Cần sớm liên kết du lịch Bình Dương - TP.HCM

Thứ hai, ngày 23/11/2015

(BDO)

Du lịch đường sông đang là một trong những sự lựa chọn thú vị đối với khách du lịch. Sông Sài Gòn đoạn đi qua Bình Dương, với bờ đối diện là Tây Ninh, TP.HCM có nhiều tiềm năng để phát triển đa dạng loại hình tour, tuyến du lịch. Chừng vài năm trước đây, khách du lịch về Bình Dương bằng đường sông Sài Gòn tương đối nhiều. Nhưng cả TP.HCM và Bình Dương đều đang bỏ ngỏ cơ hội hợp tác phát triển loại hình du lịch sông nước giàu tiềm năng này.

 TP.HCM và Bình Dương cần sớm liên kết để khai thác tiềm năng du lịch từ sông Sài Gòn. Trong ảnh: Khách tham quan tìm hiểu ẩm thực Bình Dương tại Khu du lịch xanh Dìn Ký (TX.Thuận An). Ảnh: X.THI

 Chưa xứng tiềm năng

Từ Bến Bạch Đằng, TP.HCM lên tận Bến Súc (Dầu Tiếng), lộ trình đường sông mất hơn 70km. Cung đường sông Sài Gòn này chạy qua nhiều địa danh nổi tiếng của cả hai tỉnh, thành như Bến Bạch Đằng, Lái Thiêu - Cầu Ngang - Thủ Dầu Một (Bình Dương) - Địa đạo Củ Chi (xã Bình Mỹ - huyện Củ Chi)… Cùng với đó là các khu du lịch sinh thái nổi tiếng như: Dìn Ký, Cầu Ngang, Bình Mỹ… Nhưng tới thời điểm hiện tại du khách đến các địa điểm này vẫn chủ yếu bằng đường bộ.

Sau sự cố Dìn Ký, các công ty lữ hành tại TP.HCM và Bình Dương đều cho biết lượng khách đi tham quan bằng đường thủy giữa hai địa phương này không còn nhộn nhịp và tấp nập như trước nữa. Phía TP.HCM khai thác du lịch đường sông Sài Gòn thu nhỏ quy mô tour, tuyến chỉ gói gọn trên địa bàn của TP.HCM. Còn tỉnh Bình Dương hầu như chỉ đón khách bằng đường bộ.

Các chuyên gia nhận định, đặc thù du lịch sông nước điều kiện quan trọng nhất là bảo đảm an toàn cho du khách. Loại hình du lịch sông nước phải đa dạng, gắn kết mật thiết với đặc thù và những tiềm năng của sông Sài Gòn. Vấn đề giá cả cũng cần được các công ty lữ hành, đơn vị tổ chức du lịch quan tâm nếu giá cả quá cao so với đường bộ thì sẽ bóp chết tiềm năng du lịch sông nước.

Liên kết để cùng phát triển

Dự án nâng cấp cầu đường sắt Bình Lợi và luồng sông Sài Gòn đến cảng Bến Súc được thực hiện bằng nguồn vốn BOT do liên doanh nhà đầu tư Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị xanh - Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng STD Việt Nam đang được cả 2 tỉnh, thành xúc tiến hoàn thành.

Theo thiết kế, dự án sẽ bao gồm hai hạng mục chính là nâng chiều cao thông thuyền tại cầu đường sắt Bình Lợi lên 7m, bảo đảm cho các phương tiện thủy trọng tải lớn hơn 300 tấn lưu thông thuận tiện và cải tạo 71km luồng sông Sài Gòn từ cầu đường sắt Bình Lợi đến cảng Bến Súc. Dự án này nhắm tới nhiều mục tiêu, vừa tạo sự kết nối giao thương hàng hóa giữa hai tỉnh, thành hình thành khu vực dịch vụ logistics của khu vực phía Nam, vừa khai thác triệt để tiềm năng sông Sài Gòn để phát triển du lịch sông nước, du lịch sinh thái, miệt vườn của TP.HCM và Bình Dương.

Theo các chuyên gia, hiện tại ngành du lịch của cả 2 tỉnh, thành đều đang loay hoay tìm lời giải cho bài toán “kích cầu” du lịch sông nước. Các tour, tuyến du lịch sông Sài Gòn Bình Dương - TP.HCM hiện giờ đang hoạt động tự phát từ các đơn vị lữ hành. Cho nên trong thời gian sớm nhất, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương và Sở Du lịch TP.HCM cần phải tăng cường hợp tác tuyên truyền quảng bá, đa dạng hóa sản phẩm du lịch sông nước; tổ chức tour -tuyến một cách an toàn, bài bản thì mới hy vọng thu hút du khách tham gia. Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Bình Dương chia sẻ, hiện ngành du lịch tỉnh nhà thiếu hẳn những bến bãi neo đậu cho tàu ca nô, tàu cao tốc cho các tour du lịch sông nước theo kiểu gia đình nên rất nhiều cơ hội đón du khách về Bình Dương bằng đường sông đã bị bỏ lỡ.

Hiện cảng Bà Lụa xây dựng với quy mô khoảng 5,5 ha, vốn đầu tư ước tính 55,5 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa, gồm các phân khu chức năng: Khu bến cảng, khu công viên văn hóa, khu nhà hàng, khu thương mại. Việc cải tạo, xây dựng cảng Bà Lụa nhằm phát triển thành cảng phục vụ du lịch, điểm dừng chân, kết nối giữa du lịch đường sông và các điểm, khu du lịch, các khu di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh ven sông Sài Gòn, góp phần phát triển ngành du lịch tỉnh.

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, cả hai địa phương đừng “chờ” nhau nữa, phải nhanh chóng bắt tay nhau để tìm ra giải pháp định hướng phát triển cho du lịch sông nước ven sông Sài Gòn. Các chuyên gia nhận định, nếu có chiến lược phù hợp, thì du lịch ven sông Sài Gòn vẫn có thể sinh lợi ngay mà không cần chờ cầu Bình Lợi, hay cảng Bà Lụa hoàn thành. Bởi loại hình du lịch sông nước rất phù hợp với nhóm khách là bạn bè, người trong gia đình quy mô mỗi đoàn khoảng 10 người trở lại.

 PHÙNG HIẾU