Cần sử dụng thuốc kháng sinh có trách nhiệm
(BDO) Thuốc kháng sinh được coi là một giải pháp điều trị các bệnh do nhiễm vi khuẩn. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề kháng thuốc kháng sinh đang làm gia tăng mức độ nguy hiểm, ảnh hưởng đến khả năng điều trị các bệnh nhiễm trùng. Việc sử dụng thuốc kháng sinh cần có sự cộng đồng trách nhiệm từ nhân viên y tế đến người bệnh và cả người sử dụng thuốc kháng sinh.
Sử dụng thuốc kháng sinh cần sự chung tay của cả cộng đồng (ảnh minh họa)
Sử dụng thuốc kháng sinh có trách nhiệm
Hiện nay, tại nhiều cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, tình trạng kháng thuốc kháng sinh diễn ra khá phổ biến, gây khó khăn trong công tác điều trị. Theo các chuyên gia y tế, chính thói quen mua thuốc không cần đơn của người dân là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến hiện tượng kháng thuốc kháng sinh, sau đó là kê đơn và cấp phát thuốc kháng sinh không hợp lý. Ghi nhận của phóng viên tại nhiều hiệu thuốc trên địa bàn tỉnh cũng cho thấy tình trạng mua thuốc không có đơn diễn ra khá phổ biến. Nhiều người bán thuốc đã thay vai trò của bác sĩ, tự chẩn đoán bệnh và kê đơn. Việc tự ý sử dụng thuốc không qua khám bệnh, kê đơn của bác sĩ làm cho nhiều bệnh trở nên nặng hơn, khó chữa hơn.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Cách sử dụng kháng sinh mua tại các hiệu thuốc không có đơn rất dễ gây ra tình trạng kháng thuốc, vì không biết bệnh nhân mắc chủng vi khuẩn nào, kháng sinh đó có phù hợp với chủng vi khuẩn đó hay không”. Cùng quan điểm này, đề cập về kháng thuốc kháng sinh, Tiến sĩ Văn Quang Tân, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nhận định kháng thuốc kháng sinh bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, như: Kê đơn và cấp phát thuốc không hợp lý, người bệnh sử dụng kháng sinh không theo chỉ định kê đơn của bác sĩ... Vì vậy, khi sử dụng thuốc kháng sinh, người bệnh cần tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa, như: Sử dụng thuốc, uống thuốc đúng giờ, đúng quy cách hoặc khi sử dụng thuốc cần kiêng những thức ăn gì để không làm mất đi dược tính của thuốc. Việc sử dụng thuốc kháng sinh đòi hỏi phải cộng đồng trách nhiệm, từ bác sĩ đến người bệnh và cả người nhà người bệnh. Người dân tuyệt đối không nên tự ý mua và sử dụng thuốc kháng sinh khi không có chỉ dẫn của bác sĩ. Khi thấy có biểu hiện khác thường trong quá trình sử dụng thuốc cần thông báo ngay cho bác sĩ điều trị để có hướng xử lý kịp thời.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cho rằng: “Hiện nay, tình trạng kháng thuốc kháng sinh trên thế giới cũng như ở Việt Nam diễn ra khá nghiêm trọng. Nhiều bệnh viện đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng của các vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh. Tình trạng sử dụng không hợp lý thuốc kháng sinh không chỉ đe dọa năng lực của hệ thống y tế trong việc phòng ngừa, kiểm soát và điều trị các bệnh nhiễm khuẩn thông thường mà còn kéo dài thời gian điều trị và làm tăng chi phí của người bệnh. Gánh nặng do kháng thuốc ngày càng tăng, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh, cộng đồng và sự phát triển chung của xã hội. Việt Nam đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá cao về những nỗ lực và đóng góp cho công cuộc phòng, chống kháng thuốc chung trên toàn thế giới”.
Cần sự chung tay của cả cộng đồng
Kháng thuốc kháng sinh có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai, ở mọi lứa tuổi và đã trở thành một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe toàn cầu. Sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị cho người bệnh là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, nếu sử dụng kháng sinh không hợp lý, lạm dụng kháng sinh, điều trị kháng sinh khi không mắc bệnh lý nhiễm khuẩn sẽ làm gia tăng tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh, tạo ra sự khan hiếm, thiếu hụt thuốc kháng sinh trong điều trị.
Kháng thuốc ngày nay là vấn đề y tế toàn cầu, nhất là ở các nước đang phát triển. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác định kháng thuốc là một mối đe dọa nghiêm trọng, thách thức đối với điều trị trong tương lai. Kháng thuốc làm ảnh hưởng đến việc ngăn ngừa và điều trị hiệu quả một loạt các bệnh nhiễm trùng ngày càng gia tăng do vi khuẩn, ký sinh trùng, vi rút và nấm gây ra. Đồng thời, kháng thuốc xảy ra khi vi khuẩn, vi rút, nấm và ký sinh trùng thay đổi theo thời gian và không còn đáp ứng với thuốc, làm cho bệnh nhiễm trùng khó điều trị hơn, làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh và tử vong. Để phòng chống kháng thuốc, cán bộ y tế cần tuân thủ đúng các hướng dẫn chuyên môn, chỉ định sử dụng kháng sinh hợp lý; người dân chỉ mua và sử dụng thuốc kháng sinh khi được bác sĩ khám bệnh, kê đơn. Sử dụng thuốc kháng sinh theo đúng hướng dẫn của bác sĩ; cơ quan thú y và các ngành liên quan quản lý và sử dụng thuốc kháng sinh trong nuôi trồng an toàn và hợp lý theo đúng quy định.
Năm 2021, Tuần lễ Thế giới phòng chống kháng thuốc diễn ra từ ngày 18 đến 24-11 với chủ đề “Sử dụng thuốc kháng sinh có trách nhiệm”, khuyến khích cộng đồng, các cơ quan, ban ngành có liên quan tìm hiểu sâu hơn, hiểu rõ hơn về kháng thuốc cũng như những tác động của kháng thuốc đến đời sống con người. Bên cạnh việc tuyên truyền sử dụng kháng sinh đúng cách và hợp lý trong cộng đồng, hiện nhiều bệnh viện trên địa bàn tỉnh đang tích cực triển khai các chương trình giám sát và sử dụng kháng sinh bằng phần mềm quản lý. Theo đó, các bệnh viện tuyến trên thực hiện phân tầng, lấy mẫu bệnh phẩm, chỉ định kháng sinh theo phác đồ điều trị để quản lý việc sử dụng kháng sinh một cách chặt chẽ. Bác sĩ khi có chỉ định, kê đơn thuốc kháng sinh cho người bệnh cần tuân thủ đúng quy định của Bộ Y tế, chỉ định sử dụng kháng sinh hợp lý để hạn chế tình trạng kháng thuốc kháng sinh cho người bệnh.
Năm 2021, Tuần lễ Thế giới phòng chống kháng thuốc diễn ra từ ngày 18 đến 24-11 với chủ đề “Sử dụng thuốc kháng sinh có trách nhiệm”, khuyến khích cộng đồng, các cơ quan, ban ngành có liên quan tìm hiểu sâu hơn, hiểu rõ hơn về kháng thuốc cũng như những tác động của kháng thuốc đến đời sống con người. |
HOÀNG LINH - GIANG NHUNG