Cần sự gắn kết giữa người sản xuất và nhà phân phối

Thứ tư, ngày 25/08/2010

Sau 1 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hàng nội đã bước đầu tạo được chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng. Tuy nhiên, để có vị trí vững chắc trong tương lai thì cả nhà sản xuất và phân phối phải có sự hỗ trợ và liên kết chặt chẽ hơn nữa. Ảnh minh họa

Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thì, nhiều mặt hàng sản xuất trong nước gặp khó khăn khi tìm kiếm kênh phân phối có hiệu quả để bán sản phẩm của mình. Bà Dương Thanh Thủy, thành viên hiệp hội bán lẻ Việt Nam cho biết hiện nay sự liên kết giữa nhà sản xuất và nhà phân phối còn lỏng lẻo. Nhiều nhà phân phối trong đó phải kể đến siêu thị lớn vẫn dành sự ưu tiên đặc biệt cho những sản phẩm đã có thương hiệu, chưa cởi mở và ưu đãi đối với sản phẩm Việt chưa có thương hiệu vững mạnh.

Đó chính là khó khăn đối với nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong đó có các làng nghề truyền thống. Ông Phan Minh Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ làng nghề Phùng Xá, Mỹ Đức Hà Nội chia sẻ: “Hiện nay cái khó khăn của làng nghề là việc tiêu thụ sản phẩm tại các siêu thị. Làng nghề đã giới thiệu và bán sản phẩm của mình tại địa bàn nông thôn nhưng ở các siêu thị thì việc tiếp cận vẫn còn rất khiêm tốn. Số lượng mặt hàng tại các siêu thị khu vực phía Bắc chỉ chiếm khoảng 20-25% trong tổng số mặt hàng sản xuất ra”.

Tại đô thị, nhiều người tiêu dùng đã quen với việc đi mua sắm ở siêu thị và trung tâm thương mại. Và đó chính là là kênh phân phối quảng bá hàng Việt rất có hiệu quả. Họ có điều kiện trưng bày, giới thiệu sản phẩm, tư vấn khách hàng và bán sản phẩm đến người tiêu dùng nhanh chóng và thuận tiện nhất.

Tuy nhiên cái khó của siêu thị và trung tâm thương mại từ thành thị đến nông thôn vẫn là vốn, bởi chi phí để vận hành rất lớn. Nếu như việc tiêu thụ sản phẩm hàng hóa kém sẽ ảnh hưởng lớn đến doanh thu của nhà phân phối. Vì vậy trong buổi hội thảo kết nối nhà sản xuất và nhà phân phối miền Bắc vì người tiêu dùng Việt, bà Dương Thanh Thủy, thành viên của Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam cũng chỉ ra những điểm còn lỏng lẻo trong mối liên kết giữa khâu sản xuất và khâu tiêu thụ, đó là hiện nay nhà phân phối chỉ biết bán hàng mà không có thông tin báo lại cho người sản xuất là hàng đó có mặt tích cực là gì, người tiêu dùng ưa chuộng ra sao và phải làm thế nào để đáp ứng đúng yêu cầu của khách hàng.

Theo bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) thì trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay, nhà sản xuất và phân phối đều gặp những khó khăn nhất định. Vì vậy để tạo được sự gắn kết chặt chẽ của đầu vào và đầu ra sản phẩm thì cần có chính sách ưu đãi cho mỗi đơn vị.

Bà Vũ Kim Hạnh đề xuất giải pháp là không thể đưa tất cả hàng Việt ra trưng bày vì hàng hóa phải tuân thủ chất lượng an toàn, uy tín thương hiệu gì. Bà mong rằng, các siêu thị sẽ dành ra một phần cho các doanh nghiệp hàng Việt chưa có thương hiệu giới thiệu trong vòng 3 tháng chẳng hạn, nhà nước cần có hỗ trợ về quảng cáo….

Việc tổ chức các hình thức đưa hàng Việt Nam đến tay người tiêu dùng trong nước là động thái bước đầu giúp người tiêu dùng có thể nhận diện rõ hơn về hàng Việt Nam. Ngày nay, trước sức mạnh quảng cáo của các tập đoàn đa quốc gia thì quan niệm “hữu xạ tự nhiên hương” đã không còn nhiều tác dụng. Giữa muôn vàn hàng hóa đa dạng, đủ loại đang xuất hiện ngày một nhiều, hàng Việt Nam cần được giới thiệu, quảng bá để được người tiêu dùng biết đến, ủng hộ và sử dụng.

Vì thực chất hàng Việt Nam đã được cải thiện rất nhiều, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu sản xuất trong nước phần lớn đã đáp ứng được nhu cầu về chất lượng và mẫu mã. Khi người Việt Nam chuộng hàng Việt Nam là khi doanh nghiệp đã tạo được chỗ đứng tốt, tự chủ trong nền kinh tế, tạo được nhiều việc làm, góp phần bảo đảm nguồn thu cho ngân sách cho quốc gia.

Theo VOV News