Cần sự "bắt tay" của nhà thiết kế và nhà sản xuất

Thứ sáu, ngày 13/12/2024

(BDO) Gốm sứ là ngành nghề có truyền thống lâu đời tại Bình Dương. Tuy vậy, hiện nay nghề truyền thống này đang đứng trước nguy cơ mai một. Và một trong những nguyên nhân khiến ngành nghề này thiếu sức sống là do hầu hết các cơ sở sản xuất làng nghề đều ở quy mô nhỏ lẻ (hộ gia đình), năng lực về vốn, mặt bằng và cơ sở vật chất hạn chế nên không thể đầu tư chiều sâu cho công nghệ sản xuất,  thiết kế mẫu mã mới.

Mặt khác, hiện nay, số lượng nghệ nhân tài hoa, hiểu sâu về kỹ thuật, kỹ xảo nghề truyền thống không còn nhiều. Lớp nghệ nhân cao tuổi hạn chế về khả năng nắm bắt thị hiếu, thị trường, trong tiềm thức luôn lệ thuộc vào các mẫu mã truyền thống.

Còn những người trẻ được học hành bài bản, có sự năng động, nhạy bén nhưng lại chưa có nhiều kỹ năng, kỹ xảo với nghề, hạn chế hiểu biết những chuẩn mực về giá trị truyền thống.

Trong khi đó, thị trường tiêu thụ trong và nước đang đòi hỏi sản phẩm gốm sứ phải phong phú, đa dạng đáp ứng thị hiếu thẩm mỹ của khách hàng. Song, các cơ sở chưa đáp ứng được điều đó khi gốm sứ chưa có đội ngũ thiết kế chuyên nghiệp, nghiên cứu chuyên sâu cho từng sản phẩm. Các cơ sở làng nghề và doanh nghiệp hiện đầu tư quá ít cho nghiên cứu thị trường, nhất là thị trường dành cho tạo mẫu và thiết kế.

Theo các chuyên gia, muốn sản phẩm gốm sứ phát triển mạnh mẽ hơn nữa phải “bật” được khỏi tư duy truyền thống mới tiếp tận được sâu với thị trường. Trong đó, tinh hoa văn hóa gốm sứ Bình Dương là một yếu tố quan trọng trong khai thác chất liệu để tạo nên những mẫu mã, kiểu dáng thiết kế mới trên nền công nghệ tiên tiến, cho ra sản phẩm với nhu cầu của thị trường.

Để phát triển mẫu mã sản phẩm làng nghề, sản phẩm thủ công mỹ nghệ phù hợp cần có sự "bắt tay" của nhà thiết kế và nhà sản xuất.

Các cấp ngành cần có sự hỗ trợ để nhà sản xuất cho ra các sản phẩm mang bản sắc hơi thở của địa phương, vẫn tận dụng được nét truyền thống, vừa có thể áp dụng công nghệ mới; dễ tổ chức sản xuất, đáp ứng được yêu cầu về số lượng lớn; kích thước, chất lượng, nguyên vật liệu và giá thành thành phẩm cần phù hợp với đối tượng khách hàng; sản phẩm vừa là mỹ thuật đơn thuần, vừa có thể là sản phẩm mỹ thuật ứng dụng…

Kỳ vọng rằng, hướng đi có trách nhiệm trong việc thúc đẩy phát triển và bảo tồn nghề truyền thống này được bắt đầu từ các cuộc thi sản phẩm gốm sứ, để kích thích sự sáng tạo, tạo ra những sản phẩm mới tinh tế, có giá trị kinh tế cao.

Tiểu My