đó tập trung vào nguồn gốc nguồn nguyên liệu. Nhờ có sự chuẩn bị từ xa, Tôn Đông Á đã hiện đại hóa nhà máy thứ 2 tại TP.Thủ Dầu Một đạt tiêu chuẩn công nghệ hiện đại. Cùng với đó, công ty đã xây dựng hệ thống quản trị tiên tiến, kịp thời cập nhật thông tin, dự báo và có chính sách kịp thời nhằm tránh bị ảnh hưởng của những biến động trên thị trường.
Theo ông Trung, năm 2019 sẽ phát sinh nhiều khó khăn nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội mới vì CPTPP là thị trường lớn, chiếm tỷ trọng 15,7% kim ngạch xuất khẩu, khoảng 16% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam, nên sẽ tạo ra thị trường lớn về thương mại cho chúng ta. Ngoài ra, các thành viên CPTPP đang đầu tư khoảng 112 tỷ USD vào Việt Nam sẽ tạo điều kiện cho các dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng như đầu tư gián tiếp vào Việt Nam thông qua hoạt động mua cổ phần, mua bán, sáp nhập tiếp tục có cơ hội tăng trưởng...
Dù cùng ngành sản xuất nhưng mỗi doanh nghiệp sẽ có chiến lược và hướng đi riêng. Ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đại Thiên Lộc, nói xu thế hội nhập, phát triển buộc các doanh nghiệp, nhà quản lý phải tự nâng cao chính mình bằng cách hiện đại hóa, đồng thời với đa dạng hóa sản phẩm để tránh bị động trước những biến động của thị trường. Cùng với thị trường tôn thép gia dụng, công nghiệp, Tôn Đại Thiên Lộc đã phát triển sang các ngành khác có giá trị gia tăng cao như cung cấp nguyên liệu thép cho ngành sản xuất ô tô, ngành sản xuất thiết bị gia dụng, thiết bị nhà bếp... Trước mắt, CPTPP sẽ phát sinh khó khăn cho nhiều doanh nghiệp vì các quy định, điều kiện đã thay đổi theo hướng khó hơn. Doanh nghiệp phải vừa hiện đại hóa để nâng cao hiệu quả sản xuất phải vừa nâng cao hiệu quả quản trị, để vừa tiết kiệm vừa bảo đảm phát triển an toàn, bền vững. CPTPP cũng mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, như có thêm nhiều bạn hàng mới, thị trường rộng mở hơn với nhiều ưu đãi tốt hơn... Điều này hoàn toàn phù hợp với quy luật của sự phát triển là “Hôm nay phải tốt hơn hôm qua và sẽ không bằng ngày mai”.
DUY CHÍ